Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Người cha ăn vụng

Suy tư

Bạn thân mến! Trong những ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của chính phủ, tôi có thời gian nghe lại lời bài hát TÌNH CHA.Tôi muốn viết về người cha của tôi,người mà tôi yêu thương nhất cuộc đời!


Phần I

NGƯỜI CHA ĂN VỤNG

Lm Giuse Nguyễn Tiến Khiêm

Vào những ngày hè nóng như thiêu như đốt của năm 1985, lúc đó tôi đang học cấp 2, một lần tôi vô tình xuống bếp tôi nhìn thấy bố tôi đang hớt cơm trong nồi ăn một cách ngon lành. Khi nhìn thấy tôi ông lúng túng và ngại ngùng, ông không nói gì cả và tiếp tục công việc của mình. Thời gian đó nhà tôi rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Rất hiếm khi cả nhà được ăn cơm không độn ngô, khoai và sắn. Gia đình tôi lúc đó có hết thảy là 7 người.

Trong thời buổi khó khăn thì việc lo cho cả nhà những bữa cơm ngon có thịt có cá là một điều không thể. Bố tôi thường thức dậy rất sớm để ra đồng cuốc đất, nhặt cỏ. Có những hôm bố dậy lúc 2 hoặc 3 giờ sáng để ra đồng cuốc đất một mình trong khi mẹ tôi, chị tôi, tôi và các em tôi vẫn ngon giấc.

Trong các bữa ăn hàng ngày tôi để ý, bố tôi chỉ ăn qua loa cho qua bữa. Phần nào cháy nhất, khô nhất hay sống sượng bố tôi dành ăn hết. Hồi đó tôi chỉ nghĩ rằng bố tôi có gu ăn uống lạ đời và chắc là bố tôi thích ăn như vậy. Vì thế anh em chúng tôi cứ vô tư ăn mà không để ý tới ông nhiều lắm.

Thế rồi thời gian cứ vậy trôi đi, tôi học xong lớp 12 vào Sài Gòn học tập và làm việc. Sau ba năm tôi về lại thăm gia đình. Tôi vào nhà thờ tìm gặp bố tôi, thấy bố đang quét sân trong nhà xứ và hai bố con ngồi tâm sự. Tôi hỏi bố: "Bố ơi, tại sao ngày con còn nhỏ bố dậy rất sớm để ra đồng cuốc ruộng trong khi mọi người đang say sưa trên giường và tại sao bố không gọi mẹ và chúng con dậy sớm để phụ bố".

Bố tôi trả lời: "Con ạ, bố muốn dậy sớm để đi ra đồng làm việc vì thời gian đó rất tĩnh lặng và mát mẻ. Thời gian tĩnh lặng và mát mẻ này bố muốn dâng lên Chúa những lời cầu nguyện và tạ ơn. Và điều quan trọng là ban ngày bố dành nhiều thời gian cho công việc nhà Chúa, như quét dọn xung quanh nhà thờ, nhà xứ, phục vụ nước uống cho các hội đoàn. Bố không muốn gọi mẹ và các con ra đồng phụ bố lúc quá sớm như vậy, bố sợ mẹ và các con mệt và đổ bệnh".

Tôi lại hỏi tại sao hồi đó bố lại ăn trong bếp và trong các bữa ăn bố luôn ăn những phần khó ăn nhất. Bố trả lời, con ạ: “Ai mà chẳng thích ăn những phần ngon nhất và dễ ăn. Thời đó gia đình mình quá nghèo, cơm không đủ cho bà nội và mẹ cũng như các con ăn. Khi nấu cơm bố vô tình để cho tro bếp rơi vào cơm, bố thấy tiếc và bố đã hớt phần có tro bụi để ăn. Điều quan trọng là bố muốn dành cho bà và các con ăn phần không có tro bụi. Bố đã phải cố nuốt và bố đã nói dối với mẹ và các con là bố thích ăn cơm cháy hay những phần sống sượng. Con ạ, trên đời này có ai muốn dành cho mình phần dở nhất hay không ngon để ăn đâu. Vì bà nội, vì các con và gia đình bố sẵn sàng hy sinh tất cả.”

Nghe tới đây lòng tôi thắt lại, tim tôi nhói đau. Hóa ra những điều tôi nghĩ về bố đều không đúng. Trái tim tôi quá nhỏ bé, quá ích kỷ chỉ biết trách móc và chê bai. Trong lòng tôi thầm lặng xin lỗi bố, tôi không đủ cản đảm nói với bố một câu con xin lỗi bố, con mang ơn bố, con tự hào về bố.

Thói quen ăn những đồ thừa canh cặn đã theo bố tôi suốt cuộc đời. Sau nhiều năm đi học và làm việc ở đây đó thỉnh thoảng tôi về nhà thì các em tôi luôn nói bố vẫn sống như vậy. Trong giáo xứ dù có tiệc to nhỏ tới đâu thì bố tôi vẫn không bao giờ ngồi ăn cùng mâm với các cha, các thầy và các hội đoàn mà chỉ biết phục vụ và phục vụ.

Em trai tôi có một quán chè bán trong làng, nhiều lúc em bực mình vì thấy trong lúc phụ dọn bố tôi đã ăn những gì còn thừa từ khách hàng. Các em tôi nói mãi mà bố không chịu nghe. Các em tôi có thiếu thốn gì đâu, bố muốn ăn bao nhiêu thì ăn tại sao không lấy ly mới hay những món mới mà ăn. Nói hoài nói mãi bố tôi cũng chỉ hì hì cười cho qua chuyện.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng nói thời đại 4.0 rồi, đồ ăn uống thiếu gì, ăn vào nhỡ bệnh thì sao? Tiền mất tật mang... Bạn nói và nghĩ có vẻ đúng nhưng với tôi thì lại nghĩ khác hơn một chút. Nếu chúng ta không trân quý đồ ăn thức uống mà phí phạm nó thì sớm hay muộn chúng ta cũng rơi vào cảnh nợ nần, nhà tan cửa, gia đình lục đục khi việc kinh doanh không như ý muốn. Với tình hình dịch Covid 19 kéo dài như hiện nay, nhiều gia đình đã không thể trụ vững dẫn đến phá sản, thất nghiệp, con cái ốm đau không có tiền thuốc thang thì lấy đâu lo cho con cái đi học.

Có một lần tôi có trách bố tại sao bố lại ăn uống như vậy, bố làm như vậy các em thấy buồn và sợ rằng người ta đánh giá là không biết chăm lo cho bố. Bố tôi lại cười khì khì và nói: Bố muốn làm gương cho các em tôi là hãy biết quý trọng đồ ăn thức uống vì đồng tiền kiếm được luôn phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi bằng máu nữa. Nếu không biết tiết kiệm và sống giản dị thì sau này sẽ rất khổ, gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Nghe những lời nói đó tôi mới hiểu việc ăn đồ thừa, canh cặn là bố muốn dậy chúng tôi một bài học là phải trân quý đồ ăn thức uống trong nhà và đặc biệt là biết chi tiêu tiết kiệm để sau này gia đình được hạnh phúc và êm ấm.

 

( xin mời quý vị đọc tiếp phần II: “CHIẾC ÁO CƯỚI CỦA CHA” )

 

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức