Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Những lời nhắn nhủ của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng về Thánh nhạc

Những lời nhắn nhủ của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng với mọi người về Thánh nhạc

(Trích trong Hương Trầm số 32, tháng 4 -2021, Nội san của Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, trang 108-109)

1/ Thánh nhạc là một sinh hoạt thánh thiêng, quan trọng nhất của Giáo hội khi cử hành phụng vụ.

2/ Thánh nhạc phải phục vụ cho phụng vụ, một yếu tố cấu thành của phụng vụ, chứ không phải là một buổi trình diễn nghệ thuật.

3/ Thánh nhạc khác với một bài nhạc đạo (như bài ca sinh hoạt) phải có nội dung tôn giáo, Tin mừng. Không phải nhạc đạo nào cũng là nhạc phụng vụ.

4/ Đàn và hát trong phụng vụ phải đưa tâm hồn cộng đoàn lên với Chúa, chứ không phải kéo người ta về với mình. Đương nhiên, người hát phải có tâm hồn đạo đức, cầu nguyện và sống với tâm tình bài hát.

5/ Về Bộ Lễ trong thánh lễ, phải hát đúng bản văn của Ủy Ban Phụng Tự, đã được HĐGMVN chuẩn nhận.

6/ Không được đưa những bài hát “đạo vào đời” vào trong phụng vụ, vì những bài này chỉ dùng trong các giờ sinh hoạt.

7/ Khi hát những bài tiếng La-tinh, nên giúp cộng đoàn hiểu đôi chút về bản văn, kẻo người nghe không hiểu gì, và thỉnh thoảng mới hát, đừng hát thường xuyên (x. HDMVTN, số 59).

8/ Bài Ca Hiệp lễ trong thánh lễ ban phép Bí tích Thêm sức, phải hát về chủ đề Thánh Thể, không phải hát về Chúa Thánh Thần (vì Ca Nhập Lễ và trong nghi thức thêm sức đã hát về Chúa Thánh Thần rồi!) (x. HDMVTN, số 178 đến 183).

9/ Các bài thánh ca phải đi kèm với hành vi phụng vụ, nên khi hành vi phụng vụ chấm dứt, thì phải cố gắng ngưng hát (thí dụ: trong phần Dâng lễ, chủ tế đã rửa tay, thì liệu đừng hát nữa).

10/ Về nhạc cụ, nên sử dụng tiếng đàn hợp với phụng vụ, như đàn phong cầm, đàn organ điện tử (chọn những âm sắc như phong cầm) không nên sử dụng các âm sắc và các nhạc cụ khác như trống, kèn saxo, guitar… Có người biện minh cho rằng thánh lễ phải thu hút được giới trẻ, nên dùng nhiều nhạc cụ khác nhau cho vui nhộn! Không biết sự vui nhộn đó thu hút giới trẻ hay sự thánh thiêng thu hút giới trẻ? Nhạc vui nhộn, kích động đã có ở những nơi khác ngoài nhà thờ, còn trong buổi cử hành phụng vụ chỉ nghe “xập xình” từ các nhạc cụ, sẽ không đưa người ta đến với Chúa được. Coi chừng sai mục đích của phụng vụ, thay vì phúc âm hóa, mình lại làm “thế tục hóa” nhạc phụng vụ.

11/ Như đã nói ở trên, ca đoàn phải có tinh thần đạo đức, tâm hồn cầu nguyện; phải giữ sự linh thánh trong các buổi cử hành phụng vụ, lắng nghe lời Chúa sốt sắng như cộng đoàn vậy.

12/ Ca đoàn phải phục vụ với tinh thần siêu nhiên, đừng mong ghi công trước mặt người đời, đừng mong phải có thù lao xứng đáng, kẻo mất đi tính chất cao cả trong việc phục vụ.

13/ Ca đoàn là thành phần trong cộng đoàn hay giáo xứ, nên phải hiệp thông và liên kết với công đoàn hay giáo xứ nơi mình phục vụ. Ý thức “thuộc về” là điều hiển nhiên và quan trọng theo truyền thống của Giáo hội, làm cho Giáo hội mỗi ngày hiệp nhất hơn.

+TGM Giuse Nguyễn Năng

 

Nguồn bài viết: tgphanoi.org

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức