THÔNG CÁO SỐ 2
Góp Ý Về Việc Chuẩn Nhận Các Bài Thánh Ca Dùng Trong Phụng Vụ
Thông cáo số 2 về việc chuẩn nhận các bài Thánh ca dùng trong Phụng vụ được cố Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa ban hành vào ngày 24 tháng 9 năm 1994. Mặc dù ra đời từ lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị, bởi lẽ thông cáo dựa trên những huấn thị của Toà thánh về Thánh nhạc.
Dưới đây là nội dung của toàn bộ Thông cáo số 2.
Hiến chế Phụng Vụ cũng như Huấn thị về Thánh nhạc trong Phụng Vụ đều nhắc lại:
[1]- Mục đích của Thánh nhạc
Mục đích của Thánh nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu nên Thánh nhạc phải có những đặc tính căn bản mà Ðức Piô X đã đề ra trong Tự sắc Tra le Sollecitudini (số 2) và được khai triển trong Hiến chế Phụng vụ số 112.
a) Thánh nhạc phải thánh:
Về mặt tích cực: “Thánh nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu.”
Về mặt tiêu cực: Phải loại bỏ những gì phàm tục không những trong bản chất mà cả nơi những người thể hiện.
b) Thánh nhạc phải là nghệ thuật đích thực, có giá trị cả về nhạc lẫn lời, như thế Thánh nhạc sẽ dễ dàng đưa tâm hồn con người đạt tới công hiệu mà Giáo Hội nhắm khi dùng nghệ thuật âm thanh trong Phụng vụ.
[2]- Do đó, khi chuẩn nhận các bài Thánh ca dùng trong Phụng vụ, xin các người hữu trách quan tâm đến một số gợi ý sau đây:
[3]- Về âm nhạc: xin lưu ý 4 phương diện:
a) Dòng ca: dòng ca các bài hát Phụng vụ cần:
– Ðơn sơ, trôi chảy, âm vực vừa phải, nhất là những bài hát dành cho cộng đoàn.
– Thích hợp và làm tăng ý nghĩa lời ca. Cần lưu ý các dấu bằng, trắc trong tiếng Việt.
– Cùng với tiết tấu, dòng ca phải thích hợp với từng loại hoạt động Phụng vụ.
– Tránh những nét nhạc lãng mạn, ủy mị (dùng nhiều nửa cung, nhất là nửa cung đồng) hoặc có tính chất kịch trường (dùng nhiều quãng lớn liên tiếp).
– Cấm đặt lời ca vào những bài nhạc đời rồi hát trong Phụng vụ, kể cả những bài dân ca.
– Có thể dùng cung bình ca như cung gợi ý khi sáng tác bằng ngôn ngữ địa phương trong các cung chủ tế và tá viên (Huấn thị về Thánh nhạc, số 56) (x. thư trả lời của DcThư Ký TB gửi Dc Nguyễn Văn Hòa ngày 8/2/94)
– Khi soạn những cung dành riêng cho chủ tế và các tá viên, “các nhạc sĩ hãy xem các cung nhạc truyền thống Phụng vụ Latinh đã được sử dụng trong cùng một mục đích có thể gợi ra những giải pháp để đặt nhạc cho những bản văn đó bằng ngôn ngữ hiện đại không?” (Huấn thị âm nhạc trong Phụng Vụ, ngày 5/3/1967, số 56).
– Thích ứng nhạc dân tộc: “Việc thích ứng âm nhạc trong những miền có một truyền thống âm nhạc riêng, nhất là trong các xứ truyền giáo” là điều được Công Ðồng Vatican II khuyến khích (Pv 119), nhưng nó “đòi hỏi các nhà chuyên môn phải được chuẩn bị cách đặc biệt” (Huấn thị âm nhạc, số 61).
– Ðể tránh lầm lẫn cho người sử dụng, khi phát hành, cần xác định rõ là nhạc dùng trong Phụng Vụ hay nhạc dùng cho các sinh hoạt khác. Không được in hai loại trong cùng một sách hay cùng một băng nhạc.
b) Tiết tấu: Như đã nói ở trên, tiết tấu phải thích hợp với Thánh nhạc nói chung và với từng hoạt động Phụng Vụ nói riêng. Ngay khi bày tỏ niềm vui thì Phụng vụ đã phần nào nghi thức hóa niềm vui đó. Nó không còn niềm vui bộc phát của đời thường, nhưng bình dị hơn, trang nghiêm hơn, thích hợp với cộng đồng hơn. Những bài hát bình ca và choral cho ta một mẫu mực về điểm này.
Cũng vì thế mà Giáo Hội cấm sử dụng các điệu nhạc Jazz trong Phụng Vụ.
c) Hòa âm: Ðây là một lãnh vực rất phong phú của âm nhạc quốc tế, nhưng riêng đối với tiếng Việt, có 6 âm ở cao độ khác nhau một cách tương đối, thì việc sử dụng hoà âm còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các nhạc sĩ Việt Nam nói chung và Công Giáo nói riêng đã có nhiều khám phá, nhiều sáng kiến đáng kể. Cùng với việc tuân thủ các qui luật của môn học này, các nhạc sĩ hãy kiên trì tìm tòi, hy vọng sẽ hình thành được một khoa hoà âm độc đáo cho tiếng Việt.
Nhưng trước mắt, chúng ta nên lưu ý:
– Những bài đa âm viết theo nhạc pháp đồng hoà (Omophonie) như các bài choral, phải tránh những nốt nhạc làm cho lời ca thành khác nghĩa, có khi thành lố bịch.
– Những bài đa âm viết theo nhạc pháp đối âm thì nên tránh những gì cầu kỳ phức tạp, khiến nghe không rõ bản văn Phụng Vụ.
d) Thể loại bài Thánh ca: Vì có nhiều loại hành động Phụng Vụ khác nhau nên cũng có nhiều thể loại Thánh ca khác nhau: ca nhập lễ, đáp ca, ca dâng lễ, ca hiệp lễ, các câu tung hô, các câu đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn, phần hát dành cho chủ tế và tá viên, bộ lễ (thương xót, vinh danh…). Bài hát dùng cho trường hợp nào thì phải theo thể loại của trường hợp đó.
[4] Về lời ca:
a) Bản văn Phụng Vụ:
Trong Phụng Vụ, nhất là trong Thánh lễ, một số bản văn có tính cách cố định thì không ai được thay đổi vì bất cứ lý do gì, dù để dễ hát: “Trước hết, phải nhắc lại điều này là bản văn Phụng vụ chi phối âm nhạc chứ không phải âm nhạc chi phối bản văn Phụng vụ. Trong các bản văn dùng để hát, cần lưu ý đến các bản văn quan trọng của các cử hành Phụng vụ. Các lời Kinh nguyện của linh mục (Lời nguyện, Kinh nguyện Thánh Thể, lời ban phép lành và truyền phép), lời đối đáp giữa linh mục hay phó tế với cộng đoàn, những lời tung hô của cộng đoàn (ví dụ lúc đọc Phúc Âm, trong các Kinh nguyện Thánh Thể, Kinh Thánh Thánh Thánh và lời tung hô tưởng niệm); Một số bản văn Thánh Kinh hoặc Phụng vụ đã có truyền thống từ lâu đời như Kinh Vinh Danh, Kinh lạy Chiên Thiên Chúa, các bản văn tuyên xưng đức tin trong Giáo Hội như Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha.
Tất cả những bản văn này phải dịch cách trung thực rồi căn cứ vào đó mà sáng tác các cung chứ không được sửa đổi. Khi dịch các bản văn khác, ta cũng có thể thích ứng tùy theo như cầu tinh thần ngôn ngữ và nhu cầu sáng tác âm nhạc như các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ (Huấn thị về Thánh nhạc, số 32; 36 Huấn thị Comme le prévoit, số 36) (thư trả lời của Tổng Giám Mục Gérard M. Agnelo, thư ký Thánh bộ Phượng Tự gửi Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám Mục Nha Trang, phụ trách Thánh nhạc của HÐGMVN ngày 8/2/1994).
Bộ Phụng Tự chỉ cho thích nghi (thay đổi từ ngữ hoặc sắp xếp lại) đối với ca nhập lễ, đáp ca, câu xướng trước Tin Mừng, ca dâng lễ và ca hiệp lễ. Hơn nữa, những bài hát này còn có thể được thay thế bằng các bài chọn trong tuyển tập đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.
b) Những bài hát thay thế:
Do đó, để chuẩn nhận, lời ca của những bài này cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn sau đây: Ðúng và Hay.
– Ðúng về nội dung:
Ðúng với tín lý Công Giáo.
Ðây là yếu tố quan trọng cần lưu tâm. Một số bài được phổ biến vẫn gieo rắc những sai lạc như “Chúa ngự trong bánh rượu” (đáng lý phải viết như thế này mới đúng: “Chúa ngự trong hình bánh và rượu”) hay “xin yêu thương dẫn về quê mộng mơ” (đáng lý phải viết: “chốn quê hằng mơ”).
– Ðúng về hình thức:
Ðúng từ ngữ, văn phạm, hợp với tính cách của hoạt động Phụng vụ, với khung cảnh lễ nghi, với tâm tình đạo đức của các tín hữu.
– Hay về nội dung:
“Quý nhất là được trích trong Thánh kinh và nguồn Kinh Phụng Vụ (PV 121) vì từ đó gợi lên những tâm tình đạo đức thâm sâu và đích thực.
– Hay về hình thức:
Có giá trị văn chương, nhất là thi ca để hoà hợp với âm nhạc. Tránh những sáo ngữ, những kiểu nói trần tục như: “như viên đá xanh ngủ yên giấc mộng lành…,” chú ý tới tiết tấu của lời ca, những từ ngữ và hình ảnh đẹp, cách gieo vận…
Trên đây là đôi điều căn bản, mong các vị phụ trách Thánh ca của các Giáo phận đã được Tòa Giám Mục ủy thác công tác chuẩn nhận các bài Thánh ca lưu ý nhằm thống nhất việc chuẩn nhận và nhờ đó, Giáo Hội Việt Nam có được những bài Thánh ca giá trị để tôn vinh Thiên Chúa và giúp thánh hóa các tâm hồn.
Nha Trang, ngày 24 tháng 9 năm 1994.
Phaolô Nguyễn Văn Hòa
Giám Mục Giáo Phận Nha Trang
Ðặc Trách Thánh Nhạc HÐGM Việt Nam
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
Thông cáo số 1 về việc chuẩn nhận các bài thánh ca dùng trong Phụng vụ