Tôn giáo cũng gọi là…đạo. Người Công giáo tức là người theo đạo Công giáo hoặc Phật tử là người theo đạo Phật v.v…Tuy nhiên nếu hiểu…đạo là con đường thực hiện tâm linh thì Tin Lành hoặc Anh giáo, chinh Thống giáo chỉ là những thứ lạc giáo chứ không phải… đạo
Con đường thực hiện tâm linh của Đạo Công Giáo chính là theo Đức Ki Tô để về cùng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Chính là để theo đuổi con đường về với Cha ấy, Đức Ki Tô đã trao năng quyền tuyệt đối cho Thánh Phê Rô:“ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Sự gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Sự gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).
Mục đích Chúa trao năng quyền cho Thánh Phê Rô là gì nếu không phải là để bảo đảm cho tính tông truyền của Đạo Công giáo cùng với các Bí Tích do Ngài thiết lập ? Tin và sống với các Bí Tích đó chính là Sống Đạo là thực hiện con đường tâm linh. Trái lại là…lạc đạo là không sống đức tin Công Giáo.
Vatican 2 mệnh danh là Công Đồng Đại Kết và Đối Thoại và chính CĐ này đã làm mất đi tính hiệp nhất, tông truyền của Đạo Công Giáo để rồi từ đó đã trở nên đồng hàng, đồng dạng với các lạc giáo gọi là Ki Tô giáo !
Các thứ lạc giáo sở dĩ là…lạc giáo bởi vì họ đã không nhìn nhận năng quyền tuyệt đối của đức giáo hoàng mà Đức Ki Tô đã trao cho vị giáo hoàng tiên khởi là Thánh Phê Rô và như thế họ cũng không tin và sống các Bí Tích.
Hậu quả cụ thể và rõ nhất đã và đang xảy ra tại Công Nghị Đức. Họ công khai kêu gọi phá đổ các Bí Tích nhất là 02 Bí Tích Hôn Phối và Thánh Thể. Với Bí Tích Hôn Phối, chẳng những cho kết hôn đồng tính, họ lại còn đòi Giáo Hội phải…chúc phúc cho nó. Với Bí Tích Thánh Thể thì cho người Tin Lành Rước Lễ mặc dầu họ không hề tin Chúa Giê Su ngự thật trong Phép Mình Thánh !!!
Có vị giám mục nọ mới đây còn tuyên bố giáo hội Công giáo Đức đang trên bờ vực ly khai. Nhưng thực tế thì họ đã và đang ở dưới đáy của sự ly khai rồi bằng cách phá đổ các Bí Tích. Lẽ ra Giáo Hội từ lâu đã phải ra vạ tuyệt thông cho họ như cách đây hơn 300 năm đã làm cho các lạc giáo ?
Điều tệ hại nhất đưa đến tình trạng giáo hội Đức và có thể còn cho nhiều giáo hội khác theo sau đó là chủ trương Đồng Nghị hay tản quyền dành cho các HĐGM trên toàn thế giới. Chủ trương ấy tất nhiên đưa đến phá hủy Tính Hiệp Nhất mà Đức Ki Tô luôn mong mỏi: “ Như Cha đã sai Con đến thế gian, Con vì họ mà biệt ra Thánh hầu cho họ cũng nhân Lẽ Thật mà được nên Thánh vậy. Con chẳng những vì họ ( các Tông Đồ ) mà cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì những kẻ nhơn lời họ mà tin Con nữa để họ thảy hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, lại để họ ở trong Chúng Ta nữa hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 16 -21 ).
Sự hiệp nhất Chúa mong muốn không phải là giữa GH Công giáo với các lạc giáo nhưng là giữa hàng ngũ giáo dân với Linh Mục. Giữa các Linh Mục với đức giám mục bản quyền giữa các HĐGM trên toàn thế giới với đức Thánh cha và cuối cùng là giữa đức thánh cha và Chúa Ki Tô.
Chỉ trong Sự Hiệp Nhất đó Giáo Hội mới có thể tiến bước trên Con Đường về Nhà Cha. Ngược lại sẽ không cách chi tránh khỏi khủng hoảng. Tại sao ? Bởi vì Sống Đạo có nghĩa là cùng bước đi trên con đường của Đức Ki Tô. Thế nhưng làm sao có thể cùng đi trên con đường Ki Tô ấy nếu không có chung đức tin vào các Bí Tích và sống các Bí Tích ấy ?
Về phần mỗi cá nhân nếu không Sống Đạo mà chỉ theo đạo thì cũng giống như có con đường để đi mà không đi lại chỉ …theo như một khách bàng quan thì làm sao có thể đến được cái nơi mình muốn đến là Nhà Cha như lời Đức Ki Tô đã hứa ? “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin Thiên Chúa thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ. Bằng chẳng vây Ta đã nói cho các ngươi rồi, Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).
Cứu cánh của việc sống đạo là để được về Nhà Cha. Tuy nhiên con đường về Nhà Cha ấy hầu như đã bị…nghẽn lối bởi chủ trương Tục Hóa cũng gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ). Một khi đã…Giải Thiêng thì làm gì còn có lòng tin vào sự thưởng phạt đời đời: Sống trong Ơn Nghĩa Chúa làm các việc lành phúc đức sẽ được thưởng ban Nước Thiên Đàng. Trái lại cứ đam mê sống trong tội thì sẽ phải phạt trong chốn khốn nạn đời đời Hỏa Ngục.
Bởi không tin vào sự thưởng phạt đời đời thế nên người có đạo tức có con đường…để đi lại không đi, hoặc thậm tệ hơn lại…lạc vào các con đường dữ ( ác đạo ) do ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Có thể khẳng định Giáo Hội Công Giáo là Con Đường Giê Su bởi lời hứa của Ngài: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Chúa vẫn…ở cùng qua các Phép Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. Khi nào Giáo Hội còn cử hành Bí Tích Thánh Thể như một mầu nhiệm đức tin thì Chúa vẫn…ở cùng.
Có tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh và đón nhận với lòng tin, yêu, hết lòng tuân giữ các giới răn thì Ngài sẽ ban Thánh Thần xuống cho ta: “ Nếu các ngươi thương yêu Ta thì hẳn giữ các giới răn Ta. Ta sẽ xin Cha, Ngài sẽ ban Đấng An Ủi khác để ở lại với các ngươi đời đời tức là Linh của lẽ thật mà thế gian không thể nhận lãnh vì chẳng thấy Ngài cũng chẳng biết Ngài” ( Ga 14, 15 -17 ).
Tin, yêu và tuân giữ các giới răn Chúa đó mới thật là việc Sống Đạo của mọi Ki Tô Hửu. Giữa việc gìn giữ các giới răn và lòng tin, yêu Chúa có một mối liên kết sâu xa. Giới răn là một thứ luật pháp giữ cho con người bước đi trên đường ngay nẻo chính và đường ngay nẻo chính ấy chính là Chúa Giê Su Ki Tô Đấng là đường là sự thật và là sự sống.
Ngược lại cũng vì không tuân giữ các giới răn của Chúa thế nên người ta đã không tin Đức Ki Tô và bước đi trên con đường của Ngài. Làm sao có thể bước đi trên Con Đường Ki Tô ấy một khi người ta công khai chà đạp, phá đổ các giới răn bằng cách đòi …chúc phúc cho các cặp hôn nhân đồng tính, đòi phong chức Linh Mục cho phụ nữ, đòi quyền phá thai v.v…
Giới răn Chúa là nền tảng cho việc Sống Đạo: “ Sao các ngươi gọi Ta là Chúa, Chúa mà không làm theo điều Ta dạy bảo. Ta sẽ chỉ cho các ngươi biết kẻ nào đến cùng Ta, nghe lời Ta và làm theo thì giống ai ? Kẻ ấy ví như người kia cất nhà, đào sâu, lập nền trên vầng đá. Khi nước lụt tràn đến thì nhà ấy không rúng động vì đã có nền móng vững chắc. Song kẻ nào nghe mà không thực hành thì ví như nhà kia cất nhà mình trên nền đất không nền tảng. Ngọn nước đổ ập đến tức thì sụp xuống, khi ấy thiệt hại rất lớn” ( Lc 6, 46 -39 ).
Nền tảng sống đạo là các giới răn. Tuy nhiên việc gìn giữ các giới răn ấy cần xuất phát từ ở nơi Tâm tức nơi tư tưởng. Nếu không như thế thì đó chỉ là thứ …đạo hình thức bề ngoài chẳng có giá trị gì về mặt tâm linh, đức tin không thể trưởng thành , lòng yêu mến Chúa không chân thật.
Lý do cần thực hiện các giới răn từ trong tư tưởng bởi vì chính tư tưởng là cái quyết định cho mọi lời nói, hành vi. Có tư tưởng xáu ác thì mới nói lời xấu, ác. Có tư tưởng lành, thiện thì mới nói lời lành thiện…
Mục đích các giới răn là để ngăn ngừa tội và để ngăn ngừa tội thì phải ngăn khi nó vừa phát khởi. Có tư tưởng tội thì đã là…tội rồi chứ không phải đợi đến khi nó phát ra hành động. Vì vậy Chúa nói: “ Các ngươi đã nghe nói đừng phạm tội gian dâm. Song Ta nói: Hễ ai nhìn ngó người đàn bà mà động tình ham muốn thì trong lòng đã phạm tội gian dâm cùng người ấy rồi” ( Mt 3, 27 -28 ).
Tội từ trong tư tưởng, thế nhưng tội là thứ vô hình khó thể nhận biết. Bởi đó cho nên đối với những kẻ sống đạo hình thức thì không cách chi có thể nhận biết tội để rồi cứ mãi sống trong tội mà không biết. Bởi vì tội rất khó để nhận biết thế nên muốn nhận biết tội thì cần có phương pháp và phương pháp hữu hiệu nhất của người Công Giáo chúng ta đó là Phép Lần Hạt Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy.
Tín hữu có thể đọc ( Tụng ) kinh nguyện này rất nhiều nhưng vẫn không nhận biết tội, lý do bởi vì đó chỉ là cái việc ngoài môi miệng, tuy cũng có ơn ích đó nhưng điều quan trọng là nhận biết tội thì vẫn chưa !
Để nhận biết tội qua việc thực hành Kinh Mân Côi thì cần có 02 điều kiện. Một là lòng kiên trì, hai là thực hành trong chánh niệm tỉnh giác. Sở dĩ cần kiên trì là bởi thực hành kinh nguyện này bằng cách cứ lập đi lập lại mãi một Kinh Kính Mừng nếu không hiểu ý nghĩa của nó thì sẽ đâm ra chán nản bỏ cuộc. Nhưng chính với sự kiên trì ấy mà chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa.
Tiếp đến cần thực hành Kinh Mân Côi trong chánh niệm bởi vì chỉ trong chánh niệm mới có thể khiến cho ta nhận biết tội. Tại sao ? Bởi vì chánh niệm ví như sợi giây rọi của người thợ xây, cứ căn cứ vào sợi giây rọi ấy mà bức tường được thẳng đứng không xiêu vẹo.
Lấy từng lời kinh trong tràng chuỗi MC ấy làm chánh niệm sẽ khiến cho các tạp niệm hoặc tà niệm được nhận biết và một khi được nhận biết thì nó không còn có tác dụng gì nữa. Lần Chuỗi MC thì không một ai lại không chia lòng chia trí. Sự chia lòng chia trí ấy Nhà Thiền gọi đó là …vọng tưởng và nó là cái không thật chỉ cần quan sát thì nó lặn mất. Tuy lặn nhưng lập tức lại khởi. Tu chỉ là cái việc quan sát vọng khởi rồi lặn, lặn rồi khởi chứ chẵng phải điều chi khác. Vấn đề ở chỗ là không bao giờ được coi vọng tưởng là một cái gì đó cụ thể có thật . Khi nó móng khởi, nhận biết nó ngay và đừng bao giờ dằn nén nó. Cứ để nó trôi nổi và quan sát nó như ta quan sát trái bầu khô trôi trên mặt nước” ( Chang Chen Chi – Thiền Đạo Tu Tập ).
Làm sao để quan sát vọng tưởng giống như trái bầu khô trôi trên mặt nước ? Đối với Thiền Tông là nhờ ở việc Tham Công Án. Còn của Công Giáo là ở Tràng Chuỗi Mân Côi được thực hiện trong kiên trì và chánh niệm. Việc thực hành Kinh MC trong chánh niệm là việc tuy khó mà cũng không khó bởi chưng nếu có Ơn Chúa và một ý chí kiên cường thì khó lại trở thành…dễ một khi việc thực hành ấy đã trở nên như một thứ…tập quán. Nhà toán học thiên tài Pythagor nói: “ Hãy chọn việc tốt nhất. Thói quen sẽ làm cho nó trỡ nên thú vị và dễ dàng” ( Optimum Lege suave et facile illud faciet consuetudu ).
Thói quen đó cũng chính là Nghiệp. Có hai thứ Nghiệp, một là Nghiệp thế gian và hai là Nghiệp siêu xuất thế gian. Tạo Nghiệp thế gian sẽ bị thế gian trói buộc trong vòng khổ đau mê muội. Trái lại tạo Nghiệp siêu xuất thế gian sẽ cho ta thoát khỏi chốn khổ ải để được sống an vui trong cõi vĩnh hằng.
Để thoát khỏi chốn trần gian khổ ải thì không có cách nào khác là phải đi trên đường đạo bằng cách hoán cải nội tâm. Đức cố hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận nói: “ Nếu không có sự hoán cải nội tâm thì phần lớn nhân loại có nguy cơ tiến từ kinh nghiệm bị bóc lột tới loại trừ và từ loại trừ tới tiêu diệt” ( Chứng Nhân Hy Vọng )./.
Phùng Văn Hóa
Nguồn: conggiao.info