Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

SÁCH GIÁO LÝ NĂM MỤC VỤ HIỆP THÔNG 2020 – 2021

Cập nhật ngày 06/01/2021

 

LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC

 

Năm 2020, Tổng Giáo phận Hà Nội chúng ta đã có những nỗ lực cố gắng để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng Trọn Lành” (Mt 5,48). Trọn lành hay nên thánh là ơn gọi và bổn phận của người Kitô hữu. Hy vọng những gì đã thực hiện trong năm vừa qua, tạo sức bật cho đời sống Đức tin của mỗi tín hữu, để tiến bước trên con đường thánh thiện.

Định hướng mục vụ cho năm 2021 là sống tình hiệp thông. Hiệp thông với Chúa giúp chúng ta được thần linh hoá và nên giống Ngài. Hiệp thông với anh chị em làm nên vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu. Tình hiệp thông nối kết chúng ta thành gia đình của Thiên Chúa, để giới thiệu một hình ảnh tuyệt vời về Giáo Hội với bốn đặc tính: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền. Hiệp thông cùng làm nên sức mạnh, làm lan toả sự thánh thiện và tình yêu thương.

Với ước mong mọi thành phần Dân Chúa chuyên cần học hỏi Giáo lý và cộng tác xây dựng tình hiệp thông trong Tổng Giáo phận, tôi hân hạnh giới thiệu cuốn “Sách Giáo Lý Năm Mục Vụ Hiệp Thông” do Ban Giáo Lý của Tổng Giáo phận biên soạn. Tôi kêu mời Quý Cha, với sự cộng tác của anh chị em Giáo Lý Viên, nỗ lực chuyển tải nội dung cuốn sách này tới mọi người. Xin Chúa chúc lành và thêm sức cho chúng ta.

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2020

+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội

 

Tải về file Word:

Tải về file PDF:

 

Tháng Mười Một – 2020

DẪN NHẬP NĂM MỤC VỤ HIỆP THÔNG

29   CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG         

Lời Chúa: “Để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

1. H. Chủ đề năm mục vụ 2021 của Tổng Giáo phận       Hà Nội là gì?

T. Năm mục vụ 2021 của Tổng Giáo phận được Đức Tổng Giám mục Giuse chọn chủ đề: Hiệp Thông.

2. H. Hiệp thông là gì?

T. Là mối tương quan mật thiết giữa các Ki-tô hữu với Thiên Chúa và với nhau[1].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp chúng con biết dấn thân sống tinh thần hiệp thông với Chúa và với anh chị em trong năm mục vụ 2020-2021, để góp phần xây dựng Tổng Giáo phận và giáo xứ thành Gia Đình đức tin hiệp nhất yêu thương và phục vụ.

Tháng Mười Hai  2020

06   CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Lời Chúa: “Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa” (Ga 17, 26).

3. H. Những hình ảnh nào giúp ta hiểu rõ tính hiệp thông?

 T. Có hai hình ảnh đáng chú ý này:

Một là hình ảnh một gia đình đầm ấm mà các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, sum họp, thuận hòa, phục vụ nhau[2].

Hai là hình ảnh cộng đoàn tín hữu đầu tiên: “Các tín hữu bây giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa qua đời sống tin-cậy-mến để đón nhận nguồn sức sống từ nơi Chúa và đem chia san cho anh chị em, để cho mọi người thấy chúng con ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng con.

13   CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Lời Chúa: Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người” (Ep 4,6).

4. H. Mẫu mực của tình hiệp thông là gì?

T. Là sự hiệp thông hết sức tuyệt vời và thắm thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa.

5. H. Nhờ đâu ta có thể hình dung sự hiệp thông này?

T. Một gia đình thuận hòa sum họp là hình ảnh của mối hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi. Thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội đồng Giám mục Việt Nam, (số 6) nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô hữu là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.”

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin tác tạo sự hiệp nhất yêu thương nơi chúng con trong việc sống Lời Chúa và thực thi lời dạy của Huấn Quyền, để chúng con trở nên hình ảnh của sự hiệp thông sống động nơi trần gian.

20   CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Lời Chúa: Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17).

6. H. Chủ đích của năm mục vụ hiệp thông là gì?

T. Chủ đích của năm mục vụ hiệp thông

– Thứ nhấtgiúp mọi thành phần dân Chúa sống mối tương quan với Thiên Chúa, với Hội Thánh, với giáo phận và giáo xứ sâu sắc hơn.

– Thứ hai nhằm thăng tiến phẩm giá và đức tin người tín hữu tới mức trưởng thành qua việc thể hiện hồng ân “hiệp thông” là con người được hiệp thông với Thiên Chúa.

– Thứ ba để sống chứng tá cho Chúa qua việc sống thống nhất mầu nhiệm đức tin kitô giáo qua bốn chiều kích: Luật đức tin (Lex credendi); Luật cử hành (Lex célebrendi); luật sống (Lex vivendi); và luật cầu nguyện (Lex orendi).

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết thể hiện đức tin trong tình nghĩa tử với Chúa, tình huynh đệ với anh chị em một cách cụ thể và sống động ngay trong cuộc sống hằng ngày.

27   CHÚA NHẬT THÁNH GIA CHÚA GIÊSU,        ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE.

PHẦN I: HIỆP THÔNG VỚI CHÚA

Lời Chúa: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,7).

7. H- Thiên Chúa dựng nên con người để làm gì?

T. Để họ được sống hiệp thông với Ngài trong tình yêu thương.

8. H. Mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người xuất phát từ đâu?

T. Mối hiệp thông này xuất phát từ Thiên Chúa. “Từ nguyên thủy, Thiên Chúa dựng nên con người và cho họ được sống thân tình với Ngài” [355], và “Ngài không ngừng lôi kéo con người đến với mình” [ 27].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, đã ban cho chúng con ơn hiệp thông, chúng con chỉ là thụ tạo mà được Chúa thương nhận làm nghĩa tử, nhờ Chúa Kitô để chúng con được hiệp thông với Chúa Ba Ngôi.

Tháng Giêng  2021

03  CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

CHÚA GIÊSU ĐƯA TA VÀO HIỆP THÔNG VỚI CHÚA CHA

Lời Chúa:  Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời(Ga 3,16).

9. H- Mối hiệp thông mà Thiên Chúa gây dựng từ ban đầu giữa Ngài và con người có bền chặt mãi không?

T. Không, vì tội lỗi và đặc biệt là tội nguyên tổ đã phá vỡ sự hiệp thông tốt đẹp này.

10. H- Khi mối hiệp thông cao quý này bị phá vỡ, Thiên Chúa đã làm gì để tái lập?

T. Thiên Chúa Cha đã cho Con Một Ngài xuống thế làm người, hiến tế đời mình, để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. [613- 614].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã dùng mọi biến cố để tỏ mình ra cho nhân loại. Xin cho mọi người trong giáo xứ luôn vững tin, thờ lạy Chúa trong mọi hoàn cảnh, và không ngừng đổi mới bản thân, hầu giới thiệu và giúp cho mọi người tin yêu vào Con Chúa và được sống nhờ Danh Ngài.

10   CHÚA NHẬT CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

Lời Chúa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng    về Con” (x.Mc 1,11).

11H. Chúng ta tin vào Thiên Chúa duy nhất hay ba Thiên Chúa?

T. Chúng ta tin vào Một Thiên Chúa, trong Ba Ngôi. “Thiên Chúa không đơn độc, nhưng hiệp thông trọn vẹn với nhau” (Đức Bê-nê-đic-tô XVI, 22/5/2005). Kitô hữu không cầu nguyện với Ba Chúa khác nhau nhưng chỉ một Chúa duy nhất thôi, Người là Ba Ngôi và chỉ là một Chúa thôi. Ta biết được Thiên Chúa là Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu Kitô, Người là Con và nói về Cha Người ở trên trời: Tôi với Cha chỉ là một (Ga 10,30). Người cầu nguyện Cha và ban cho ta Thánh Thần là Tình Yêu giữa Cha và Con. Vì thế chúng ta được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần    (Mt 28,19). 35 [232-236, 249-256, 261, 265-266].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, nhờ Chúa Giêsu – Con Cha mà chúng con được biết Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con luôn biết mến yêu tôn thờ Ba Ngôi Một Chúa, để cho chúng con được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Ba Ngôi đời này và đời sau.

17   CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6).

12. H. Tại sao lại gọi Thiên Chúa là “Cha”?

T. Ta tôn vinh Thiên Chúa là Cha, trước hết vì Người là Đấng Sáng Tạo, và hằng yêu thương săn sóc các thụ tạo của Người. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã dạy ta điều đó, hơn nữa, còn coi Cha Người như là Cha chúng ta, và dạy ta thưa với Người “Lạy Cha chúng con”. “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27). 37 [238-240].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, vì tình thương và lòng nhân hậu Chúa đã tạo dựng nên chúng con từ hư vô, Chúa lại ban cho chúng con được cai quản công trình Chúa tạo dựng và ban cho chúng con hồng ân cao cả nhất là được làm con của Cha. Xin cho chúng con sống trọn tình hiếu tử với Chúa để mãi xứng đáng là con của Cha.

24   CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Mọi sự được dựng nên bởi Người và cho Người”    (Cl 1,16).

13. H. Ai là Đấng sáng tạo thế giới?

T. Một mình Thiên Chúa, Đấng không lệ thuộc thời gian và không gian, đã sáng tạo thế giới từ “không”, và đã cho mọi sự được hiện hữu. Mọi vật hiện hữu đều lệ thuộc vào Thiên Chúa, chúng chỉ tiếp tục được hiện hữu vì Thiên Chúa muốn chúng như vậy. Việc sáng tạo thế giới có thể gọi là “công trình chung” của Ba Ngôi. 44 [290-292, 316]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa Đấng Sáng Tạo vũ trụ trời đất bằng lời Chúa phán, lại nặn đúc và thổi sinh khí vào con người cho con người được sống. Xin cho chúng con luôn biết bảo vệ, cộng tác và gìn giữ công trình Chúa đã tạo dựng.  

31   CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

CHÚA GIÊSU ĐƯA TA VÀO HIỆP THÔNG VỚI NGÀI

Lời Chúa: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống         dồi dào” (x.Ga 10,10).

14. H. Chúa Giêsu đưa ta vào trong sự hiệp thông với Ngài như thế nào?

T. Chúa Giêsu đưa ta vào hiệp thông với Ngài, vì Ngài là trung tâm điểm của đời sống đức tin. Là Kitô hữu có nghĩa là tin vào Ngài, yêu mến Ngài và bước theo Ngài, cũng như dập khuôn đời sống mình như Ngài đã sống. Ngài muốn ta hiệp nhất với Ngài như cây nho với cành nho: Thầy là cây nho, anh em là cành nho (Ga 15, 1-8); để ta sống là nhờ chính sức sống của Ngài: “Ta là bánh trường sinh ai ăn Ta thì sống muôn đời… Ai ăn Ta thì có sự sống nơi mình” (x. Ga 6,51-58).

Nghị lực sống: Lạy Chúa! xin biến đổi tâm hồn khô khan nguội lạnh của chúng con để chúng con luôn biết sốt sáng đến đón nhận sức sống nơi Bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể để  luôn được kết hợp với Chúa là Đầu của Thân Mình Mầu Nhiệm.

Tháng Hai – 2021

07   CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các   môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Cv 11,26).

15. H. Chúa Giêsu bày tỏ tâm tình hiệp thông gắn bó của Ngài với các môn đệ thế nào?

T. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy… Thầy đi để dọn chỗ cho anh em và Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó”       (Ga 14, 2-3).

16. H. Chúa Giêsu bày tỏ tình bạn thân thiết của Ngài với các môn đệ thế nào?

 T. Chúa Giêsu xem môn đệ là những người bạn chí thiết và sẵn sàng chia sẻ tâm tư với họ. Ngài nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa Giêsu – Con Chúa muốn sống tình bằng hữu thân thiết với các môn đệ của Ngài. Xin cho chúng con biết đến chúng Chúa trong mối hiệp thông sâu sắc để xứng danh là kitô hữu.

14   CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6,37).

17. H. Trước khi lìa xa các môn đệ để chịu khổ nạn và về với Cha, Chúa Giêsu bày tỏ điều gì với Chúa Cha?

T. Ngài bày tỏ mong ước hiệp nhất với các môn đệ cách khăng khít: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con…” (x. Ga 17,24).

18. H. Sau khi được cất lên trời, Chúa Giêsu còn muốn ở với chúng ta nữa không?

T. Ngài vẫn tiếp tục hiện diện giữa chúng ta như lời Ngài phán: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

 Nghị lực sống: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng con một kho tàng vô giá là Thánh lễ. Xin giúp chúng con biết sử dụng kho tàng vô giá ấy là năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ và sống Mầu nhiệm Thánh Thể  trong đời sống hằng ngày để Thánh Lễ sinh lợi cho chúng con và qua đó sinh lợi cho Hội Thánh Chúa.

21   CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Lời Chúa: “Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy (Ga 6, 57).

19. H- Khi mối hiệp thông cao quý này bị phá vỡ, Thiên Chúa đã làm gì để tái lập?

T. Thiên Chúa Cha đã cho Con Một Ngài xuống thế làm người, hiến tế đời mình, để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. [613- 614]

Ngài nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Nghị lực sống: Lạy Chúa, chúng con xác tín mỗi lần Rước lễ là gặp gỡ Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại; Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha. Xin Cho chúng con luôn kết hiệp với Chúa như cành nho với thân nho.

28   CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Lời Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

20. H. Chúa Giêsu thực hiện lời hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế cách nào?

T. Ngài lập Bí tích Thánh thể để tiếp tục hiện diện giữa chúng ta.

21. H. Trong Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu hiện diện    thế nào?

T. Chúa Giêsu hiện diện thực sự cùng với linh hồn và thiên tính của Ngài… Nơi đây có Đức Kitô thực sự, vừa là Thiên Chúa vừa là con người hiện diện trọn vẹn. [1374]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu mến Bí tích Thánh Thể và siêng năng tham dự Thánh Lễ hơn, nhất là biết sống hi sinh hằng ngày để dâng lên Chúa trong Thánh lễ như chúng con đã quyết tâm. 

Tháng Ba – 2021

07   CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Lời Chúa: “Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (Ga 6, 57).

22. H. Ngoài Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu còn dùng phương thế nào để kết hợp mật thiết với chúng ta?

T. Ngoài Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu còn lập nên Bí tích Thánh Tẩy để kết hợp chúng ta với Ngài.

23. H. Bí Tích Thánh tẩy làm cho ta kết hợp với Chúa Giêsu thế nào?

T. Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân thể Chúa Kitô. Đây là một sự kết hợp hết sức mật thiết và nhiệm mầu. [1267]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã chọn gọi chúng con làm nghĩa tử qua Bí tích Rửa tội, Chúa lại ban Thịt và Máu Chúa làm lương thần nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con luôn sống xứng đáng là đền thờ của Chúa qua ân sủng của Bí tích Rửa tội.

14  CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Lời Chúa: “Để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con”             (Ga 17,21).

24. H. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cầu xin gì cho các môn đệ?

T. Ngài cầu cho họ được hiệp nhất với nhau hết sức mật thiết như Ngài hiệp nhất với Chúa Cha. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta… để tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,11.21).

Nghị lực sống: Lạy Chúa, trong bữa tiệc ly, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức linh mục thừa tác và ban điều răn yêu thương. Xin cho chúng con siêng năng tôn kính Thánh Thể và rước lễ để luôn được sống liên kết với Chúa trong tình nghĩa tử và chân thành yêu mến và phục vụ anh chị em.

21   CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Lời Chúa: “Thiên Chúa để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người” (x.Rm 5,10).

25. H. Thiên Chúa có muốn cho Con của Người phải chết không?

T. Cái chết dữ dằn của Chúa Giêsu không do những sắp đặt, những toan tính ác độc của con người. Chúa Giêsu đã “tự nguyện phó mình theo chương trình Thiên Chúa định trước” (Cv 2,23). Để chúng ta, là những con cái của tội lỗi và sự chết, được cứu sống, Cha trên trời của Đấng vô tội đã “làm cho Con của Ngài thành tội nhân, vì chúng ta”    (2 Cr 5, 21). Sự hi sinh lớn lao mà Chúa Cha mong đợi nơi Chúa Con đã được Chúa Con đáp lại bằng sự từ bỏ mình cho đến chết: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12, 27). Thế là từ cả hai phía, Cha và Con đã xuất hiện một tình yêu đến tột cùng là chết trên thập giá. 98 [599-609, 620]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã chia sẻ trọn vẹn kiếp người như chúng con ngang qua cái chết khổ đau trên Thánh giá, xin cho chúng con biết đón nhận khổ đau, biết chết đi cho tội lỗi để thông phần vào mầu nhiệm tử nạn và đi trọn con đường Thánh giá Chúa.

28   CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Lời Chúa: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (x.Mc 8,31).

26. H. Chúa Giêsu có biết Người sẽ chết khi vào thành    Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ Vượt qua không?

T. Có. Chúa Giêsu đã ba lần báo trước về sự đau khổ và sự chết mà Người biết rõ và tự nguyện đi đến nơi chịu thương khó (Lc 9,51). 94 [557-560, 569-570]

Chúa Giêsu đã chọn lễ Vượt qua của người Do thái như một biểu tượng cho công việc mà người sắp hoàn thành trong cái chết và sống lại của Người. Như xưa người Do thái được giải thoát khỏi kiếp nô lệ người Ai cập, nay Chúa Giêsu cũng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người. 95 [571-573]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã báo trước và tự nguyện bước vào cuộc tử nạn, xin cho chúng con trong tuần thánh này biết đóng đanh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa, để mai được hưởng trọn vẹn thành quả ơn cứu độ Chúa ban.

Tháng Tư – 2021

04   CHÚA NHẬT PHỤC SINH. CHÚA SỐNG LẠI,        lễ trọng và buộc.

Lời Chúa: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”      (Cv 2,32).

27. H. Bạn có thể là Kitô hữu mà không tin Chúa Giêsu đã sống lại không?

T. Không. Thánh Phaolô viết: “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích” (1Cr 15,14). 104 [631, 638, 651]

28. H. Làm thế nào mà các môn đệ Chúa Giêsu đã đi đến chỗ tin Người sống lại ?

T. Đầu tiên, các ông mất hết hi vọng, nhưng dần dần, các ông đã đi đến chỗ tin Chúa sống lại, vì sau khi Người chết, họ đã thấy Người trong nhiều dịp khác nhau, các ông đã nói chuyện với Người, đã có kinh nghiệm rõ ràng là Người đang sống. (1Cr 15,3-6; Lc 24,2-3; Ga 20,8). 105-106 [639-644, 656-657]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã đánh bại tử thần để bước vào vinh quang phục sinh, xin cho chúng con biết sống lại với Chúa để đánh bại những thế lực sự dữ, sự tội và sự chết đang giam, để mỗi chúng con là nhân chứng của Chúa phục sinh.

11   CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Lời Chúa: “Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (x.Ga 20,18).

29. H. Chúa Giê-su có chết thật không? hay Người chỉ “làm bộ chết” để còn sống lại?

T. Chúa Giê-su thực sự đã chết trên Thánh giá. Xác Người đã được chôn táng. Tất cả các tài liệu gốc viết về Người đều chứng minh điều này. 103 [627]

30. H. Sau khi sống lại Chúa Giêsu có mang cùng một thân xác như trước khi Người qua đời không?

T. Chúa Giêsu đã cho các môn đệ đụng chạm đến xác Người, Người ăn uống với họ, cho họ thấy vết đâm nơi cạnh sườn Người. Nhưng thân xác Người không còn hoàn toàn thuộc về trần gian, mà thuộc về Thiên đàng nơi Chúa Cha đang ngự trị. 107 [645-646]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, sau khi sống lại nhiều lần Chúa hiện với các môn đệ và cho các ông đụng chạm vào thân xác phục sinh của Chúa, xin Chúa thương xót nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con, để cho chúng con luôn xác tín và sống rao truyền mầu nhiệm phục sinh.

18   CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Lời Chúa: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (Ga 10,17).

31. H. Sự phục sinh có phải là công trình của Ba Ngôi   chí thánh?

T. Sự Phục Sinh của Đức Kitô là đối tượng của đức tin, vì đó là sự can thiệp siêu việt của chính Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử. Trong biến cố này, Ba Ngôi Thiên Chúa vừa cùng hoạt động chung, vừa biểu lộ tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi. Sự Phục Sinh được thực hiện do quyền năng của Chúa Cha, Đấng “đã làm sống lại” (Cv 2,24) Đức Kitô, Con của Ngài, và bằng cách đó, Chúa Cha đưa nhân tính của Người, cùng với thân thể của Người, vào Ba Ngôi một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu được mạc khải một cách vĩnh viễn là “Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,4) [648-650].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho hai môn đệ trên đường E-mau, xin cho chúng con luôn thấy Chúa hiện diện nơi những người anh chị em đang đồng hành với chúng con hằng ngày để yêu thương và phục vụ.

25  CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Lời Chúa: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14).

32. H. Ý nghĩa cứu độ của việc Chúa phục sinh như thế nào?

T. Trước hết, sự Phục Sinh tạo nên việc xác nhận tất cả những gì chính Đức Kitô đã làm và đã giảng dạy. Sự phục sinh của Đức Kitô là việc hoàn thành những lời hứa của Cựu Ước (Lc 24.26-27) và của chính Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế của Người (Mt 26,6; Mc 16,7; Lc 24,6-7). Kiểu nói “đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3-4) nêu rõ rằng sự phục sinh của Đức Kitô đã hoàn thành các lời tiên báo này. Chân lý về thần tính của Chúa Giêsuđược xác nhận bằng sự phục sinh của Người.

Sự phục sinh là việc hoàn thành mầu nhiệm này theo kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. [651-652- 653]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa là vị Mục tử tốt lành đã hy sinh mạng sống mình để đem lại sự sống cho đoàn chiên, xin cho chúng con luôn biết nghe theo tiếng Chủ Chiên và lời dạy của Huấn Quyền để được sống hạnh phúc trong ân sủng Chúa phục sinh.

Tháng Năm – 2021

02  CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Lời Chúa: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (x.1 Cr 15,20-22).

33. H. Tầm ảnh hưởng cứu độ qua việc Chúa phục sinh như thế nào?

T. Nơi Chúa Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử,bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô. Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người. Cuối cùng, sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch cho chúng ta ngày sau được sống lại. 654 -655

Nghị lực sống: Lạy Chúa! nhờ Đức Giêsu Kitô phục sinh, Chúa đã tuyển chọn chúng con làm dân riêng và làm nghĩa tử, xin cho chúng con biết sử dụng những ân lộc Chúa ban qua gia sản thiêng liêng và vật chất để trở nên những người tự do đích thực và mai sau được hưởng gia nghiệp muôn đời.

09  CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Lời Chúa: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”         (Lc 22,19).

34. H. Muốn hiệp thông trọn vẹn và mật thiết nhất với Chúa Giêsu phục sinh, ta nên làm gì?

T. Ta nên dâng lễ và rước lễ thường xuyên, vì khi rước lấy Chúa Giêsu chúng ta được kết hợp nên một với Ngài như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6, 56).

35. H. Rước Chúa Giêsu thì được ơn gì?

 T. Được sống đời đời với Chúa: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”    (Ga 6, 57).

Nghị lực sống: Lạy Chúa! qua Thánh lễ, chúng con được Lời Chúa và Mình Máu Chúa nuôi dưỡng. Nhờ có sự hiện diện của Chúa trong chúng con mà chúng con được sống, xin cho chúng con biết chia sẻ ân huệ Chúa ban cho mọi người chúng con gặp gỡ hàng ngày.

16  CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH

Lời Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”       (Mt 11,29).

36. H. Ngoài việc tham dự Thánh lễ, ta nên hiệp thông với Chúa Giêsu cách nào?

T. Ta nên:

– Viếng Thánh Thể để bày tỏ lòng yêu mến Chúa;

– Dâng ngày cho Chúa,

– Ngoài ra, mỗi khi làm việc gì, ta nên nguyện thầm: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang sống trong con. Con xin kết hợp với Chúa để làm việc này, như ông Simôn cùng vác thập giá với Chúa vậy.

Nghị lực sống: Lạy Chúa, nhờ Thánh Thể mà Hội Thánh được nuôi dưỡng, sống động và hiệp nhất. Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng con được biến đổi trong Chúa để nên một trong Ngài. Xin cho chúng con biết sống và cử hành bí tích nhiệm màu này để chúng con cùng được biến đổi và trở nên hiệp nhất với nhau.

23   CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, lễ trọng và buộc.

Lời Chúa: “Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

CHÚA GIÊSU ĐƯA TA VÀO HIỆP THÔNG VỚI CHÚA THÁNH THẦN

37. H. Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ thế nào?

T. Trước khi Chúa Giê-su về cùng Chúa Cha đã hứa với các môn đệ sẽ sai Đấng Bảo trợ khác (Ga 14,16) khi Người không còn ở với các ông. Qua Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu hiện diện ở giữa chúng ta. Nhờ Ngài, ta có thể gọi Thiên Chúa là “Ab-ba – Cha ơi”. Ngài kết hợp chúng ta với Chúa Kitô và Chúa Cha, vì Ngài là mối dây hiệp thông yêu thương giữa Cha và Con, thì Ngài cũng nối kết chúng ta với Chúa Kitô.

Nghị lực sống: Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là Đấng canh tân bộ mặt trái đất, xin cho chúng con hiệp nhất với nhau để sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách chính đáng để không làm cho môi trường sống bị hủy hoại.

30   CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN – CHÚA BA NGÔI, lễ trọng.

Lời Chúa: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).

38. H. “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần” nghĩa là gì?

T. “Tin kính Đức Chúa Thánh Thần” có nghĩa là thờ phượng Người là Thiên Chúa như thờ Chúa Cha và Chúa Con, vì Ngài là một trong Ba ngôi, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con. Và cũng có nghĩa là tin rằng Chúa Thánh Thần đến trong lòng ta, để đưa dẫn ta là con cái Thiên Chúa nhận biết Thiên Chúa là Cha trên trời. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta có thể thay đổi bộ mặt thế giới. 113 [683-686]

Nghị lực sống: Lạy Con Một Thiên Chúa đang ngự bên hữu Đức Chúa Cha để chuyển cầu ơn Thánh Thần xuống cho chúng con, xin cho chúng con biết sống hiệp thông để tôn thờ Chúa và trả lại cho Chúa những gì của Chúa như Chúa nói: “của Xê-da trả về cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”.

Tháng Sáu – 2021

06 CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ, lễ trọng.

Lời Chúa: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được tràn đầy một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13).

39. H. Chúa Thánh Thần có vai trò nào trong đời sống Chúa Kitô?

T. Tất cả công việc của Chúa Giêsu chỉ có thể hiểu được là do Chúa Thánh Thần tác động. Sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng ta gọi là Thánh Thần được biểu lộ cách hoàn toàn trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu. Từ việc truyền tin Ngôi Lời Nhập Thể, tới sự phục sinh vinh hiển và đến việc thánh hóa bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô qua mỗi Thánh Lễ. (Mt 1,18), (Lc 4,16-19), (Mc 1,12), (Ga 19,30), (Ga 20,22), (Ga 20,21)… 114 [689-691, 702-731]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến tôn sùng, và siêng năng cử hành hiện tại hóa việc Chúa đã chịu chết và sống lại vinh quang, để đáng được hưởng nhờ ơn cứu chuộc Chúa ban.

13  CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Đức Giêsu đáp: ‘Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí’” (Ga 3,5).

40. H. Chúa Thánh Thần được biết đến qua dấu chỉ và dưới những danh xưng nào?

T. Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu với hình chim câu (Lc 3,22). Các Kitô hữu ban đầu biết đến Chúa Thánh Thần như là dầu chữa bệnh, nước ban sự sống, cơn gió mạnh, những lưỡi lửa. Chính Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần như Đấng Cố vấn, Đấng An ủi, Thầy dạy, Thần Chân lý. Trong các Bí tích của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần được ban xuống qua việc đặt tay và xức dầu. 115 [691-693]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, khi Chúa thổi hơi vào các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, xin Chúa Thánh Thần do Chúa cử đến hướng dẫn các nhà cầm quyền trên thế giới biết hiệp thông với nhau để luôn luôn phục vụ công lý và hoà bình cho mọi người.

20  CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ab-ba, Cha ơi” (x.Gl 4,6).

41. H. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh như thế nào?

T. Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh. Người thúc đẩy Hội Thánh và nhắc nhớ Hội Thánh về sứ mạng của Hội Thánh. Người kêu gọi nhiều người phục vụ Hội Thánh, và ban cho họ nhiều ơn cần thiết. Người hướng dẫn chúng ta đi sâu vào sự thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sứ vụ của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Sứ vụ phối hợp này từ nay đưa các tín hữu của Đức Kitô vào sự hiệp thông của Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. 119 [733-741, 747]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa Thánh Thần ban sức sống cho Hội Thánh, hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Kitô và thúc đẩy Hội Thánh chu toàn sứ mệnh Chúa Kitô giao phó, xin cho các thành phần Dân Chúa luôn hiệp nhất và hăng say phục vụ Nhiệm Thể Chúa Kitô.

27  CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng” (x.Cv 2,17).

42. H. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?

T. Chúa Thánh Thần mở lòng tôi đón nhận Thiên Chúa. Người dạy tôi cầu nguyện, “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện các công trình của Thiên Chúa, là Thầy dạy cầu nguyện. Chính Người giúp tôi thực hành bác ái với tha nhân. 120 [738-741]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, qua Bí tích Rửa tội Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu nên con cái Chúa Cha, và dự phần vào chính sự sống Chúa Kitô. Xin cho chúng con có cùng một trái tim, một tâm hồn, để cùng đồng thanh chúc tụng Cha và làm chứng cho Chúa Kitô.

Tháng Bảy – 2021

04  CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN

PHẦN II: HIỆP THÔNG VỚI HỘI THÁNH

VÀ VỚI NHAU

 Lời Chúa:  Ai nấy đều được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho… ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (x.Cv 2,4-6).

43. H. Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã xảy ra sự kiện lịch sử quan trọng nào?

T. 50 ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã gởi Chúa Thánh Thần từ trời xuống trên các tông đồ. Từ đây là bắt đầu thời của Hội Thánh.

Chúa Thánh Thần biến đổi các tông đồ đang co cụm vì sợ hãi trở thành chứng nhân can đảm cho Chúa Kitô. Chỉ ít lâu sau, hằng ngàn người xin chịu phép Rửa tội. Phép lạ nói nhiều thứ tiếng chứng tỏ rằng ngay từ đầu Hội Thánh được thiết lập cho mọi người, Hội Thánh là phổ quát, là công giáo, là truyền giáo. Hội Thánh nói với mọi người vượt qua hàng rào chủng tộc và ngôn ngữ và mọi người có thể hiểu được. [731-733]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp để có sức mạnh ơn Chúa Thánh Thần của Chúa phục sinh, chúng con can đảm đi ra khỏi sợ hãi của “bản thân” để đến với anh chị em trong yêu thương và phục vụ.

11  CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Chúa Kitô là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh” (x.Cl 1,18).

44. H. Hội Thánh nghĩa là gì?

T. Từ “Hội Thánh”, theo tiếng Hy lạp “ekklesia”, có nghĩalà “cuộc tập họp của tất cả những người được triệu tập”. Những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và tin vào Thiên Chúa đều được Thiên Chúa triệu tập, để cùng nhau chúng ta là Hội Thánh. Thánh Phaolô đã nói, Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh, còn chúng ta là thân thể của Người.  Khi ta lãnh nhận các Bí tích và nghe lời Chúa, Chúa Kitô ở trong ta và ta ở trong Chúa, đó là Hội Thánh. 121 [748-757]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa yêu thương Hội Thánh không thể nào bỏ được và không bao giờ xa cách Hội Thánh, xin cho chúng con luôn biết yêu mến và phục vụ Hội Thánh.

18  CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Anh em không còn là người xa lạ hay khách ở trọ, nhưng anh em thuộc về gia đình của Thiên Chúa”       (x. Ep 2, 19-22).

45. H. Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh?

T.  Bởi vì Thiên Chúa không muốn cứu rỗi chúng ta cách riêng rẽ nhưng là tập thể. Người muốn tập họp toàn thể nhân loại vào một dân duy nhất, đó là Hội Thánh.

Không ai có thể lên trời mà không cần người khác, Người chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cứu rỗi riêng mình sẽ sống không cần người khác. Điều này không thể có được cả ở trên trời cũng như dưới đất. Chính Thiên Chúa cũng cần người khác. Thiên Chúa không sống cô độc, tự coi là đủ cho mình. Chính Thiên Chúa là Ba Ngôi, là một cộng đồng, nên theo gương mẫu của Thiên Chúa, con người cũng được mời gọi để sống tương quan, trao đổi, tham gia và yêu thương lẫn nhau. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau. 122 [758-781, 802-804]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Hội Thánh như một bí tích đem ơn cứu độ cho trần gian. Xin cho các Kitô hữu luôn hiệp thông trong cùng một tấm bánh, tuyên xưng cùng một đức tin, và lãnh nhận cùng một bí tích để cùng giúp nhau hưởng ơn cứu độ Chúa ban.

25  CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x.Mt 28,19-20).

46. H. Nhiệm vụ của Hội Thánh là gì?

T. Nhiệm vụ của Hội Thánh như Chúa Giêsu đã bắt đầu là mang hạt giống Nước Thiên Chúa gieo trồng và làm sao cho hạt giống ấy được lớn lên phát triển trong mọi dân tộc.

Hội Thánh phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Hội Thánh không có cùng đích là chính mình, mà phải theo đuổi những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu. Hội Thánh nối dài các dấu hiệu thánh của Chúa Giêsu (các bí tích). Hội Thánh thông truyền những Lời của Chúa Giêsu. 123 [763-769, 774-776, 780]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Con Chúa là Đức Giêsu Kitô đã dùng sự sống mình  mà thiết lập Hội Thánh và nuôi sống Hội Thánh. Xin cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để được sống sức sống của Chúa và được đâm bông kết trái là những việc lành.

Tháng Tám – 2021

01  CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Vì chính chúng ta là Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta” (x.2 Cr 6,16).

47. H. Nói Hội Thánh là “Đền thờ của Chúa Thánh Thần” nghĩa là gì?

T. Trong lòng thế giới, Hội Thánh là nơi Chúa Thánh Thần hiện diện. Quả thật, “hễ hai hay ba người tập họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Hội Thánh có sự sống là do Thánh Thần của Chúa Kitô ban cho: Người sống trong Lời Chúa, và có mặt trong các dấu hiệu thánh là các Bí tích. Người sống trong lòng những người tin và Người tự tỏ mình bằng lời cầu nguyện của họ. Người hướng dẫn họ và đổ tràn đầy ân huệ của Người, ân huệ bình thường cũng như khác thường (Đặc sủng). Cả ngày nay nữa, ai tin cậy vào Chúa Thánh Thần có thể thực hiện được các phép lạ.128 [797-801, 809]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa Thánh Thần cho chúng con được làm con cái Thiên Chúa, được trở nên giống Chúa Giêsu, và được cùng với Chúa Giêsu chia sẻ sự sống và vinh quang của Ngài. Xin Chúa thanh tẩy chúng con sạch tội lỗi và những nết xấu, để biến chúng con trở nên trong sáng và thánh thiện, xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

08 CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng; thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5).

48. H. Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức?

T. Hội Thánh còn hơn là một tổ chức bởi vì Hội Thánh là một mầu nhiệm, vừa nhân loại hữu hình, vừa thần linh vô hình.Nhìn bên ngoài Hội Thánh chỉ là một xã hội trong lịch sử, có những hậu quả trong lịch sử như những lầm lạc, một Hội Thánh gồm các tội nhân. Sự hiệp nhất không thể tách rời giữa thần linh và nhân loại, giữa tội lỗi và ân sủng, đó chính là bí nhiệm của Hội Thánh. Theo con mắt đức tin, chính ở chỗ đó mà Hội Thánh bất diệt. 124 [770-773, 779]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, chúng con được Chúa tỏ cho biết tất cả chúng con đều là chi thể trong thân mình Hội thánh có Chúa Giêsu là người đứng đầu. Xin Chúa cho chúng con biết vui mừng sống ơn gọi làm con Chúa và thành viên của Hội Thánh trong chu toàn bổn phận được Chúa và Hội Thánh trao phó.

15 CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN. RẤT THÁNH TRINH NỮ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI, lễ trọng  và buộc.

Lời Chúa: “Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ  trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (x.Pl 2,14-15).

49. H. Dân Thiên Chúa có những đặc tính nào?

T. Dân Thiên Chúa có Chúa Cha là Đấng sáng lập, Chúa Giêsu Kitô là Đấng lãnh đạo và Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh. Bí tích Rửa Tội là cửa dẫn vào Dân Chúa. Phẩm chất của Dân này là sự tự do của con cái Thiên Chúa. Luật của Dân Chúa là tình yêu. Khi Dân Chúa trung thành với Người và ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa, họ thay đổi được thế giới. 125 [781-786]

Nghị lực sống:Lạy Chúa, xin ban ơn của Chúa Thánh Thần cho chúng con, để chúng con sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, để luôn xứng đáng là Dân Thiên Chúa, để mai sau được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời như Mẹ Maria.

22  CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dâng riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (x.1 Pr 2,9).

50. H. Nói Hội Thánh là “Thân thể của Chúa Kitô” nghĩa là gì ?

T. Nghĩa là khi chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô nhờ các Bí tích rửa tội và Thánh Thể, chúng ta được liên kết với Người không thể chia lìa. Sự liên kết này mạnh mẽ bền chặt như thể đầu nối liền với các chi thể trong một thân thể vậy. 126 [787-795]  146, 175, 200, 208, 217

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, có Đức Kitô là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Chúng con nài xin Chúa cho chúng thông phần Mình và Máu Chúa Kitô (hiệp lễ), để được hiệp thông trong sự sống của Chúa và được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.

29  CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (x.Ep 4,4-6).

51. H. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là Duy nhất?

T.  Cũng như chỉ có một Chúa Kitô, thì chỉ có thể có một Thân Thể Chúa Kitô, có một Hiền Thê Chúa Kitô, và do đó, chỉ có một Hội Thánh Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân Thể. Tất cả hiệp thành “Chúa Kitô toàn thể” (Thánh Au-gus-ti-nô). Giống như thân mình có nhiều chi thể, nhưng chỉ là một. Cũng thế, Hội Thánh là duy nhất trong nhiều Hội Thánh địa phương khác nhau. Nhưng tất cả hợp thành Chúa Kitô toàn thể. 129 [811-816, 866, 870]

Nghị lực sống:  Lạy Chúa, Chúa qui tụ chúng con trong Hội Thánh Chúa. Xin cho chúng con quyết tâm sống hiệp nhất chung sức xây dựng Ngôi Đền Thờ Chúa Thánh Thần, làm cho sức sống của Chúa được sống động nơi chúng con ở đời này và đời sau trên thiên đàng.

Tháng Chín – 2021

05  CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể” (I Cr 12, 14-15).

52. H. Vì lý do gì mà các tín hữu phải hiệp nhất?

T. Vì mỗi người đều là những chi thể trong cùng một thân mình.

53. H. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu hiệp nhất thế nào? Tại sao?

T. Ngài kêu gọi các tín hữu hãy thiết tha duy trì hiệp nhất, qua những lời sau đây: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thế, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. (Ep 4, 3-6).

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin Chúa  phá tan những thành kiến, nghi kỵ trong con người chúng con làm Hội Thánh Ngài phân rẽ. Xin Chúa các kitô hữu có tinh thần hiệp nhất để gây dựng Thân Thể Chúa và loan báo Tin Mừng yêu thương hiệp nhất.

12  CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lạy Cha giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… để tất cả nên một, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (x.Ga 17,1.21). 

54. H. Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không?

T. Tất cả những ai đã được Rửa tội đều thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, những người đã được rửa tội, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, họ cũng được gọi cách chính đáng là Kitô hữu, và do đó họ là anh chị em với chúng ta. 130 [817-819]

55. H. Chúng ta phải làm gì cho việc hợp nhất Kitô hữu?

T. Trong lời nói và trong việc làm, chúng ta phải theo ước muốn của Chúa Kitô được thể hiện rõ qua lời cầu xin của Người: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17, 21). 131  [820-822]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin loại bỏ gương xấu chia rẽ nơi mỗi người chúng con, để chúng con biết làm chứng cho thế giới: chúng con là môn đệ Chúa và là anh chị em của nhau.

19  CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (x.1 Pr 1, 15-16).

56. H. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là thánh thiện?

T.  Hội Thánh là Thánh, không phải là tất cả các thành phần của Hội Thánh đều thánh, nhưng vì Thiên Chúa chí thánh là nguồn gốc của Hội Thánh, và Người hành động trong Hội Thánh. Mọi phần tử của Hội Thánh được thánh hóa nhờ phép Rửa tội. 132 [823-829]

Mỗi khi ta để cho Thiên Chúa Ba Ngôi hành động trong ta, tình yêu ta lớn lên, ta được thánh hóa và chữa lành. Chính Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta qua ân sủng của Ngài.

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, xin Chúa biến đổi chúng con như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và dân tư tế của Người để dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô (x.1 Pr 2,5).

26 CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (x.Mc 16, 15).

57H. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo?

T. Thuật ngữ “Công giáo” (tiếng Hi lạp là Katholon) có nghĩa là mở ra cho tất cả. Hội Thánh là Công giáo, vì Chúa Kitô kêu gọi Hội Thánh tuyên xưng toàn bộ đức tin, gìn giữ đầy đủ các Bí tích để ban phát, và loan báo Tin mừng cho mọi người. Chúa Kitô sai Hội Thánh đi đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hóa. 133 [830-831, 849-856]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Xin cho chúng con sống bản chất truyền giáo của Hội Thánh  là rao truyền và đón nhận mọi người thuộc mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tầng lớp và văn hóa vào Hội Thánh.

Tháng Mười – 2021

03 CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (x.Ep 1,22-23). 

58. H.  Ai thuộc về Hội Thánh Công giáo?

T. Người hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công giáo là người: hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục; hợp nhất với Chúa Kitô qua việc tuyên xưng đức tin công giáo và lãnh nhận các Bí tích. 134 [836-838]

59. H. Hội Thánh nhìn thế nào về những tôn giáo khác?

T. Hội Thánh tôn trọng tất cả những gì là tốt lành và chân thật trong các tôn giáo khác. Hội Thánh thừa nhận mọi giá trị và bênh vực cho quyền tự do tôn giáo được coi như quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, Hội Thánh biết rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của cả nhân loại. Chỉ mình Người “là con đường, là sự thật, và là sự sống        (Ga 14,6).  136 [841-845, 846-848]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất, xin cho chúng con biết sống và thể hiện chân lý đó trong đời sống hàng ngày và luôn biết trân trọng những phản chiếu chân lý Chúa từ những tôn giáo khác.

10 CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Tên của 12 Tông đồ là: Si-mon cũng gọi là Phêrô người đứng đầu, An-rê anh của ông, Giuse con ông Dê-bê-đê và Gio-an em của ông; Phi-líp-phê và Ba-tô-lô-mê-ô, ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế, ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Simon thuộc nhóm quá khích và ông Giuđa Ít-ca-ri-ốt, chính là kẻ nộp Người” (x.Mt 10,2-4).

60. H. Tại sao Hội Thánh có đặc tính là tông truyền?

T. Hội Thánh là tông truyền vì Hội Thánh được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ. Hội Thánh nắm vững Truyền thống do các ngài truyền lại, và Hội Thánh được cai quản bởi các đấng kế vị các Tông Đồ.

Chúa Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ để làm cộng tác viên thân cận nhất của Người. Sau khi sống lại, Người đã ban Chúa Thánh Thần và sai các ông đi như những người loan tin có đầy đủ quyền năng đến toàn thế giới. Điều mà các giám mục ngày nay thực hiện theo như các tông đồ đã làm, được gọi là sự nối tiếp các Tông đồ.137 [857-860, 869, 877]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, để lưu truyền toàn vẹn giáo lý đức tin, Chúa đã tuyển chọn các Tông đồ, rồi sai các ông đi rao giảng và làm chứng cho Chúa. Giờ đây xin cho mỗi người chúng con trở nên chứng nhân đức tin tinh tuyền mà Chúa truyền lại qua các Đấng kế vị các Tông đồ nơi Thân Thể và Hiền Thê của Chúa.

17 CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba” (Cv 15, 22).

62. H. Nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là gì?

T. Vì là đấng kế vị thánh Phêrô và đứng đầu Giám mục đoàn, nên nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng là bảo đảm cho sự hợp nhất của Hội Thánh. Ngài có quyền tối cao trong các vấn đề mục vụ của Hội Thánh, và đối với tất cả những quyết định liên quan đến tín lý và kỉ luật. 141 [880-882, 936, 937]

Chúa Giêsu ban cho thánh Phêrô quyền tối cao trên các Tông đồ, làm cho ngài cũng có quyền bên trên Hội Thánh sơ khởi. Đến ngày nay, tất cả giám mục ở Rôma đều là chủ chăn tối cao của Hội Thánh như thánh Phêrô, có Chúa Kitô là đầu. Chỉ khi thi hành nhiệm vụ này mà Đức Giáo hoàng là “đại diện Chúa Kitô trên trần gian”.

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập cộng đoàn Mười Hai Tông Ðồ và đặt thánh Phêrô đứng đầu và trao cho thánh Phêrô quyền cai quản Hội Thánh. Chúng con hiệp lời nguyện xin Chúa cho Đức Thánh Cha được mạnh khỏe bình an để lãnh đạo Hội Thánh Chúa.

24 CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Đừng coi thường đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng của Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1 Tm 4,14).

61. H.  Nhiệm vụ của Đức Giám mục là gì?

T. Các Giám mục có trách nhiệm tại Hội Thánh địa phương đã trao phó cho các ngài (địa phận), và cùng chia sẻ trách nhiệm chung với toàn Hội Thánh Công giáo. Giám mục thi hành quyền bính của mình trong sự hiệp thông với các Giám mục khác, và cho lợi ích của toàn Hội Thánh, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng. Các Giám muc trước hết phải là các tông đồ, các chứng nhân trung tín mà Chúa Giêsu đã đích thân chọn để ở với Người và được Người sai đi. Như vậy các ngài đem Chúa Kitô cho mọi người và đem mọi người đến với Chúa Kitô. Các Ngài thực hiện bằng giảng dạy, cử hành các bí tích và quản trị Hội Thánh. 144 [886-887, 893-896, 938-939]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa đã chọn gọi các Đấng kế vị các Tông đồ để thực thi ơn cứu độ của Chúa nơi trần gian. Xin Chúa ban cho Đức Tổng Giám mục được mạnh khỏe bình an. Xin cho chúng con luôn biết vâng phục và cộng tác với Ngài- vị Mục tử của Tổng Giáo phận, để xây dựng Hội Thánh tại địa phương.

31 CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: “Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương”             (1 Pr 2,10).

63. HƠn gọi của giáo dân là gì?

T. Xuất phát từ bí tích Rửa Tội, người giáo dân có ơn gọi sống dấn thân trong đời sống xã hội để làm cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh nơi trần thế.

Giáo dân cùng được tham dự chức tư tế của Chúa Kitô (chức tư tế chung của người đã được rửa tội). Họ lo giúp những người chung quanh mình nơi môi trường sống học biết Tin Mừng và yêu mến Chúa Kitô. Họ làm cho xã hội, kinh tế, chính trị, được thấm nhuần đức tin. Họ tham gia đời sống phụng vụ của Hội Thánh, bằng sinh hoạt nhóm, tham gia các ủy ban và tổ chức của Hội Thánh, như Hội đồng giáo xứ, Hội đồng mục vụ… 139 [877-913, 940-943]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa nói “chính anh em là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-16). Xin cho chúng con can đảm sống theo con đường thánh giá Chúa là men là muối là ánh sáng để ướp mặn và chiếu sáng trần gian bằng chính Tin Mừng của Chúa.

Tháng Mười Một – 2021

07  CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,26).

64. H. Khi nói “Các thánh thông công” nghĩa là gì?

T. Tất cả mọi người, dù nam hay nữ, đặt trọn vẹn niềm hy vọng vào Chúa Kitô, và thuộc về Người qua bí tích Rửa Tội, dù họ còn sống hay đã qua đời, đều được tham dự vào “các thánh thông công”. Bởi vì, chúng ta chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, chúng ta sống trong sự hiệp thông bao trùm cả trời và đất.Các thánh thông công nghĩa là mọi thành phần trong Hội Thánh đều được cùng chia sẻ những thực tại thánh như đức tin, các bí tích, các đặc sủng và ơn thiêng, kể cả những của cải vật chất (Cv 4, 32), trong sự hiệp thông nơi Hội Thánh lữ hành, Hội Thánh thanh luyện và Hội Thánh ving quang. 146 [946-962]   

Nghị lực sống: Lạy Chúa, Chúa qui tụ Kitô hữu chúng con họp thành một thân thể trong Chúa, nên công nghiệp của chi thể này được chia sẻ cho chi thể khác. Xin cho chúng con noi gương đời sống thánh thiện của các thánh nhờ đó chúng ta được hiệp nhất với Chúa Kitô là nguồn mạch mọi ân sủng và sự sống.

14 CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN.               KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIÊT NAM.

Lời Chúa: Sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (x.1 Cr 15,12-14)

65. H. Tại sao chúng ta tin người chết sẽ sống lại và sự sống bất tử?

T. Chúng ta tin kẻ chết sẽ sống lại vì Chúa Giêsu đã phục sinh từ trong kẻ chết, Người sống luôn mãi, và Người làm cho chúng ta tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Người. Chúa Giê-su phục sinh đã tỏ mình ra như Chúa của sự sống. Lời của Người đáng tin cậy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). 152 [988-991]

Nghị lực sống: Lạy Chúa, ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Chúng con cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết noi gương anh dũng của tiền nhân, can đảm hy sinh bảo vệ đức tin và thực thi đức ái để cho quê hương Việt Nam thân yêu chúng con, nơi đã thấm nhuần máu của các Thánh Tử đạo, luôn được hòa bình và thịnh vượng.

21 CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN.              CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ-Lễ Trọng

Lời Chúa: Vì trong Người muôn vật được tạo thành trên trời cũng như dưới đất hữu hình và vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới; tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16).

66. H. Tại sao Chúa Giêsu Kitô là Chúa của cả vũ trụ?

T. Chúa Giêsu Kitô là Chúa của cả vũ trụ và Chúa của lịch sử, vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Tất cả mọi người được Chúa cứu chuộc, và đều được Người dẫn dắt.

Người đến để gặp gỡ ta trong oai nghi, vào ngày mà ta không biết, để đem trái đất vào cuộc đổi mới và tới chỗ hoàn thành. Ta có thể khám phá Chúa gần gũi ta trước hết là trong Lời Chúa, khi lãnh nhận các Bí tích, trong việc chăm sóc người nghèo và trong lúc hai hoặc ba người tập họp với nhau nhân danh Người (Mt 18,20) . 110[668-674- 680]

Nghị lực sống: Lạy Chúa Giêsu là Vua Trời-Đất, Chúa đã chinh phục nhân loại bằng tình thương vô cùng của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Chúa, lấy lòng yêu mến mà đối xử với nhau, nhờ đó chúng con có thể giới thiệu Chúa cho những người thành tâm thiện chí.

28 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

Lời Chúa: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

67. H. Tại sao gia đình các tín hữu phải hiệp thông?

T. Các gia đình tín hữu phải hiệp thông để giúp nhau nên thánh và trở nên hình ảnh sống động của Ba Ngôi Thiên Chúa.

68. H. Huấn quyền dạy gì về vấn đề này?

T. Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6). Khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hình dung được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận, để thật hạnh phúc cho chúng con nếu khi Chúa đến, chúng con vẫn đang tỉnh thức cầu nguyện và ở trong tư thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến.

Tháng Mười Hai – 2021

05 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Lời Chúa: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

69. H. Đức tin có những đặc tính nào thể hiện là đức tin mạnh mẽ sống động?

T. Đó chính là Đức tin thể hiện 7 đặc tính sau:

1/ Đức tin là ơn ban tuyệt vời của Thiên Chúa, ta nhận được khi ta sốt sắng cầu xin.

2/ Đức tin là sức mạnh siêu nhiên, tuyệt đối cần thiết để ta được cứu độ.

3/ Đức tin đòi phải có ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng, khi ta đáp lại lời mời của Thiên Chúa.

4/ Đức tin là sự chắc chắn tuyệt đối, vì chính Chúa Giêsu bảo đảm như thế.

5/ Đức tin chỉ trọn vẹn, khi đức tin được thể hiện qua những việc bác ái.

6/ Đức tin lớn dần khi ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đối thoại sống động với Người trong cầu nguyện.

7/ Đức tin cho ta nếm cảm trước niềm vui Thiên đàng ngay ở đời này. 20 [153-165, 179-180, 183-184]

Nghị lực sống: Lạy Chúa,  xin cho chúng con có một đức tin vững mạnh và trưởng thành để chúng con biết  nhiệt thành rao giảng sứ điệp thống hốì, loan báo tin vui cứu độ cho muôn người, biết thành tâm trở về với Chúa là nguyên nhân và cùng đích của đời mình.

12 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ (Mt 18,20).

70. H. Hội đồng Giám mục Việt Nam còn dạy gì về hiệp thông gia đình tín hữu nữa không?

 T. Hội đồng Giám mục Việt Nam trong thư ngày 1 tháng 5 năm 2018, công bố năm thánh kỷ niệm 30 năm tuyên thánh Các Thánh Tử đạo Việt Nam, viết rằng: “Đức Piô XII đã dạy: “Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là thiên đàng”, vì gia| đình đó là phản ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.”

Nghị lực sống: Lạy Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần hằng gìn giữ và lưu truyền mạc khải, xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, đặc biệt các Đức Giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam luôn được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để các ngài hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa trong đức tin tinh tuyền.

19 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Lời Chúa: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (x.Lc 1,21-32).

71. H. Tại sao nói Đức Maria là mẫu gương của những người tin và hiệp thông với Chúa?

T. Thứ nhất: Đức Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin khi Mẹ tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Thứ hai: Mẹ là người diễm phúc, bởi vì Mẹ đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ” (Lc 1,45-48).

Thứ ba:  Đức Maria hợp nhất trọn vẹn với Con mình – Chúa Giêsu, trong công cuộc cứu độ được biểu lộ từ lúc Mẹ thụ thai cho đến lúc Chúa chịu chết [x. HC ASMD 57]. [ 964].

Thứ tư: Đức Maria, được đưa cả xác cả hồn lên hưởng vinh quang thiên quốc, nơi Mẹ tham dự vào vinh quang của cuộc Phục Sinh của Con mình, thể hiện trước sự phục sinh của tất cả các chi thể của Thân Thể Người. [ 974].

Nghị lực sống: Lạy Chúa, xin biến chúng con nên những khí cụ đem Chúa đến cho muôn người, để như Đức Maria-Mẫu gương của người tin, tinh thần của Chúa thấm nhuần trong máu thịt của chúng con, chúng con có thể đem Chúa đến cho muôn người. 

26  CHÚA NHẬT – THÁNH GIA CHÚA GIÊSU,          ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE

Lời Chúa: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51).

72. H. Thánh gia có phải là một mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về sự hiệp thông với Chúa và với nhau không?

T. Có, Thứ nhất: Vì Thánh gia thể hiện sự hiệp thông yêu thương phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thứ hai: Thánh gia giúp ta thể hiện vai trò trách nhiệm xây dựng hiệp thông: Qua tinh thần hy sinh, phục vụ lẫn nhau giữa ông bà cha mẹ và con cháu.

Thứ Ba: qua Thánh gia, Gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực vào cuộc sống và sứ mạng của Hội Thánh với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu, một cộng đồng tham dự vào sứ mạng làm vua, tư tế và tiên tri của Đức Kitô và của Hội Thánh Ngài.

Nghị lực sống: Lạy Chúa, khi xuống thế làm người, Chúa đã nhập thể vào một gia đình, xin cho các thành viên của các gia đình luôn biết biết thương và trân trọng nhau, để các gia đình chúng con thực sự là một gia đình thể hiện sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi – một cộng đoàn đức tin, cộng đoàn tình yêu và cộng đoàn sự sống.

BAN GIÁO LÝ TỔNG GIÁO PHẬN

SÁCH THAM KHẢO

THÁNH KINH, UBPVGK

Giáo Luật 1983

Công Đồng Vaticano II, NXB Tôn giáo 2012.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn Giáo 2018.

Youcat Việt Nam, NXB Tôn giáo 2013.

Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục Vụ gửi Dân Chúa 2002.

LƯU Ý TRÍCH DẪN VÀ SỬ DỤNG

[1-3, 358]: Qui chiếu số 1-3 và số 358 trong ngoặc[…]:  Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo

46- 47 [337-342-349] Qui chiếu số 46-47 Sách Youcat Việt Nam, và số 337-342-349 Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.

CẤU TRÚC SÁCH:

NỘI DUNG  SÁCH GIÁO LÝ:

+ Chúa Giêsu đưa chúng ta vào hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh và với nhau.

+ Ý thức ơn gọi cao cả được làm người, làm con Chúa là một hồng ân vô giá khi được hiệp thông với Chúa.

+ Sống hiệp nhất yêu thương để xây dựng Hội Thánh tại địa phương và Phúc âm hóa môi trường sống.

+ Hình thành đức tin cá vị trưởng thành qua tuyên xưng, cử hành và làm chứng.

MỤC LỤC

Tháng Mười Một – 2020. 4

DẪN NHẬP NĂM MỤC VỤ HIỆP THÔNG.. 4

29       CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG.. 4

Tháng Mười Hai – 2020. 5

06       CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG.. 5

13       CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG.. 6

20       CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG.. 7

27       CHÚA NHẬT THÁNH GIA CHÚA GIÊSU,        ĐỨC MARIA VÀ THÁNH GIUSE, 8

PHẦN I: HIỆP THÔNG VỚI CHÚA.. 8

Tháng Giêng – 2021. 9

03       CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH.. 9

10       CHÚA NHẬT CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA.. 10

17       CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN.. 11

24       CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN.. 12

31       CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN.. 13

Tháng Hai – 2021. 14

07       CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN.. 14

14       CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN.. 15

21       CHÚA NHẬT I MÙA CHAY.. 16

28       CHÚA NHẬT II MÙA CHAY.. 17

Tháng Ba – 2021. 18

07       CHÚA NHẬT III MÙA CHAY.. 18

14  CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY.. 19

21       CHÚA NHẬT V MÙA CHAY.. 20

28       CHÚA NHẬT LỄ LÁ.. 21

Tháng Tư – 2021. 22

04       CHÚA NHẬT PHỤC SINH. CHÚA SỐNG LẠI,        lễ trọng và buộc. 22

11       CHÚA NHẬT II PHỤC SINH.. 23

18       CHÚA NHẬT III PHỤC SINH.. 24

25  CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH.. 25

Tháng Năm – 2021. 26

02  CHÚA NHẬT V PHỤC SINH.. 26

09  CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH.. 27

16  CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH.. 28

23 CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG,         lễ trọng và buộc. 29

30       CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN – CHÚA BA NGÔI, lễ trọng. 30

Tháng Sáu – 2021. 31

06 CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN.. 31

CHÚA NHẬT KÍNH MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ, lễ trọng. 31

13  CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN.. 32

20  CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN.. 33

27  CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN.. 34

Tháng Bảy – 2021. 35

04  CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN.. 35

PHẦN II: HIỆP THÔNG VỚI HỘI THÁNH.. 35

VÀ VỚI NHAU.. 35

11  CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN.. 36

18  CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN.. 37

25  CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN.. 38

Tháng Tám – 2021. 39

01  CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN.. 39

08 CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN.. 40

15 CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN. RẤT THÁNH TRINH NỮ MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI, lễ trọng và buộc. 41

22  CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN.. 42

29  CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN.. 43

Tháng Chín – 2021. 44

05  CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN.. 44

12  CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN.. 45

19  CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN.. 46

26 CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN.. 47

Tháng Mười – 2021. 48

03 CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN.. 48

10 CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN.. 49

24 CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN.. 51

31 CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN.. 52

Tháng Mười Một – 2021. 53

07  CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN.. 53

21 CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN. CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ-Lễ Trọng  55

28 CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG.. 56

Tháng Mười Hai – 2021. 57

05 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG.. 57

12       CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG.. 58

19 CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG.. 59

SÁCH THAM KHẢO.. 61


[1]X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, NXB Tôn Giáo 2016, tr 392.

[2] X. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, THƯ MỤC VỤ 2002, S 6.

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức