Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Viết cho em trong một thế giới đầy những hòn đảo

Suy Tư Tản Mạn

CÙNG SỐNG

Em thân mến!

Em còn nhớ tác phẩm“Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương chứ? Một câu chuyện thật cảm động được viết trong đó, chẳng là nhân vật bà mẹ sau thời gian rong ruổi trên các con phố bán hàng, giờ phải về bán ở góc phố nơi mà toàn dân lao động nghèo như bà đang sinh sống, chỉ vì cái tai nạn bất ngờ cướp đi đôi chân vốn lanh lẹ của bà. Câu chuyện được viết tiếp khi những người nghèo khổ ấy vất vả kiếm tiền ở “ngoài”, giờ mang chút về để nuôi bà qua cốc nước chè, cái bánh quy hay cái kẹo lạc vốn là thứ mà họ ít khi mua vì còn dành tiền mua gạo cho con. Họ nghèo nhưng cũng biết nuôi nhau, một chân lý tuyệt vời mà tác giả muốn gửi gắm: Sống nhưng cũng giúp người khác sống nữa!

Chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh nhân vật Toàn trong tác phẩm “Cha rơi”, cả đời nhặt ve chai, tiết kiệm từng đồng nuôi con, chỉ dám ăn cái bánh mỳ khô giá vài ngàn đồng và kì kèo bằng được ít nước thịt, ấy vậy mà vui vẻ lấy ra trong túi tờ mười ngàn để chia sẻ với mẹ con người ăn mày ngồi ở vệ đường. Có vẻ, nghệ thuật luôn diễn tả và truyền tải sự thật cùng vẻ đẹp của cuộc sống em nhỉ?

Vậy còn thực tế vốn phũ phàng thì sao? Thầy đã thấy và biết nhiều người phải nhặt nhạnh, tiết kiệm từng đồng cho cuộc sống nhưng lại vô cùng hào phóng và quảng đại ủng hộ người nghèo, nhất là những nạn nhân của thiên tai. Còn em, chắc hẳn cũng gặp không ít người phải cân nhắc mua sắm vì túi tiền eo hẹp, chỉ mua những vật dụng thật cần thiết, ấy vậy mà sẵn sàng mua mấy đồ chẳng mấy cần như gói kẹo cao-su, túi bông tăm, hay cái bấm móng tay của những bà cụ, những chú bé vẫn lệ khệ đem bán dọc các quán cà phê vỉa hè, hình như những con người ấy đang sống cái triết lý ở đời “sống cũng giúp người khác sống nữa!”.

Thầy nghĩ sẽ có nhiều người biện minh cho lối sống ấy bằng lý luận:“quan trọng là đời tôi không làm hại ai, chẳng lấy của người, mọi sự là công sức của tôi, tôi có quyền giữ cho riêng mình”. Đó là luận điệu của một thứ cá nhân chủ nghĩa mà “con đẻ” của nó là thói vô cảm. Vậy hãy để “cây vả không sinh trái” lên tiếng nhé, cây vả chắc chắn không làm hại gì các cây khác trong vườn, chẳng chèn ép cây thấp, chẳng bám víu cây cao, ấy vậy mà nó bị phạt “chết khô” đấy em. Tội của nó là không chịu sinh trái, nó muốn dồn nhựa nuôi lá, nuôi thân mình, ngu gì nuôi quả để cho người khác hưởng. Nó muốn giữ nhựa sống ấy cho mình thôi; nó còn quên một điều rằng nó lấy dưỡng chất sống ấy từ đâu? từ lòng đất mẹ! vốn đến từ Thiên Chúa đấy em nhỉ?

Chúng ta cũng sẽ bị phán xử không phải vì suốt đời chẳng làm hại ai, nhưng là ta có giúp ai không? Có “sinh trái” cho đời cho người chăng? Ta có sẻ chia điều ta lãnh nhận từ Thiên Chúa cho người khác không? Bởi chúng ta dễ bị cám dỗ sử dụng những ân ban trong đó có của cải và tài năng mà Thiên Chúa đã ban để phục vụ mình trong ích kỷ, tìm kiếm mình thay vì biết sử dụng để trao ban và phục vụ tha nhân. Chẳng phải chính Đức Giêsu cũng chịu cơn cám dỗ này trong hoang địa sao? “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hóa đá thành bánh mà ăn đi” – Sử dụng quyền năng Thiên Chúa ban mà hóa bánh cho mình đi, cho mình thôi nhé!

Thế nên, đừng để thế gian này lừa dối em nhé! Đừng chỉ sống cho riêng mình, sống như thế Phan Bội Châu bảo:“Sống làm chi cho chật đất chật trời”; lối sống ấy Jean Paul Sart sẽ gọi là “sống thừa ra” như thể là vô dụng! vô hình, không còn gọi là sống mà chỉ là “tồn tại” ở đời như một thứ dư thừa, bỏ đi.

Thiên Chúa đã đặt để vào thế giới này quy luật của sự trao ban, sống cho người khác em nhỉ? Chẳng phải hằng ngày em vẫn hít thở không khí từ lá phổi xanh ư? Em vẫn thưởng thức hương thơm của muôn ngàn loài hoa đang thả hương trong gió sao? Chẳng phải em vẫn sử dụng biết bao lương thực từ sự quảng đại của lòng đất mẹ ư?…Chính những tạo vật này đã nói lên một chân lý: Ta đang “nợ” cuộc đời, “nợ” Đấng Tạo Hóa, bởi ta nhận nhiều lắm, vậy hãy biết trao ban, sống đâu chỉ nhận cho riêng mình, hãy sống và giúp người khác cùng sống nhé em!

Nhà thơ Tố Hữu nói cùng ta:“Nếu là con chim, chiếc lá,/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh./ Lẽ nào vay mà không có trả / Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?” – Một khúc ca xuân.

Chào chúc em luôn mạnh khỏe và bình an!

Totus Tuus

Nguồn bài: tgphanoi.org

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức