“Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Họ đang sống không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”. Đó là những lời mở đầu trong ca khúc “Giấc Mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Đây là khung cảnh không phải do nhạc sĩ Trần Tiến vẽ ra mà là cảnh đời thật của một cặp vợ chồng trên Tây Nguyên. Ông kể rằng có một lần đi tìm nhạc cụ mới lạ để giới thiệu cho bạn bè Âu Châu, ông lên một bản làng người Raglai. Ông nghe thấy một tiếng đàn rất hay phát ra từ một ngôi nhà nhỏ trên núi. Bước vào nhà, ông thấy một cặp vợ chồng đang đàn cho nhau nghe. Anh chồng là người Kinh. Hết thời gian phục vụ trong quân ngũ, Anh lấy một người vợ dân tộc và ở lại đó làm ăn sinh sống. Trần Tiến hỏi người chồng đó đây là nhạc cụ gì thì được người chồng cho biết là đàn Chapi. Trần Tiến hỏi tiếp là anh có bán không? Tôi muốn mua để đem sang Âu Châu giới thiệu cho bạn bè. Anh chồng đáp Không, tôi không bán. Anh thích thì tôi tặng, tôi bán làm gì. Đã nhiều năm nay tôi không dùng đến tiền. Anh ra mà xem xung quanh nhà tôi đàn dê, đàn gà… Tôi có thiếu gì đâu. Thỉnh thoảng tôi xuống chợ mua bán trao đổi vài thứ nhưng đều không cần dùng đến tiền. Trần Tiến nghe xong thấy lạnh người. Nhìn vào trong nhà, ông không thấy một vật dụng gì bằng kim khí. Ông trở về thành phố và sáng tác nên ca khúc tuyệt vời có tên “Giấc mơ Chapi”. Lần đầu tiên nghe ca khúc này, tôi cũng thấy lạnh người. Càng thấy ý nghĩa hơn khi nghe được câu chuyện đằng sau bài hát đó. Mỗi bài hát như là một câu chuyện thực giữa đời. Liệu ở giữa cuộc sống bon chen này, ta có thể tìm được chốn nào mà ở nơi đó chỉ có tình yêu thương?
Có một lần, tôi tới thăm một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Đó là khoa hồi sức cấp cứu của một bệnh viện lớn. Tôi chứng kiến cảnh những người đi chăm sóc bệnh nhân ngồi vật vờ bên ngoài, chờ tới giờ vào thăm bệnh nhân. Gương mặt của ai cũng thể hiện sự lo lắng và mệt mỏi. Nhưng có một điều tôi được nghe kể là họ rất đoàn kết và yêu thương nhau. Có gì họ cũng san sẻ cho nhau. Chính tôi cũng chứng kiến cảnh một người đàn ông chia vài cái bánh chuối cho những người bên cạnh. Họ cười nói với nhau rất thân tình như thể là anh em ruột thịt vậy. Họ còn tạo ra cả một nhóm nhậu ngay giữa bệnh viện. Có vẻ như khi chứng kiến cái chết cận kề, con người ta dễ dàng buông bỏ. Những người trước đó hoàn toàn xa lạ, nhưng chỉ sau vài ngày sống gần nhau, họ đã trở nên thân thiết. Họ biết rõ tên nhau và biết được cả tính tình của nhau.
Gia đình được ví như một tổ ấm yêu thương. Hồi còn là cậu bé giúp lễ, tôi cứ nghe đi nghe lại bài chia sẻ của Đức Cha GB Bùi Tuần. Trong bài chia sẻ đó có đoạn : “Trong bao hôn nhân, tổ ấm đã biến thành tổ lo và tình yêu đã nhạt phai đi khi chiếc áo cưới vẫn chưa nhạt màu. Tình yêu như bông hoa, ép hoa mãi vào ngực hoa sẽ tàn. Tình yêu như dòng suối, xây đập chặn nước lại nước sẽ cạn. Tình yêu như ngọn đèn, lấy áo bọc lại đèn sẽ tắt”. Những chia sẻ của Đức Cha GB Bùi Tuần tôi thấy thật sâu sắc. Có nhiều cặp đôi mới cưới nhau được một thời gian ngắn đã đòi chia tay. Cuộc sống hiện đại khiến cho con người luôn cảm thấy mệt mỏi. Những nỗ lực kiếm tiền lo cho gia đình của cha mẹ đã lấy đi của họ gần hết thời gian. Còn đâu nữa khung trời mộng mơ ngày yêu nhau? Còn đâu nữa tình yêu thuở ban đầu? Năm nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chọn chủ đề đồng hành với các gia đình trẻ gặp khó khăn. Tôi thiết tưởng đây là một chủ đề thật cần thiết. Có rất nhiều gia đình trẻ đang gặp trục trặc. Họ đang cần được Giáo Hội đồng hành và nâng đỡ. Tuy nhiên, tôi mới chỉ thấy chúng ta hô khẩu hiệu nhiều. Tôi chưa thấy chúng ta có những hành động thiết thực để giúp cho các gia đình đó. Cần phải có những sáng kiến mới mẻ, những chữa trị tận căn tâm hồn con người thì mới mong xây dựng được những tổ ấm yêu thương.
Tôi cầu mong cho các gia đình trẻ đang gặp khó khăn hãy hồi tâm trở về với Chúa và hàn gắn những rạn nứt trong đời sống tình cảm. Không gì là không thể. Chỉ cần các bạn có thành tâm thiện chí thì mọi việc đều có thể giải quyết. Kiếp sống này quá ngắn ngủi. Hãy dùng thời giờ để yêu thương thay vì giận dỗi. Hãy thực tâm tha thứ cho nhau và xóa hết mọi lỗi lầm. Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau những đêm đông mù mịt là những ngày xuân ấm áp. Sau những gian nan thử thách của thập giá sẽ là ánh sáng rạng ngời của Phục Sinh. Sẽ luôn có một cái gì đó tốt đẹp xảy ra nếu các bạn biết vượt qua thử thách. Ước mong các bạn sẽ sống không mùa đông, không mùa nắng mưa, chỉ có một mùa yêu nhau.
Cha Giuse Tạ Xuân Hòa.