7 QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ ĐỨC KHIẾT TỊNH
Đó không phải là danh sách những điều cấm đoán, mà là con đường dẫn đến niềm vui của tình yêu đích thực.
Olga shevtsova I Shutterstock
Alex Deschênes đã khám phá ra thần học về thân xác của thánh Gioan Phaolô II khi ông mới 20 tuổi, và điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cuộc đời ông. Đến lượt mình, ông đã biến những suy ngẫm của vị Giáo hoàng thánh thiện quá cố này thành của riêng mình, và chia sẻ tầm nhìn của mình về thân xác và tính dục bằng một ngôn ngữ dễ tiếp cận.
Đặc biệt, ông mô tả đức khiết tịnh không phải là tổng hợp những điều cấm đoán, mà là một con đường - một con đường cam go phải được thừa nhận - dẫn đến niềm vui của tình yêu đích thực.
Thánh Gioan Phaolô II đã viết, “Đức khiết tịnh là một nhân đức khó, và việc đạt được nhân đức này đòi hỏi thời gian; người ta phải chờ đợi hoa trái của nó và niềm vui yêu thương mà nó sẽ mang lại. Nhưng đó là con đường không thể sai lầm dẫn đến niềm vui.”
Để làm sáng tỏ quan niệm trên về đức khiết tịnh, Alex Deschênes đã xóa bỏ một số quan niệm sai lầm:
Quan niệm sai lầm # 1
Khiết tịnh không có nghĩa là “không quan hệ tình dục”. Khiết tịnh có nghĩa là “nói lên sự thật với thân xác của bạn trong mọi hoàn cảnh.”
Như thánh Gioan Phaolô II đã nói, khiết tịnh “là sự trong sáng của tình yêu.” Đó là một cách yêu thương đích thực, là trở nên người làm chủ thân xác của chính mình và không bị chi phối bởi những ham muốn.
Quan niệm sai lầm # 2
Khiết tịnh không có nghĩa là bị “cản trở”. Nó có nghĩa là từ chối biến người kia thành đối tượng cho niềm vui thú của riêng bạn.
Nếu trong một mối quan hệ, một người tha thiết muốn giữ đức khiết tịnh còn người kia thì không, thì người sau được mời gọi hãy yêu thương người trước như chính bản thân người đó, cùng với đức tin, giá trị và sự lựa chọn của người đó và hãy tôn trọng cuộc hành trình của người đó. Alex Deschêne nói rằng đây chính là “bằng chứng về việc tình yêu bộc lộ những gì là tốt đẹp nhất nơi một con người”.
Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo: “Đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi sự hy sinh.”
Quan niệm sai lầm # 3
Khiết tịnh không chỉ giới hạn đối với các mối quan hệ trước hôn nhân. Các cặp vợ chồng cũng được mời gọi sống khiết tịnh trong hôn nhân, bằng trao ban cả con người mình một cách chân thành và trọn vẹn.
Quan niệm sai lầm # 4
Khiết tịnh không có nghĩa là không còn cảm thấy ước muốn. “Một người không còn ước muốn dưới bất kỳ hình thức nào thì không phải là đức hạnh… người đó đã chết!”
Ước muốn là một ơn ban từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt để ước muốn nơi tâm hồn chúng ta. Người không muốn dập tắt ước muốn của chúng ta, Người muốn “thổi bùng” chúng lên, để chúng mạnh mẽ hơn nhưng cũng để chúng được thanh tẩy bằng lửa.
Quan niệm sai lầm # 5
Mục đích của khiết tịnh không phải là tước đoạt điều gì đó từ chúng ta, nhưng là để dẫn dắt chúng ta hướng đến việc trao ban. Trong một mối quan hệ yêu đương, việc có những ước muốn mạnh mẽ để được gần gũi về thân xác là điều bình thường và việc lựa chọn để chờ đợi là một thử thách thật sự. Tuy nhiên, đó cũng là “một cách để ấp ủ một kho tàng”, một kho tàng sẽ hoàn toàn trở đẹp đẽ hơn nếu nó được mong muốn và chờ đợi.
Alex Deschêne so sánh điều này với việc leo núi; bạn có thể tận hưởng phong cảnh khác nhau tùy thuộc vào việc bạn đã đi bộ hay đi lên bằng cáp treo. Nếu không tốn chút công sức nào, thì “chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy phong cảnh và chúng ta đi xuống” mà không thực sự nhận thức được món quà đang được trao ban cho chúng ta.
Quan niệm sai lầm # 6
Khiết tịnh không phải là lời nói “không”. Khiết tịnh chủ yếu là lời nói “có” (đối với phẩm giá của người kia) mà từ đó nó kéo theo một số lời nói “không”. “Khiết tịnh có nghĩa là chọn lấy toàn bộ con người trong khi phải hy sinh mọi thứ khác.”
Quan niệm sai lầm # 7
Khiết tịnh không phải là khinh thường thân xác và tính dục. Nó bao gồm việc “tích hợp những ước muốn của bạn để biến chúng thành một động lực của tình yêu: một tình yêu tự do, vô điều kiện, có kết quả và trọn vẹn”.
Tác giả: Mathilde De Robien
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên