THỜI GIAN LÀ VÀNG
Em thân mến!
Hình như ở đâu người ta cũng truyền tai nhau: Thời gian là vàng! Thế nên khắp nơi ta thấy một cuộc chạy đua tốc độ. Đồ ăn bây giờ cũng phải nhanh – Fast Food, học tập cũng phải theo kiểu “cấp tốc”, đúng là thời buổi “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. Ngay trong các dịch vụ người ta cũng thấy nào là Internet cáp quang tốc độ cao, hay chuyển tiền chỉ trong một nốt nhạc! Phương tiện di chuyển cũng phải cao tốc, đến việc hôn nhân còn phải chớp nhoáng, đánh nhanh thắng nhanh, cưới vợ là phải liền tay. Đừng tưởng chúng ta không bị ảnh hưởng nhé! Bởi giáo dân bây giờ thích lễ nhanh, thích giảng ngắn…mọi thứ phải được rút ngắn đối đa đấy em nhé!
Đúng là thời gian là vàng! tiết kiệm thời gian chính là sinh lời, điều này không sai; việc nhanh chóng cũng đem lại nhiều điều thuận lợi cho con người như việc di chuyển, làm việc…Nhưng khi nói với em: “Thời gian là vàng!” thầy không có ý khai triển những điều trên, nhưng điều mà thầy muốn nói với em là hãy tận dụng thời gian Chúa ban, đó là giây phút hiện tại em đang sống, nó là quý giá trong ý định của Thiên Chúa!
Bởi một thực tế là giới trẻ bây giờ nôn nóng lắm, mau sốt ruột để khẳng định mình, muốn làm giàu chỉ bằng một cái “click chuột”. Chúng ta sẽ dễ đánh rơi giây phút hiện tại khi lao vun vút về tương lai, mọi thứ xung quanh sẽ chỉ vụt qua mà chẳng để lại trong ta chút ý nghĩa nào.
Bởi đã có biết bao mẫu gương “tài không đợi tuổi” như Alexander Đại đế chẳng hạn, chỉ ngoài 20 tuổi đã đánh đông dẹp bắc với biết bao chiến tích. Ấy vậy mà có một chàng thanh niên miền quê Nadareth vẫn cứ “bám váy” mẹ, hình như chẳng chịu lớn, khi tuổi đã gần 30 đấy em ạ, người ta chỉ biết tên anh là “con ông thợ mộc Giuse” thôi. Giêsu không thấy sốt ruột hay sao? Đến cứu thế mà sao chần chừ vậy! cứu người như cứu hỏa, phải tốc độ chứ? Ngoài kia thế gian đang đau khổ, chờ “dài cổ” Đấng Mê-si-a mà Ngài vẫn “bình chân như vại” thế à? Thánh Gioan chỉ nói với ta: “giờ của Người chưa đến”.
Trong suốt 30 năm ấy, không biết Giêsu đã làm những gì nhỉ? Kinh Thánh không cho ta biết. Nhưng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, Ngài đã sống như bao người khác một cách có trách nhiệm. Trách nhiệm với tôn giáo khi tham dự các lễ nghi tại Hội đường, lên Giêrusalem hành hương theo đúng luật truyền, cầu nguyện với Đức Chúa hằng ngày cùng với Mẹ Maria. Ngài cũng chu toàn trách nhiệm với gia đình là chăm sóc mẹ, lao động để nuôi sống bản thân và gia đình, vì truyền thống cho rằng thánh Giuse đã qua đời sớm. Ngài cũng không quên trách nhiệm với sứ vụ Mêsia khi học tập nghiên cứu Torah, chiêm ngắm cuộc sống để có thể vận dụng vào các dụ ngôn mà diễn tả thực tại Nước Trời.
Đối với Giêsu sẽ không có chuyện mong ngóng: “Bao giờ cho đến tháng ba, hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn?”, không có chuyện hướng đến tương lai mà đánh rơi thực tại em nhỉ?
Còn với chúng ta thì sao, thầy muốn nói về chính thầy và cả em nữa. Liệu có lúc nào đấy chúng mình cũng sống gấp, sống vội không em?
Em à! trong sáng tác nghệ thuật, để chuẩn bị cho phần cao trào luôn là một khoảng lặng cần thiết! Vì thế, nếu cuộc đời này là một bản hòa ca mà chính Thiên Chúa đã khởi xướng, thì chắc chắn Ngài mời gọi chúng ta lắng nghe những giai điệu, những thanh âm ấy trong tĩnh lặng.
Vậy em đã biết sống chậm để làm gì rồi phải không? Người ta sẽ nói với em để thưởng thức cuộc sống; còn thầy sẽ nói với em để lắng nghe cuộc sống này lên tiếng em ạ.
Thầy nghĩ rằng, Giêsu đã phải đổ mồ hôi, phải lao nhọc để có miếng cơm, Ngài đã thật chậm để thấy, cảm nhận và rồi lắng nghe sự vất vả nơi thân xác con người mà chất chứa sâu xa trong đó là sự đói khát tinh thần, khát sự sống thiêng liêng. Chính việc lắng nghe ấy đã hun đúc và tôi luyện con tim của người mục tử biết chạnh lòng thương, để có thể dốc hết tâm can mà lên tiếng: “Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi dưỡng sức, vì ách Tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30)
Giêsu chắc chắn chẳng bỏ qua một giây phút nào của thực tại, khi phụ mẹ trộn bột làm bánh, khi theo mẹ ra đồng gieo hạt, cả khi cùng lũ bạn thả diều bên những cánh đồng lúa chín vàng mà người ta đang gặt, hay khi rong chơi bên bờ biển lúc những con thuyền đang kéo lưới vào bờ và phân loại cá. Và rồi từ quan sát đến chậm rãi để lắng nghe và thấy được dấu vết của Thiên Chúa ngay trong thực tại cuộc sống hằng ngày của con người, để rồi cất tiếng: Nước Trời cũng giống như chuyện bà kia trộn bột, như chiếc lưới quăng xuống biển và người ta nhặt cả tốt mà loại cá xấu, hay Lời Chúa ví như người kia gieo lúa trong ruộng, hạt rơi đất tốt, bụi gai, sỏi đá…Giêsu đã thấy đã lắng nghe để “kéo” Thiên Chúa vào thực tại, giúp con người nhận thấy dấu vết của Thiên Chúa trong đời mình.
Cái chậm của Giêsu không phải là lờ dờ, thủng thẳng, nước đến chân mới nhẩy, nhưng là cái chậm của tâm hồn, chậm của con tim. Thầy muốn em cũng có cái chậm ấy để Lắng Nghe cuộc sống này nhé.
Liệu em có nghe thấy tiếng quặn đau của mẹ thiên nhiên, khi biết bao con sông, dòng suối đã mãi chẳng thể “lên tiếng” vì bị bức tử bởi biết bao nhà máy xí nghiệp xả thải chất độc hại vô tội vạ; em có nghe thấy tiếng “câm nín” của biết bao nguồn nước vĩnh viễn ra đi do thói quen xả rác bừa bãi của chúng ta, có thể có thầy và em đấy! Em có nghe chăng tiếng “rên xiết” của Trái Đất khi mỗi ngày cứ nóng lên, khiến những tảng băng phải “chia ly” với nơi nó được sinh ra để “nhấn chìm” biết bao vùng đất màu mỡ…
Gần hơn chút nữa nào! Hãy thử dừng lại ít phút thả lỏng mình để nhìn ra ngoài cửa sổ, dưới cái nóng đến cháy da ấy nhiều người vẫn phải bươn trải, phải phơi mặt ra để đạp xích lô, xe ba gác…những công nhân xây dựng đang phơi mình để đổ mái, những nhân viên vệ sinh môi trường đang cau mặt trước mùi xú uế của đủ thứ rác rưởi đang bốc mùi dưới cái nắng như đổ lửa ấy. Em có nghe thấy gì không? Hãy chậm để nghe và chắc chắn tiếng đó sẽ hun đúc con tim em như đã thiêu đốt trái tim của Giêsu.
Nếu phải gần hơn nữa! Người ta sẽ nói với em, hãy chậm lại cảm nhận sự thân thương của hai tiếng “gia đình” phải không? Nhưng sẽ không phải chỉ để tận hưởng hạnh phúc ấy, mà còn phải mở rộng con tim để lắng nghe, cảm thông và cầu nguyện cho những ai, chưa một lần được gọi, hoặc được nghe hai tiếng “mẹ, cha”. Biết bao đứa trẻ không có tổ ấm để về, không được ôm ấp bởi vòng tay của cha mẹ, điều duy nhất ôm chúng là cái chăn rách nát và bẩn thỉu dưới gầm cầu. Em phải chậm để những hình ảnh ấy có cơ hội lên tiếng trong trái tim em.
Têrêxa Calcutta đã thấy những cảnh đói khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi tại những khu ổ chuột của Ấn Độ như biết bao người khác đã lướt qua, nhưng mẹ đã chậm thật chậm, để lắng nghe tiếng gọi từ con tim và quyết định dấn thân chăm sóc những mảnh đời bất hạnh ấy.
Hay như lời phát biểu xúc động của một nhà nhân quyền đấu tranh cho những người da màu nghèo khổ kia:“Khi còn bé, tôi đã thấy sự ngược đãi của những người quyền thế đối với những người da màu, họ đã quá khổ rồi, sao còn bị đối xử như con vật vậy! tôi đã nghe thấy một thanh âm từ tận cõi lòng rằng, lớn lên sẽ làm điều gì đó để giúp những con người bất hạnh ấy”.
Cũng vậy, chắc chắn tác phẩm “Không gia đình” hay“Những người khốn khổ” đã không thể lấy được nước mắt của độc giả, và khơi gợi nơi người đọc một sự cảm thương cho những số phận bất hạnh đến tột cùng ấy, nếu tác giả của chúng đã không chậm rãi quan sát thực tế sự khốn khổ của con người, để chính chúng lên tiếng trong sâu thẳm cõi lòng, và việc còn lại chỉ là chép lại những gì con tim đã lắng nghe. Bởi chỉ những gì phát xuất từ con tim mới có thể chạm đến con tim.
Em à! Tất cả chúng ta đã thấy những gì họ thấy, nhưng chỉ có các ngài mới đủ chậm để lắng nghe thực tại và trở nên những vị thánh, hay những người đấu tranh cho người nghèo đói đau khổ, bảo vệ môi trường. Những ai sống gấp, sống vội là những người chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình, chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là chính mình, chẳng còn có khả năng để lắng nghe.
Nhà thờ Hàn Mặc Tử cũng nói với ta về cái “chậm” ấy trong cõi thinh lặng: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều /Để nghe dưới đáy, nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem Trời giải nghĩa yêu”.
Em hãy tập sống những giây phút hồi tâm mỗi tối với Giêsu nhé! để Ngài sẽ dạy em cách lắng nghe cuộc sống này như chính Ngài đã làm.
Em thân mến! Em sẽ phải đủ nhanh để không bị ai bỏ lại, nhưng xin em cũng đủ chậm để không bỏ lại ai!
Totus Tuus
“Xem Trời giải nghĩa yêu”
Phân khoa thần học, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org