Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Hôn nhân trong bộ Giáo luật

Lm. Phan Tấn Thành

NHẬP ĐỀ

Hôn nhân có thể bàn dưới nhiều khía cạnh: xã hội học, lịch sử, triết học, thần học. Trong lãnh vực thần học, chúng ta có thể bàn về hôn nhân dưới khía cạnh tín lý, luân lý, mục vụ. Chẳng hạn như trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Hôn nhân được bàn đến trong Phần thứ nhất (Tuyên xưng đức tin: số 371-373), Phần thứ hai (Cử hành đức tin: bí tích hôn nhân, số 1601-1666), Phần thứ ba (Sống đức tin: luân lý). Riêng phần luân lý, hôn nhân và gia đình được bình giải trong điều răn thứ bốn (số 2197-2233) và điều răn thứ sáu (2331-2400).
Ở đây, chúng ta chỉ nghiên cứu dưới khía cạnh giáo luật, tuy rằng nhiều lúc phải quy chiếu về thần học và mục vụ. Điều quan trọng là tìm ra chân lý (cái lý do của các định chế) và công bằng (ius). Giáo luật có một sự tiến triển lâu dài, trong đó Giáo Hội một đàng tìm hiểu Lời Chúa, đồng thời cũng quan tâm đến các nền văn hóa thời đại. Điều này giải thích tại sao có những thay đổi giữa bộ luật trước đây và bộ luật hiện hành. Bộ luật sau công đồng Vaticano II đã đề cao vai trò của tình yêu trong hôn nhân cũng như sự tôn trọng nhân vị, ảnh hưởng của triết học cận đại.
Xin phép mở một dấu ngoặc. Chúng ta là các linh mục mà lại tìm hiểu về hôn nhân: có ngược đời không? Xét dưới khía cạnh giáo luật thì xem ra ngược đời, bởi vì hai bên trái nghịch nhau: chúc linh mục là một ngăn trở tiêu hôn (và ai đã lập gia đình thì cũng mặc nhiên khước tù sẽ không làm linh mục)
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới khía cạnh thần học, đặc biệt là thần học tâm linh, thì giữa hai bên có rất nhiều liên lạc. Phải nhận đây là kết quả của sự tiến triển thần học sau công đồng Vatican II. Chúng ta có thể tạm kể ba khía cạnh sau đây:
1/ Xét về ý nghĩa của bí tích, chức linh mục cũng như các hôn nhân đều được kêu gọi trở nên dấu chỉ của tình yêu Đức Kitô đối với Hội Thánh. Các linh mục (và đặc biệt là các giám mục) là dấu chỉ của Đức Kitô (Lang quân) hiến mạng sống mình cho Hội Thánh là hiền thê. Các đôi bạn là dấu chỉ cho giao ước tình yêu giữa Đức Ki-tô với Hội Thánh
2/ Xét về sứ vụ, bí tích Truyền chức và bí tích Hôn nhân đều nằm trong khối thứ ba: các bí tích xây dựng Hội Thánh (khối thứ nhất gồm ba bí tích khai tâm, khối thứ hai gồm các bí tích chữa trị). Các linh mục xây dựng Hội Thánh nhờ việc thực thi ba chức vụ rao giảng, thánh hóa và cai quản. Các đôi hôn nhân xây dựng Hội Thánh bằng việc kiến tạo "Hội Thánh tại gia", trong đó họ cũng thực hiện các chức vụ loan báo Tin mừng, thánh hóa và phục vụ.
3/ Xét về khía cạnh tu đức, ĐTC Gioan Phao-lô II đã hơn một lần  nhắc nhở các linh mục rằng: các đôi hôn nhân cũng găp nhiều khó khăn trong việc chung thủy với nhau và trong việc giữ đức khiết tịnh; và họ nhìn lên các linh mục độc thân để tin tưởng vào ơn thánh Chúa: sự chung thủy và khiết tịnh là điều có thể thi hành được. Đối lại, có những lúc các linh mục cũng cảm thấy khó khăn của việc sống độc thân, và các linh mục cũng được xây dựng nhờ những tấm gương anh hùng của các đôi hôn nhân Ki-tô giáo. Dưới khía cạnh mục vụ, chúng ta biết rằng ơn gọi linh mục nảy sinh từ những gia đình đạo đức: nơi nào tình trạng gia đình sa sút thì khó mong có ơn gọi linh mục.
Nhưng đó là những điều thuộc về thần học. Còn Giáo luật thì nhìn đến khía cạnh tiêu cực nhiều hơn. Tuy rằng giáo luật bàn đến các điều kiện để cho việc kết hôn được hữu hiệu và hợp pháp, nhưng trên thực tế, là để tìm những biện pháp để cứu vãn những đôi hôn nhân gặp khó khăn, bằng cách tìm đường tuyên bố giá thú vô hiệu. 
 
I. BỐ CỤC
Trong bộ giáo luật, hôn nhân được bàn đến trong quyển Bốn (nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội: các bí tích), từ điều 1055-1165, với bố cục như sau:
        Tám điều khoản dẫn nhập
        Sau những điều dẫn nhập, Bộ Giáo luật bàn đến những mục sau đây trong 10 chương:
        Chương I. Việc săn sóc mục vụ và những việc phải làm trước khi cử hành hôn phối.
        Chương II. Về ngăn trở tiêu hôn nói chung.
        Chương III. Về ngăn trở tiêu hôn nói riêng.
        Chương IV. Sự ưng thuận kết hôn.
        Chương V. Thể thức cử hành hôn phối.
        Chương VI. Hôn phối hỗn hợp.
        Chương VII. Hôn phối cử hành kín đáo.
        Chương VIII. Những hiệu quả của hôn nhân.
        Chương IX. Sự phân ly vợ chồng
        Chương X. Sự hữu hiệu hoá hôn nhân.
Chúng ta có thể tóm vào năm vấn đề chính như sau:
        1/ Săn sóc mục vụ trước khi kết hôn (chương I)
        2/ Những điều kiện cho việc kết hôn hữu hiệu
              a) đôi bạn không mắc ngăn trở (chương II-III)
              b) đôi bạn bày tỏ sự ưng thuận (chương IV)
              c) sự thỏa thuận diễn ra theo thể thưc pháp đình (chương V-VII)
        3/ Hiệu quả của việc kết hôn (chương VIII)
        4/ Sự phân ly vợ chồng (chương IX)
        5/ Việc chữa trị các hôn nhân vô hiệu (chương X)
Cần đọc thêm phần tố tụng (quyển VII) về các vụ kiện hôn nhân: tuyên bố vô hiệu (đ.1671-1691),  ly thân (đ.1692-1696), suy đoán tử vong (đ.1707).
 
II. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (9/6/2000)
thay thế cho luật 1986 được sửa đổi bổ sung năm 2010 (luật con nuôi)
        Gồm 110 điều, chia làm 13 chương dài ngắn không đều nhau:
        Chương I. Những quy định chung (đ.1-8)
        Chương II. Kết hôn (đ.9-17)
        Chương III. Quan hệ giữa vợ chồng (đ.18-33)
        Chương IV. Quan hệ giữa cha mẹ và con (đ.34-46)
        Chương V. Quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa anh chị em và giữa các thành viên trong gia đình (đ.47-49)
        Chương VI. Cấp dưỡng (đ.50-62)
        Chương VII. Xác định cha, mẹ, con (đ.63-66)
        Chương VIII. Con nuôi (đ.67-78. Bổ sung)
        Chương IX. Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình (đ.79-84)
        Chương X. Ly hôn (đ.85-99)
        Chương XI. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (đ.100-106)
        Chương XII. Xử lý vi phạm (đ.107-108)
        Chương XIII. Điều khoản thi hành (đ.109-110)
Chúng ta có thể nhận thấy rằng phạm vi của  dân luật  thì rộng hơn giáo luật. Nói chung, giáo luật chỉ bàn đến hôn nhân (việc kết hôn) chứ ít nói đến gia đình; ngược lại, trong dân luật, các điều khoản liên quan đến gia đình thì nhiều hơn các điều về kết hôn.
        - Hôn nhân và gia đình. Bao gồm lãnh vực tài sản, cấp dưỡng. Mở rộng đến những liên hệ họ hàng.
        - Xét về kỹ thuật pháp lý: Luật VN không phân biệt giữa hôn nhân "vô hiệu" và bất hợp luật; cũng như không bàn đến sự miễn chuẩn.
        - Khi đi vào nội dung, chắc chắn có nhiều khác biệt về quy định bắt nguồn từ quan điểm khác biệt về bản chất của hôn nhân.
        - Vài chi tiết  khác biệt đáng kể giữa luật dân sự và giáo luật
        - Không có quy định về đính hôn
        - Cách tính họ hàng khác với giáo luật (đ.8,12-13). Tuổi kết hôn cũng cao hơn (20/18) tuổi của giáo luật (16/14).
        - Có ly dị (chứ không có ly thân); Có bàn đến việc tiêu huỷ hôn nhân
        - Điều 22 có đụng đến tự do tín ngưỡng
        - Không chấp nhận hôn nhân đồng tính (đ.10,5)
        - Chấp nhận có sự ăn ở chung ngoài giá thú (đ.11,1); không phân biệt con trong         giá thú và ngoài giá thú (điều 2,5).
Dưới đây chúng tôi xin trình bày tám  điểm sau đây
        1. Những điều khoản dẫn nhập
        2. Mục vụ hôn nhân
        3. Những ngăn trở hôn nhân
        4. Sự thỏa thuận
        5. Thể thức hôn nhân
        6. Hậu quả hôn nhân
        7. Phân lý vợ chồng
        8. Hữu hiệu hóa hôn nhân
 
-----------------------o0o---------------------
 
NHỮNG ĐIỀU KHOẢN DẪN NHẬP

Nội dung
1/ Bản chất và những đặc tính  của hôn nhân Kitô giáo.
2/ Những nguyên tắc định hướng  của giáo luật
3/ Giải thích từ ngữ


Bí tích Hôn phối dài hơn hết trong các thiên nói về các bí tích (111 điều). Lý do vì trong phần này, giáo luật không chỉ bàn về việc cử hành bí tích, mà còn nói đến đời sống gia đình, những liên hệ giữa vợ chồng lẫn giữa cha mẹ với con cái. Nói khác đi, trong thiên này, chúng ta có thể thấy những quy luật của giáo luật về hôn nhân và gia đình nữa. Đối chiếu với các giáo sĩ thì sẽ thấy rõ: bí tích truyền chức được bàn trong quyển bốn (đ.1008 đến 1054), nhưng những điều liên hệ đến hàng giáo sĩ (đào tạo, quyền lợi và bổn phận) được bàn trong quyển hai (đ.232-293).
Khác với những thiên trước đây chỉ gồm có một hai điều khoản dẫn nhập, trong bí tích hôn phối, có tới tám điều khoản dẫn nhập, từ điều 1055 đến điều 1062, trong đó nhà lập pháp lần lượt bàn đến bản chất, đặc tính của hôn nhân, cũng như những nguyên tắc căn bản của giáo luật trong lãnh vực này.
Trước khi đi vào chi tiết, tưởng nên ghi nhận rằng bản chất của bí tích hôn phối rất khác các bí tích khác. Giáo Hội xác tín rằng các bí tích do Chúa Giêsu thiết lập. Tuy nhiên ta có thể nhận thấy rằng các người ngoài Kitô giáo không lãnh nhận 6 bí tích, từ bí tích Rửa tội cho đến bí tích Truyền chức, vì là những định chế đặc thù của đạo Kitô. Tuy nhiên đối với bí tích hôn phối thì không như thế: nó là một định chế tự nhiên của nhân loại, chứ không phải riêng của người Kitô giáo. Những người Kitô lập gia đình cũng có những bổn phận giống như những đôi vợ chồng ngoài Kitô giáo.
Do đó, nói theo ngôn ngữ thần học, người sáng tạo hôn nhân là chính Thiên Chúa, Đấng tạo thành. Đức Kitô không sáng lập định chế hôn nhân, nhưng Người khôi phục lại các giá trị của  nó đã bị lu mờ sau khi con người phạm tội. Hơn thế nữa, Người biến nó thành dụng cụ và dấu chỉ của ơn thánh. Bí tích hôn nhân mang ơn thánh cho hai người bạn, không những để giúp nọ nên thánh, nhưng còn để trở nên dấu chỉ sự thương yêu hiệp nhất giữa Đức Kitô và Giáo Hội.
Bởi vậy, khi nói đến hôn nhân và gia đình Kitô giáo, Giáo Hội không những chỉ đề cập đến khiá cạnh siêu nhiên (dấu chỉ và dụng cụ ơn thánh), nhưng còn bàn đến khiá cạnh tự nhiên nữa, nghĩa là định chế hôn nhân theo ý định của Đấng Tạo hoá, được Đức Kitô khôi phục lại. Đó là ý nghĩa của những khoản luật nói về bản chất và yếu tính của hôn nhân, áp dụng cho tất cả các đôi hôn nhân, dù theo Kitô giáo hay không.
 
I. BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN
Trong Việt ngữ, có nhiều từ ngữ để nói đến hôn nhân: cưới hỏi, thành hôn, kết bạn, hôn phối, giá thú, lập gia đình, lấy vợ lấy chồng, đó là chưa kể những từ ngữ văn chương hơn, ví dụ như: xe tơ, loan phụng, v.v…
Dĩ nhiên, dù nôm na hay bóng bẩy, mỗi từ ngữ nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó. Riêng về pháp lý, cần phân biệt hai khía cạnh sau đây trong hôn nhân: thứ nhất, chính sự kết hôn; và thứ hai, hôn nhân, nghĩa là hậu quả cuả việc kết hôn. Trong tiếng Latinh các học giả phân biệt: Matrimonium in fieri – Matrinonium in factum esse.
A. Chính sự kết hôn
Dưới khía cạnh thứ nhất, nghĩa là chính sự kết hôn, giáo luật mô tả nó bằng ba từ ngữ khác nhau: sự thoả thuận (hay đồng ý, ưng thuận: consensus), khế ước (contractus), giao ước (foedus). Mỗi từ ngữ có một sắc thái của nó. Sự “thoả thuận” nói lên sự hợp nhất ý chí của hai người; “khế ước” nhấn mạnh rằng sự thoả thuận kết hôn mang theo  những hậu quả  pháp lý về nghĩa vụ và quyền lợi; “giao ước” thì muốn nêu bật tính cách tôn giáo, vì  muốn hoạ lại mối tương quan giữa Thiên Chúa với Dân tuyển chọn. Dù dưới danh nghĩa nào đi nữa, đối tượng của sự kết hôn là gì ? Điều 1057 §2 nói rằng:
Người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân.
Nên lưu ý là trong Bộ Giáo luật cũ, đối tượng của hôn ước là “quyền trên thân xác” (ius ad corpus); bộ luật hiện hành đã sửa đổi lại lối văn, nhằm diễn tả điều đó một cách toàn vẹn hơn: hai người nam nữ không những chỉ trao thân xác cho nhau, nhưng là cho nhau hết cả con người (sese mutuo tradunt et accipiunt), để kiến tạo một cuộc sống chung lúc vui lúc buồn, khi mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau, trong đời hôn nhân.
B. Hôn nhân
Dưới khía cạnh thứ hai, tức là đời sống hôn nhân, giáo luật định nghĩa ở điều 1055 §1 như sau: “Sự thông hiệp trọn cả cuộc đời” (consortium totius vitae) giữa người nam và người nữ, hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Hôn nhân là một cộng đồng chia sẻ sự sống và tình yêu giữa đôi vợ chồng, để nâng đỡ nhau, và sinh dưỡng con cái.
Nên biết là thần học và giáo luật trước công đồng Vatican II phân biệt hai mục tiêu của hôn nhân:
        a) Mục tiêu chính yếu là sinh sản và giáo dục con cái;
        b) Mục tiêu thứ hai là  nâng đỡ nhau và chữa trị nhục dục.
Dựa theo đạo lý của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 48 của Vatican II, Bộ Giáo Luật hiện hành không còn xếp cấp bậc  các mục tiêu của hôn nhân nữa, nhưng chỉ kể ra những thiện ích của nó, tức là: sự trao phó cho nhau để nâng đỡ, giúp đỡ nhau, sự truyền sinh và giáo dục con cái.
Ngoài hai khía cạnh nằm trong định chế hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa, giáo luật còn thêm một khía cạnh thứ ba, dành riêng cho các Kitô hữu, nói ở điều 1055, đó là: hôn nhân giữa người đã chịu phép Rửa tội còn là bí tích nữa.
Các nhà thần học và giáo luật đã tranh luận rất nhiều về triệt 2 của điều 1055, theo đó : giữa những người đã chịu phép Rửa tội, không thể có khế ước hôn phối hữu hiệu nếu đồng thời không phải là bí tích. Áp dụng theo nghĩa chặt, người Kitô không thể chấp nhận chỉ lấy nhau theo khế ước dân sự mà không muốn lãnh bí tích; vì lẽ hôn nhân dân sự của họ không được Giáo Hội nhìn nhận, và cho dù họ có ăn ở với nhau cả chục năm trời, họ vẫn bị coi như là cặp tình nhân thôi. Kết luận như vậy quả là khắt khe. Một số học giả đặt vấn đề: khi  một người Kitô đã mất đức tin thì lãnh bí tích có thành không, và như vậy thì hôn nhân của họ ra sao ? Tại sao cưỡng bách họ phải lãnh bí tích nếu họ không muốn ? Tại sao không để cho họ kết hôn theo luân lý tự nhiên, rồi chừng nào thấy chín chắn thì sẽ xin lãnh bí tích ? Dĩ nhiên, đây chỉ là những vấn nạn nêu lên để nghiên cứu, còn các nhà chức trách vẫn áp dụng điều đã ấn định trong Bộ Giáo luật.
Chúng ta sẽ trở lại khía cạnh bí tích của hôn nhân khi nói đến việc cử hành. Ở đây, chúng tôi xin chỉ nói qua vài điểm:
        a) Trong việc cử hành bí tích, chính đôi bạn là chủ sự; còn linh mục hay tác viên khác chỉ đóng vai chứng giám.
        b) Hôn nhân giữa một người Kitô giáo với người ngoài Kitô giáo không phải là bí tích.
        c) Khi đôi vợ chồng ngoại đạo lãnh bí tích Rửa tội, thì hôn nhân của họ trở thành bí tích vào chính lúc rửa tội. Do đó, không cần phải cử hành bí tích Hôn phối nữa. Thiết tưởng cũng nên rằng hôn nhân của những người ngoài Kitô, tuy không phải là bí tích, nhưng cũng mang tính cách thánh thiêng, bởi vì hôn nhân đã được Thiên Chúa chúc lành ngay từ hồi nguyên khởi (Sáng thế 1,28).
        d) Theo nghĩa chặt, các Kitô hữu lãnh bí tích chính lúc kết hôn. Tuy nhiên, Đức Piô XI, trong thông điệp Casti Connubii (30/12/1930), có cái nhìn rộng rãi hơn. Người ví bí tích hôn nhân với bí tích Thánh Thể. Sau khi đọc lời truyền phép, tấm bánh trở nên Mình Chúa, và còn kéo dài bí tích bao lâu còn hình bánh. Hôn nhân cũng vậy, nó trở thành bí tích lúc kết hôn nhưng ý nghĩa của nó kéo dài mãi trong suốt cuộc đời của đôi bạn, vì chính tình yêu của họ diễn tả tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội.
 
II. YẾU TÍNH CỦA HÔN NHÂN
Điều 1056 nói:
Những đặc tính cốt yếu của hôn phối là sự duy nhất bất khả phân ly. Nhờ tính cách bí tích, nhưng đặc tính ấy được kiện toàn trong hôn phối Kitô giáo.
Hai yếu tính của hôn nhân là: duy nhất, và bất khả phân ly.
        1/ Duy nhất có nghĩa là chỉ có một vợ một chồng, chứ không có chuyện đa phu hay đa thê.
        2/ Bất khả phân ly có nghĩa là hai người phải chung thủy với nhau đến chết, không được lìa nhau để đi lập giá thú khác bao lâu người bạn mình còn sống.
Hai đặc tính này đã được Đấng Tạo hoá ấn định ngay từ hồi nguyên thủy, tuy rằng nó đã bị vi phạm rất nhiều lần, kể cả do các tổ phụ trong thời Cựu ước với tục đa thê. Đức Kitô  đã tái lập lại thứ tự của thuở ban đầu, và ban sức mạnh ơn thánh để có thể duy trì nó.
Tuy  nhiên, không phải mọi cuộc hôn nhân đều đạt được lý tưởng: có biết bao nhiêu gia đình  bất ổn vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng trường hợp tang thương ấy cũng được giáo luật dự trù trong thiên này, như chúng tôi sẽ đề cập đến trong chương nói về sự phân ly vợ chồng.
Những điều vừa nói tóm lược đạo lý của Giáo Hội về hôn nhân. Tưởng nên nhắc đến các văn kiện quan trọng hơn cả về hôn nhân và gia đình được ban bố trong những năm gần đây:
        - Hiến chế “Vui mừng và hy vọng” (Gaudium et Spes) của công đồng Vatican II, số 47-52.
        - Thông điệp “Sự sống con người” (Humanae vitae) của Đức Phaolô VI, ngày 25/7/1968.
        - Tông huấn “Đời sống gia đình” (Familiaris consortio) của Đức Gioan Phaolô II, ngày 22/11/1981, đúc kết thành quả của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 1980 bàn về những trọng trách của gia đình Kitô giáo.
        - Sách Giáo Lý Hội Thánh công giáo
Những điều khoản còn lại phần dẫn nhập có tính cách kỹ thuật pháp lý, một đàng nói về những nguyên tắc định hướng của giáo luật về hôn nhân; và đàng khác là một số từ ngữ chuyên môn dùng trong thiên này.
 
III. NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐỊNH HƯỚNG CỦA GIÁO LUẬT VỀ HÔN NHÂN
1. Điều 1058 nói: Hết mọi người không bị luật cấm đều có thể kết hôn. Giáo luật xác nhận quyền tự nhiên của mọi người được kết hôn, nếu không bị luật pháp ngăn cấm. Luật pháp, dù là dân luật hay giáo luật, nhằm kiện toàn chứ không thể đi ngược luật tự nhiên.
2. Tiếp đó, điều 1059 ấn định giới hạn bó buộc của giáo luật trong phạm vi hôn phối như sau:
Hôn phối của các người Công giáo, cho dù chỉ một bên là người công giáo, bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Giáo Hội nữa, tuy vẫn tôn trọng thẩm quyền của luật dân sự về hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân.
Điều 1059 nhằm trả lời câu hỏi: ai buộc phải giữ giáo luật về hôn phối  ? Câu trả lời là: giáo luật chỉ ràng buộc các đôi hôn nhân Công giáo, dù là cả hai hoặc chỉ có một người theo Công giáo. Do đó, những người ngoài Công giáo, cho dù đã rửa tội (ví dụ như các tín đồ Kitô nhưng thuộc các giáo đoàn không thông hiệp với Giáo Hội Công giáo) thì không bị chi phối bởi giáo luật. Bộ Giáo luật hiện hành được soạn ra theo tinh thần đại kết, tôn trọng thẩm quyền lập pháp của các giáo đoàn ấy với các phần tử của họ, nên không muốn ràng buộc họ như bộ luật cũ nữa.
Riêng về người Công giáo, trong vấn đề hôn phối, nên biết rằng họ phải tuân giữ những qui định của dân luật về hậu quả dân sự (ví dụ như về nhà cửa, tài sản, thừa kế) nếu những luật ấy không đi ngược với luật của Thiên Chúa. Còn khi nói đến luật của Giáo Hội, thì chúng ta không chỉ hiểu là những luật của Bộ Giáo luật mà thôi, nhưng còn gồm những luật riêng của hàng giáo phẩm địa phương nữa. Trên thực tế, Bộ giáo luật đã dành cho Hội đồng Giám mục thẩm quyền ấn định những điều sau đây:
        a) Việc đính hôn (đ. 1062 §1);
        b) Việc điều tra trước khi kết hôn (đ. 1067);
        c) Tuổi kết hôn hợp luật (đ. 1083 § 2);
        d) Lời cam kết trong trường hợp hôn nhân dị giáo (đ. 1126; 1127 §2);
        e) Nghi lễ  kết hôn (đ. 1120).
Ngoài ra mỗi Bản quyền địa phương còn có trách nhiệm ấn định những quy luật về việc chuẩn bị hôn nhân (đ. 1064).
3. Một nguyên tắc nữa nói lên quan điểm của pháp luật về hôn nhân được phát  biểu ở điều 1060 nói như sau:
Hôn phối được hưởng sự che chở của pháp luật. Bởi đó, trong trường hợp hoài nghi giá trị của hôn nhân được nhìn nhận bao lâu chưa chứng minh ngược lại.
Điều luật này cho thấy rằng giáo luật cố gắng bảo vệ sự bền vững của hôn nhân. Một khi hôn phối đã được thành lập, giáo luật suy đoán là nó thành hiệu. Các học giả gọi đó là suy đoán pháp luật. Sự suy đoán ấy có những hiệu quả thuận lợi trong tố tụng. Thường thường, khi có kiện tụng, thì cả nguyên cáo lẫn bị cáo phải xuất trình bằng chứng để chứng minh quyền lợi của mình. Ví dụ như tôi đang làm chủ một mảnh đất. Thế rồi ông A nói rằng mảnh đất ấy thuộc về ông ấy, và nhờ toà phân xử. Dĩ nhiên, để chứng minh ai là sở hữu chủ, chì cả tôi lẫn ông A đều phải tìm bằng cớ, hoặc bằng văn tự hay bằng nhân chứng: ai có lý hơn thì sẽ được xử thắng cuộc. Trong trường hợp dị nghị hôn nhân thì không thế Chỉ có hoài nghi về giá  trị hôn nhân mới buộc phải trưng bằng chứng; pháp luật miễn trưng dẫn bằng chứng về sự hữu hiệu của hôn nhân, vì suy đoán là nó đã hữu hiệu rồi.
 
IV. VÀI TỪ NGỮ
Điều 1061 cho ta một số khái niệm về những từ ngữ dùng trong thiên này, đặc biệt liên quan đến sự thành hiệu của hôn nhân.
1. Hôn nhân được gọi là thành hiệu (hay hữu hiệu, thành sự) khi hội đủ hết các điều kiện của giáo luật ấn định về việc kết hôn. Hôn nhân ấy được giáo luật nhìn nhận với tất cả các hiệu quả của nó. Như chúng tôi sẽ nói sau, có ba điều kiện chính về sự hữu hiệu của hôn nhân:
        a) Đôi bên không mắc ngăn trở;
        b) Đôi bên do thoả thuận kết hôn;
        c) Sự kết hôn diễn ra theo thể thức luật định.
2. Khi thiếu một trong những điều kiện luật định, thì hôn nhân vô hiệu. Trên nguyên tắc, khi hôn nhân vô hiệu thì không có giá trị gì trước pháp luật. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ lợi ích của cá nhân và của xã hội, giáo luật phân biệt những trường hợp ngay tình gian lý. Khi hôn nhân vô hiệu vì ngay tình, nghĩa là một khi bên hay đôi bên không biết lý do của sự vô hiệu, thì giáo luật gọi đó là hôn nhân giả định (putativum).
Những con cái sinh ra bởi hôn phối giả định được nhìn nhận như con cái hợp pháp (đ. 1137). Ngược lại, hôn nhân vô hiệu vì gian ý, khi nó được gọi là toan tính (attemptum): ví dụ như trường hợp hôn nhân của một linh mục, một tu sĩ đã khấn trọn đời, cho dù họ biết rõ là nó vô hiệu.
3. Một khái niệm nữa dùng trong Bộ Giáo luật là thành nhận và hoàn hợp. Hôn nhân "thành nhận" (ratum) là hôn nhân hữu hiệu giữa hai người Kitô, nói cách khác là khi đã cử hành bí tích hôn phối. Hôn nhân hữu hiệu giữa hai người ngoài Kitô giáo, hay hôn nhân giữa một người Kitô với người ngoại giáo thì không gọi là thành nhận được. Còn hôn nhân "hoàn hợp" (consummatum) là khi đôi bạn đã giao hợp với nhau.
Sự phân biệt này có hậu quả đối với việc tháo gỡ dây hôn phối. Đối với hôn phối thành nhận và hoàn hợp, Giáo Hội không thể tháo được. Nhưng nếu chỉ thành nhận mà thôi, thì có thể xin Toà thánh tháo gỡ. Dĩ nhiên, như chúng ta sẽ thấy, Giáo Hội cũng có thể tháo gỡ hôn nhân không thành nhận, xét vì nó chưa phải là bí tích.
Riêng về khái niệm hoàn hợp, có vài sửa đổi quan trọng giữa Bộ Giáo luật cũ với Bộ giáo luật hiện hành. Điều 1062 § 1 nói về hôn phối hoàn hợp như sau:
Hôn phối hoàn hợp khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Sự giao hợp là hành động hướng đến việc sinh con cái, tức là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân, và do hành động ấy đôi bạn trở nên một xác thể.
Lối hành văn nhấn mạnh đến tính cách nhân bản của sự giao hợp, nghĩa là cần diễn ra như  một hành vi nhân linh, có ý thức, tự do. Do đó, sự giao hợp diễn ra cách vũ đoán, hoặc lúc say sưa thì không làm cho hôn nhân nên hoàn hợp. Cũng vậy, nếu sự giao hợp làm ngăn cản sự sinh sản thì cũng không làm cho nó hoàn hợp.
Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, việc chứng minh hôn phối bất hoàn hợp không dễ gì, bởi vì thuộc về phạm vi rất riêng tư kín đáo giữa hai vợ chồng. Mặt khác, điều 1061 § 2 nói rằng:
Sau khi đã cử hành hôn phối, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau thì sự hoàn hợp được suy đoán cho đến khi chứng minh ngược lại.
Tưởng nên biết là sự phân biệt giữa hôn phối thành nhận và hoàn hợp chỉ có trong giáo luật, sau những cuộc tranh luận về học lý giữa đại học Paris và Bologna vào thế kỷ XII. Các bộ dân luật cận đại không có khái niệm này.
 
V. ĐÍNH HÔN
Phong tục Việt Nam cũng như của nhiều dân tộc khác coi việc hứa hôn (hay dạm hỏi) rất là quan trọng, đó là chưa nói đến chuyện hứa hôn giữa các gia đình trước khi đứa trẻ chào đời. Tuy nhiên, xét vì bộ giáo luật được ban hành cho toàn thể thế giới,  với những phong tục khác nhau, nên không thể ra một qui tắc nhất định được. Điều 1062 để cho mỗi Hội đồng Giám mục qui định về cách thức và giá trị của sự đính hôn, dựa theo phong tục và luật lệ địa phương. Tuy nhiên, triệt 2 của điều vừa nói thêm rằng sự đính hôn không phát sinh tố quyền cử hành hôn lễ, nghĩa là không thể kiện người đã hứa hôn ra toà để buộc họ phải thành hôn với mình những chỉ có thể kiện để đòi hỏi bồi thường thiệt hại do sự từ hôn gây ra.
 
Chương I
MỤC VỤ HÔN NHÂN

Sau những điều khoản dẫn nhập, Bộ Giáo Luật dành chương thứ nhất của thiên về bí tích Hôn phối để bàn về mục vụ hôn nhân và gia đình. Dĩ nhiên, chúng ta không thể mong đợi tìm thấy trong chương này những nguyên tắc chỉ nam về đời sống gia đình, vì vấn đề đó thuộc về phạm vi của các ngành khác. Nhà lập pháp chỉ dự trù một số biện pháp nhằm bảo đảm cho các đôi hôn nhân  Công giáo được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm nhận trách nhiệm trong bậc sống mới. Những khoản luật ngắn ngủi trong chương này phần lớn dựa trên Tông huấn “Đời sống gia đình” (Familiaris Consortio) do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/11/1981. Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đã xuất bản một văn kiện ngày 13/5/1996 về việc chuẩn bị hôn nhân.
Trong chương này, dựa theo giọng văn, chúng ta có thể phân biệt, hai phần: phần đầu với hai điều 1063 và 1064, có tính cách đề nghị khuyến khích; còn phần thứ hai, gồm những điều còn lại, có tính cách kỷ luật hơn.
1. Mục vụ hôn nhân
Điều 1063 mở đầu với những lời sau:
Các chủ chăn có bổn phận lo liệu sao cho cộng đoàn Giáo Hội của mình biết trợ giúp các tín hữu toàn bậc sống hôn nhân theo tinh thần Kitô giáo, thăng tiến bậc sống hôn nhân trên đường trọn lành.
Nên lưu ý là trong chương trình mục vụ này, các giáo dân giữ một vai trò then chốt, nhờ những kinh nghiệm và hiểu biết của họ. Đó là điều được điều 1064 nhấn mạnh, cũng như Đức Gioan Phaolô II nói tới  trong Tông huấn “Đời sống gia đình” số 73 và “Kitô  hữu giáo dân” số 40.
Việc chuẩn bị hôn nhân gồm nhiều chặng, và nhiều lãnh vực. Dựa theo Tông huấn “Đời sống gia đình” có thể nói đến ba cấp độ như sau: chuẩn bị xa, gần, và trực tiếp.
a) Việc chuẩn bị xa bao gồm việc huấn giáo cho cộng đồng tín hữu về ý nghĩa của hôn nhân và thiên chức của gia đình Kitô giáo. Dĩ nhiên việc huấn giáo cần được trình bày thích ứng với từng lớp tuổi, với những phương tiện và trong những môi trường khác nhau ví dụ như tại thánh đường, trong gia đình hay ở trường học. Huấn giáo về hôn nhân cũng không thể tránh né vấn đề giáo dục về phái tính và tình yêu.
        b) Việc chuẩn bị gần dành riêng cho những người sắp kết hôn, để họ được sửa soạn lãnh nhận sự thánh thiện và những bổn phận của bậc sống mới. Tại nhiều nơi, họ buộc phải dự một khoá  chuẩn bị hôn nhân được tổ chức ở cấp giáo hạt hay giáo phận, trong đó họ sẽ tham dự những buổi thuyết trình về những khía cạnh khác nhau của đời sống hôn nhân: thần học, tâm lý, y tế, vệ sinh, kinh tế, gia chánh, v.v… Ở đâu không thể tổ chức những khoá như vậy, thì cha sở hay người được ủy nhiệm sẽ  tổ chức những cuộc gặp gỡ từng đôi hay tất cả các đôi sắp kết hôn.
        c) Việc chuẩn bị trực tiếp nhằm cử hành phụng vụ một cách tích cực, sống động, không những về phía cộng đồng giáo xứ, nhưng nhất là về phía đôi bạn. Họ có thể chọn lựa những bài đọc Kinh Thánh, dâng ý chỉ cầu nguyện, mang lễ phẩm v.v… Mục vụ hôn nhân còn tiếp tục sau lễ thành hôn. Cộng đồng được kêu gọi trợ giúp các đôi bạn qua những hình thức khác nhau ví dụ như qua các buổi gặp gỡ cầu nguyện và trao đổi kinh nghiệm, các phong trào cổ động sự thánh thiện gia đình v.v…
Sau những nguyên tắc hướng dẫn, bây giờ chúng ta bước sang những điều khoản có tính cách pháp lý.
2. Những quy luật phải giữ trước khi cử hành hôn lễ
Những quy luật bao gồm việc lãnh nhận các bí tích, việc điều tra, và những trường hợp ngăn cấm cử hành hôn lễ.
a) Lãnh nhận các bí tích
Điều 1065 đặt ra vài qui tắc không những nhằm giúp cho các đôi bạn được lãnh nhận dồi dào những ơn ích của bí tích Hôn phối, mà còn có khả năng trở thành những nhà giáo dục đức tin cho con cái mai sau.
Bởi đó, theo triệt 1, nếu có thể được và không có khó khăn trầm trọng, thì những người chưa lãnh bí tích Thêm sức phải liệu lãnh bí tích ấy. Như chúng ta đã biết, bí tích Thêm sức nằm trong toàn bộ những bí tích khai tâm, đánh dấu sự trưởng thành đức tin, Giáo luật khuyến khích đôi bạn lãnh bí tích này bởi vì họ sẽ là những người chứng nhận và dạy dỗ đức tin con cái.
Triệt 2 khuyên đôi bạn lãnh bí tích Thống hối và Thánh Thể. Bí tích Thống hối giúp họ sống trong ơn nghĩa của Chúa, sẵn sàng để cho ơn bí tích Hôn nhân tác động. Còn về bí tích Thánh Thể, thì như chúng tôi  sẽ nói sau trong phần bàn về việc cử hành hôn phối trong Thánh lễ, nhưng còn muốn cho đôi bạn hiệp lễ, để thông hiệp trọn vẹn hơn vào sự trao ban hiến tế của Đức Kitô, mà họ được kêu gọi diễn tả lại trong suốt cuộc sống vợ chồng.
b) Việc điều tra
Nhằm bảo đảm cho việc kết hôn được hữu hiệu và hợp luật, nhà lập pháp dự trù những cuộc điều tra và thu thập tài liệu trong những điều khoản từ 1066 đến 1070. Nên ghi nhận sự thay đổi giữa bộ luật cũ và bộ luật  hiện hành về vấn đề này.
Bộ Giáo luật  cũ dựa trên các sắc lệnh của công đồng Latêranô IV năm 1215, đòi buộc cha sở phải khảo hạch đôi bạn, và kế đó phải niêm yết cáo thị hôn nhân. Bộ Giáo luật hiện hành để cho Hội đồng Giám mục xác nhận những thể thức cụ thể về việc khảo hạch và thu thập tài liệu tùy theo phong tục địa phương, như chúng ta đọc thấy trong điều 1067:
Hội đồng Giám mục phải ra những qui luật về việc khảo hạch đôi bạn, về việc rao hôn phối, và về những phương thế tùy tiện khác để hoàn tất công việc điều tra phải có trước khi kết hôn. Sau khi tuân hành kỹ lưỡng những điều đó, cha sở mới có thể tiến hành việc chứng giám hôn phối.
Mặt khác, điều 1069 buộc các tín hữu phải báo cáo lên cha sở hay Bản quyền sở tại những ngăn trở mà họ biết được. Đây là một nghĩa vụ luân lý thuộc đức công bằng và bác ái, xét vì không những để tránh cho hôn phối khỏi trở thành vô hiệu hay bất hợp pháp, nhưng còn tránh cho hôn nhân khỏi nguy cơ tan vỡ. Tuy nhiên, theo các học giả, nếu ai biết được ngăn trở do bí mật nghề nghiệp thì không buộc báo cáo; chỉ có cách là thuyết phục chính đương sự đừng tiến tới hôn nhân.
Cha sở chỉ có thể tiến hành việc cử hành hôn lễ khi đã thu thập những bằng chứng luật định. Trong trường hợp nguy tử, theo điều 1068, nếu không thể thu thập những bằng chứng khác, và miễn là không có dấu chỉ nào trái ngược, thì chỉ cần đôi bạn cam kết, với lời thề nếu cần, rằng mình đã rửa tội và không vướng mắc ngăn trở.
Thiết tưởng nên mở một dấu ngoặc. Trong thiên này, nhiều khi giáo luật nói đến hôn phối trong trường hợp nguy tử. Thoạt nghe đến danh từ ấy, có lẽ có người sẽ mỉm cười, và có người khác  sẽ ngạc nhiên: nếu đã sắp chết rồi, thì còn lo chuyện cưới hỏi làm chi nữa ? Sự thực thì hơi khác: khi nói đến hôn nhân trng trường hợp nguy tử chúng ta nghĩ đến chuyện người ta muốn cuới nhau để hưởng lạc đôi ba phút trước khi lìa đời. Không phải vậy đâu, có lẽ họ sẽ ăn ở với nhau từ lâu rồi; nhưng bây giờ, trước khi một hay cả hai sắp bước qua thế giới bên kia, họ muốn hợp thức hoa tình trạng sống chung của họ, để được an tâm trước mặt Chúa, cũng như để bảo toàn những công hiệu khác về con cái và tài sản.
c) Phép của Bản quyền sở tại
Sau cùng, hai điều 1071 và 1072 liệt kê những trường hợp mà cha sở cần có phép của Bản quyền sở tại để chứng hôn. Đó là những trường hợp:
1/ Hôn phối của những người vô gia cư, vì không biết gốc tích của họ, nên khó lòng điều tra về những ngăn trở.
2/ Hôn phối không thể nhìn nhận hay cử hành theo dân luật: để tránh xung khắc giữa Giáo Hội với Nhà nước, đó là chưa nói đến chuyện có thể cha sở hay đôi tân hôn có thể bị phạt vạ hay phạt tù. Dĩ nhiên, đây là nói tới dân luật trong thể chế dân  chủ, chứ còn trong trường hợp luật bất công, ví dụ như trong chế độ cấm tất cả các nghi lễ tôn giáo, thì người tín hữu phải đối phó  cách khác. Một điều thường xung khắc giữa giáo luật chỉ đòi 16 tuổi đối với người nam và 14 tuổi đối với người nữ, nhưng đa số các bộ luật hiện đại đòi tuổi cao hơn.
3/ Hôn phối của những người còn bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ tự nhiên, phát sinh do một sự phối hợp trước đó, đối với người phối ngẫu và đối với con cái. Đây là sự xung khắc giữa lý và tình: chúng ta thử tưởng tượng ông A và bà B chung sống với nhau không có giá thú, và đã sinh con đẻ cái. Xét về lý thì họ không phải là vợ chồng vì chưa có giá thú; do đó ông A có quyền đi kết hôn với bà C. Tuy nhiên, xét về tình ông có những trách nhiệm đối với bà B và đối với các đứa con. Chính vì vậy, giáo luật không cho phép cử hành hôn phối giữa ông A với bà C bao lâu, chưa giải quyết ổn  thoả những nghĩa vụ tự nhiên.
4/ Hôn phối của những người đã công khai từ bỏ đức tin Công giáo. Việc cử hành hôn phối cho những người này không những có thể gây gương mù cho các tín hữu, mà nhất là có thể ảnh hưởng đến  hiệu lực của hôn lễ: thử hỏi người đã công khai từ bỏ đức tin Công giáo thì có còn chấp nhận những gì Giáo Hội tuyên bố về bản chất, yêu sách của hôn nhân hay không ?
5/ Hôn phối của những người đang bị án vạ, vì ai mắc vạ thì đương nhiên không thể cử hành và lãnh nhận bí tích.
6/ Hôn phối của vị thành niên, nếu cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý. Nên nhớ là theo giáo luật, tuổi thành niên là 18.
7/ Hôn phối qua đại nhiệm (procurator). Như chúng ta sẽ nói tới sau (đ. 1105), giáo luật chấp nhận việc cử hành qua đại nhiệm, khi các đương sự không thể có mặt tại hôn lễ được.
Khi gặp một trong các trường hợp kể trên, cha sở phải trình bày lên Bản quyền địa phương để xin giải quyết. Dĩ nhiên, khi cha sở khám phá có ngăn trở nào khác, thì cũng phải trình bày lên nhà chức trách có thẩm quyền để xin chuẩn chước.
 
Chương II
NHỮNG NGĂN TRỞ HÔN NHÂN

        Sau những điều khoản dẫn nhập về bản chất và yếu tính hôn nhân, cũng như những điều khoản bàn về mục vụ chuẩn bị hôn nhân, Bộ Giáo luật bước sang những điều kiện để việc cử hành hôn nhân được hữu hiệu. Có ba điều kiện chính:
        1. Đôi bạn không mắc ngăn trở;
        2. Họ phải bày tỏ sự thoả thuận kết hôn;
        3. Hôn lễ phải được cử hành theo thể thức luật định.
        Chúng ta bắt đầu khảo sát điều kiện thứ nhất: về những ngăn trở hôn nhân.
        Theo nghĩa rộng tất cả những gì khiến cho hôn nhân vô hiệu hay bất hợp pháp đều có thể gọi là ngăn trở hôn nhân, ví dụ như thiếu người chứng giám trong hôn lễ. Nhưng theo nghĩa chặt, thì tiếng “ngăn trở” (impedimentum) chỉ áp dụng vào những điều kiện luật đặt ra về phía bản thân của các đương sự, khiến cho họ không thể kết hôn cách hữu hiệu hay hợp pháp, chứ không áp dụng cho các điều kiện chi phối sự thoả thuận hoặc thể thức cử hành.
        Trong thiên này, giáo luật dành hai chương để nói về ngăn trở hôn nhân chương II này bàn về  ngăn trở nói chung, cho ta biết khái niệm, việc thiết lập và chuẩn chước, chương III bàn về từng thứ ngăn trở nói riêng.
        Thoạt tiên xem ra giáo luật quá phiền toái, bởi vì đòi hỏi quá nhiều điều kiện để sự kết hôn được hữu hiệu (12 ngăn trở tiêu hôn, khá nhiều hà tì về sự thỏa thuận, cộng thêm điều kiện về thể thức pháp định). Nếu so sánh với bí tích Truyền thức thì chúng ta sẽ thấy đơn giản hơn nhiều: chỉ vẻn vẹn có hai điều kiện cho hữu hiệu về phía người nhận: nam giới và đã được rửa tội.
Mục 1
CÁC NGĂN TRỞ NÓI CHUNG
I. KHÁI NIỆM VÀ PHÂN LOẠI
        Như đã nói trên đây, theo nghĩa chặt, các ngăn trở hôn nhân ảnh hưởng đến các cá nhân của đương sự, khiến cho họ không thể kết hôn hữu hiệu hay hợp pháp.
1. Xét theo ảnh hưởng
        Nếu ngăn trở ảnh hưởng đến sự hữu hiệu thì gọi là ngăn trở "tiêu hôn" (dirimens); còn nếu chỉ ảnh hưởng đến sự hợp pháp thì gọi là ngăn trở "cấm chỉ" (impediens). Trong Bộ Giáo luật hiện hành, có 12 ngăn trở tiêu hôn nói trong chương III, và chỉ có một ngăn trở cấm chỉ, nói ở điều 1124, giữa người Công giáo với người Kitô ngoài Công giáo. Đó là theo luật phổ quát ; như sẽ thấy sau, luật địa phương có thể thêm những ngăn cấm khác.
2. Xét theo nguồn gốc
Một kiểu phân loại khác, dựa trên nguồn gốc pháp lý, là ngăn trở do thiên luật (tức là dựa trên luật của Thiên Chúa) và ngăn trở do giáo luật (nghĩa là do Giáo Hội đặt ra). Sự phân biệt này có ảnh hưởng đến sự bó buộc và miễn chuẩn. Những ngăn trở thiên luật bó buộc hết mọi người, còn các ngăn trở giáo luật, chỉ bó buộc người Công giáo. Về sự miễn chuẩn, thì Giáo Hội chỉ có thể chuẩn chước những ngăn trở do mình đặt ra (ví dụ như luật độc thân của hàng giáo sĩ), chứ không thể chuẩn miễn ngăn trở do thiên luật được, ví dụ như ngăn trở giữa người cha với con gái, hoặc giữa người mẹ với con trai. Đó là nói trên nguyên tắc, chứ trên thực tế, sự phân biệt giữa hai loại ngăn trở không phải lúc nào cũng đơn giản. Theo truyền thống, ba ngăn trở sau đây được kể là thuộc thiên luật: a) Bất lực; b) dây hôn phối; c) huyết tộc theo trực hệ
3. Xét theo việc chứng minh
        Dựa trên việc có thể chứng minh ở toà ngoài hay không, điều 1074, phân biệt các ngăn trở thành công khai (publicum) hay kín đáo (occultum). Ngăn trở gọi là công khai không phải bởi vì ai nấy đều biết, nhưng vì có thể chứng minh được hoặc bằng giấy tờ hay qua nhân chứng. Nếu không có cách nào chứng minh được thì gọi là kín đáo (đ. 1074). Sự phân biệt này có ảnh hưởng đến sự miễn chuẩn như sẽ nói sau: trong trường hợp nguy tử, cha giải tội có thể miễn chuẩn ngăn trở kín đáo ở toà trong.
4. Xét theo kỳ hạn
        Sau cùng xét tới ảnh hưởng, ngăn trở gọi là vĩnh viễn khi không bao giờ chấm dứt (như ngăn trở chức thánh) hoặc tạm thời nếu có ngày chấm dứt (như ngăn trở thì thiếu tuổi).
        Ngoài ra, ngăn trở còn gọi là tuyệt đối khi ảnh hưởng đến mọi người khác phái (ví dụ: như một linh mục không thể lấy bất cứ phụ nữ nào làm vợ), còn nếu giới hạn vào một số người thì gọi là tương đối (ngăn trở họ hàng, chỉ ảnh hưởng đến một số người thân thuộc của tôi, chứ không ảnh hưởng đến tất cả mọi người). Sự phân biệt này được áp dụng cách riêng cho ngăn trở bất lực.
 
II. THIẾT LẬP NGĂN TRỞ
        1. Như đã nói trên đây, các ngăn trở thiên luật là do Thiên Chúa ấn định. Giáo Hội chỉ có thể tuyên bố và giải thích. Thẩm quyền tuyên bố thuộc về Đức Thánh Cha hay công đồng chung (đ. 1075).
        2. Đối với các ngăn trở giáo luật, thì thẩm quyền thiết lập cũng thuộc về Đức Thánh Cha hay công đồng chung. Luật địa phương và tập quán không thể thiết lập hay bãi bỏ ngăn trở hôn nhân. Tuy nhiên, dựa theo điều 1077 § 1, trong một trường hợp riêng. Bản quyền sở tại có thể cấm những người thuộc quyền mình hiện cư ngụ ở bất cứ đâu và tất cả những người hiện đang ở trong lãnh thổ riêng của mình, không được cử hành hôn phối. Sự cấm đoán ấy chỉ có tính cách tạm thời bởi một lý do quan trọng và bao lâu  lý do ấy tồn tại. Ta có thể lấy ví dụ: xét vì các bệnh nhân liệt kháng có thể gây thiệt hại cho người phối ngẫu và con cái của họ, giám mục có thể ra lệnh cấm họ kết hôn. Sự ngăn  cấm ấy chỉ ảnh hưởng đến sự hợp pháp, chứ không ảnh hưởng đến sự hữu hiệu. Duy chỉ có quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thể thêm vào điều ngăn cấm một khoản tiêu hôn.
        Trên thực tế, sự ngăn cấm này thường xảy ra trng các bản án tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Ví dụ hôn nhân giữa anh Xoài với chị Mít bị tuyên bố vô hiệu vì lý do anh Xoài thiếu trưởng thành để lãnh nhiệm hôn nhân. Trong án quyết toà có thể cấm anh Xoài tái hôn, vì e rằng bao lâu anh ta chưa có đủ trưởng thành thì các cuộc hôn  phối của anh sẽ cứ trục trặc mãi.
 
III. CHUẨN CHƯỚC NGĂN TRỞ
        Như đã nói trên đây, những ngăn trở thiên luật thì không thể chuẩn chước được. Trên thực tế, giáo luật sẽ không chuẩn chước những ngăn trở sau đây: ngăn trở vì bất lực; ngăn trở vì dây hôn phối; ngăn trở giữa những thân thuộc trực hệ; ngăn trở giữa anh chị em ruột.
        Còn những ngăn trở do Giáo Hội đặt ra thì Giáo luật phân biệt ba trường hợp khác nhau: trường hợp thông thường (1078); trường hợp nguy tử (đ. 1079); và trường hợp khẩn cấp (đ. 1080). Trong mỗi trường hợp, có những cấp bậc thẩm quyền khác nhau để chuẩn chước.
        A. Trường hợp thông thường (đ. 1078)
        Toà thánh dành quyền chuẩn chước ba thứ ngăn trở sau đây:
        1/ Ngăn trở do chức thánh (giám mục, linh mục, phó tế).
        2/ Ngăn trở do lời khấn trinh khiết trọn đời trong các dòng tu thuộc luật giáo hoàng (do đó, các dòng tu thuộc luật giáo phận, và các tu hội đời không thuộc loại này).
        3/ Ngăn trở do việc mưu sát người phối ngẫu.
        Bản quyền địa phương có thể chuẩn chước tất cả các ngăn trở khác.
        B. Trường hợp nguy tử (đ. 1079)
        Trong trường hợp nguy tử, không những Toà thánh và Bản quyền sở tại, nhưng cả các cha sở và cha giải tội cũng có thể chuẩn chước ngăn trở, theo giới hạn thẩm quyền như sau:
        1/ Toà thánh chỉ dành cho mình sự miễn chuẩn ngăn trở do chức linh mục, chứ không dành sự miễn chuẩn gnăn trở do chức phó tế, do lời khấn dòng hay do việc mưu sát người phối ngẫu. Các học giả đặt ra nghi vấn: còn ngăn trở do chức giám mục thì sao, bởi vì không thấy luật nói đến ?
        2/ Bản quyền địa phương có thể chuẩn chước tất cả các ngăn trở do giáo luật, trừ chức linh mục. Ngoài ra Bản quyền địa phương cũng có thể chuẩn chước thể thức cử hành nữa.
        3/ Nếu không thể liên lạc đến Bản quyền địa phương được, thì cha sở hay người có năng quyền chứng hôn cũng có thẩm quyền chuẩn chước như Bản quyền địa phương.
        4/ Cha giải tội chỉ có thể chuẩn chước những ngăn trở kín đáo (impedimenta occulta) ở toà trong. Như đã nói trên, ngăn trở được gọi là kín đáo khi không thể chứng minh ở toà ngoài được.
        C. Trường hợp khẩn cấp (đ.1080)
        Trường hợp này là khi khám phá ra có ngăn trở vào lúc mọi sữ đã sẵn sàng để làm lễ cưới, và nếu hoãn lại thì sẽ gây thiệt hại về vật chất hay tinh thần (ví dụ: như tốn kém tiền bạc, mất danh tiếng, nguy cơ phạm tội, v.v…) thì những người sau đây có thẩm quyền chuẩn chước:
        1/ Toà thánh dành quyền miễn chuẩn ngăn trở do chức thánh, giám mục, linh mục, phó tế, và do lời khấn trinh khiết trọn đời trong dòng tu thuộc luật giáo hoàng.
        2/ Bản quyền địa phương có quyền chuẩn chước tất cả các ngăn trở khác thuộc giáo luật.
        3/ Nếu trường hợp còn kín đáo (casus occultus), nghĩa là rất ít người biết có ngăn trở, thì cha sở hoặc người có năng quyền chứng hôn cũng có thể miễn chuẩn ngăn trở. Cha giải tội cũng được phép miễn chuẩn, nhưng chỉ có giá trị ở toà trong.
        Tóm lại, khi biết có ngăn trở về hôn phối, chúng ta hãy trình bày vấn đề  lên Bản quyền giáo phận, nghĩa là Đức Giám mục hay cha Đại diện giáo phận. Các ngài sẽ xét định có nên chuẩn chước hay không cũng như có thẩm quyền hay không.
        Việc chuẩn chước cần được ghi chú vào sổ hôn phối, để tránh những dị nghị về sau. Chỉ khi nào sự miễn chuẩn cấp trong lúc ban bí tích Giải tội thì khi không phải ghi chú, vì phải giữ ấn toà giải tội, mặt khác bởi vì nó có giá trị ở toà trong.
 
MIỄN CHUẨN NGĂN TRƠ
 

Không thể chuẩn­  1) ngăn trở thiên luật
 2) huyết tộc trực hệ
 3) anh-chị /em  
Hoàn cảnh Tòa Thánh dành Bản quyền sở tại  Cha Sở Cha giải tội
Thông thường­
 
(Đ.1078)
 1) chức thánh
 2) khấn trọn  đời trong Dòng Tòa Thánh
 3) sát phu
­­­ngăn trở do GL không dành cho Tòa thánh­    
khẩn cấp­
 
(Đ.1080)
 1) chức thánh
 2) khấn trọn đời ... ­
ngăn trở do GL không dành cho Tòa thánh ­ ngăn trở do GL không dành cho Tòa thánh nếu trường hợp kín đáo ­­­ giống như cha sở, nhưng chỉ có giá trị ­cho tòa trong
­­
nguy tử
 
(Đ.1079)
chức linh mục ngăn trở do GL không dành cho Tòa thánh, và Thể thức pháp định như Bản quyền sở tại, nếu không thể đến được ngăn trở kín đáo nhưng chỉ có giá trị cho toà trong

 
Mục 2
CÁC NGĂN TRỞ TIÊU HÔN NÓI RIÊNG
        Sau khi đã nói qua về các ngăn trở hôn nhân nói chung, chúng ta bước sang các ngăn trở tiêu hôn nói riêng, nghĩa là ngăn trở khiến cho giá thú vô hiệu. Có mười hai  ngăn trở tiêu hôn, được đề cập đến trong chương III. Đó là:
        1/ Tuổi;
        2/ Bất lực;
        3/ Dây hôn thú;
        4/ Khác biệt tôn giáo;
        5/ Chức thánh;
        6/ Lời khấn trọn đời trong dòng tu;
        7/ Cưỡng đoạt;
        8/ Cố sát phối ngẫu;
        9/ Tôn thuộc;
        10/ Hôn thuộc;
        11/ Liêm sỉ;
        12/ Dưỡng hệ.
 
        Chúng ta có thể phân chia các ngăn trở này vào bốn nhóm như sau:
        1/ Những ngăn trở thuộc bản tính hôn nhân: tuổi, bất lực, dây hôn thú
        2/ Những ngăn trở thuộc tính cách tôn giáo: khác tôn giáo, chức thánh, dị giáo
        3/ Những ngăn trở do tội phạm: cưỡng đoạt, cố sát phối ngẫu
        4/ Những ngăn trở do họ hàng thân thích: tôn thuộc, hôn thuộc, liêm sỉ, dưỡng hệ.
        Bộ giáo luật hiện hành đã bỏ ngăn trở họ hàng thiêng liêng (giữa tác viên rửa tội với người được rửa tội).
        Một số ngăn trở vừa nói cũng gặp thấy trong các bộ dân luật, nhưng chắc chắn có ba thứ ngăn trở chỉ có trong giáo luật, đó là: khác biệt tôn giáo, chức thánh, lời khấn dòng.
        Trong bộ luật của Việt Nam, ta có thể kể ra sáu ngăn trở sau đây (không có bản danh mục rõ ràng), dựa theo các điều 9-10:
        1/ Tuổi (20/18)
        2/ Đang có giá thú
        3/ Mất năng lực hành vi dân sự
        4/ Trực hệ, và trong phạm vi họ ba đời
        5/  Dưỡng hệ
        6/ Cùng giới tính
 
1. Tuổi (đ. 1083)
§1. Người nam chưa đủ 16 tuổi, người nữ chưa đủ 14 tuổi, không thể kết hôn hữu hiệu.
§2. Hội đồng Giám mục có quyền ấn định tuổi lớn hơn để kết hôn hợp pháp.
Trong khi duyệt lại Bộ Giáo luật, nhiều học giả đã yêu cầu nâng tuổi tối thiểu để thành hôn lên 18 tuổi, như đa số các bộ dân luật hiện đại.
        Tuy nhiên, Ủy ban soạn thảo nói rằng một đàng bộ Giáo luật có tầm mức áp dụng phổ quát, nên cần lưu ý cả đến những vùng có tục lệ tảo hôn; đàng khác, xét vì hôn phối là một quyền tự nhiên, nên không có lý do gì hạn chế một khi đương sự đã đạt tới sự trưởng thành. Trên thực tế, ở đây chúng ta cần hiểu về sự trưởng thành sinh lý, vào tuổi 16 về phía người nam và 14 về  phía người nữ. Còn sự trưởng thành tâm lý để đảm nhận trách nhiệm hôn nhân và gia đình là chuyện khác như chúng ta sẽ nói sau khi bàn về sự thoả thuận.
        Trong triệt 2, nhà lập pháp cho phép Hội đồng Giám mục ấn định tuổi cao hơn, dựa theo tập tục hay luật lệ địa phương. Tuy nhiên, luật địa phương chỉ ảnh hưởng đến sự hợp pháp, chứ không ảnh hưởng đến sự thành hiệu. Ngăn trở về tuổi tác có thể được miễn chuẩn, dĩ nhiên là sau khi đã cân nhắc các hoàn cảnh khác,  nhất là dân luật quốc gia (ở Việt Nam, nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi). Đó là nói trên nguyên tắc. Trên thực tế, dĩ nhiên cha sở hay người hữu trách phải cân nhắc các hoàn cảnh, kể cả ý kiến của cha mẹ đôi bên, để tránh tan vỡ hôn nhân do sự thiếu trưởng thành. Nên lưu ý, giáo luật tính tuổi dựa vào ngày sinh chứ không dựa vào ngày đầu năm như tục lệ Việt Nam. Do đó, một người sinh ngày 1 tháng 12 năm 1990 thì chỉ tính một tuổi trọn vào ngày 2 tháng 12 năm 1991.
        Tưởng cũng nên biết rằng, nếu hôn nhân vô hiệu vì một trong hai người thiếu tuổi, thì về sau không tự động trở nên hữu hiệu khi người ấy đến tuổi luật định. Cần phải xin phép chuẩn để được hợp thức hoá.
2. Bất lực (đ. 1084)
§1. Bất lực để giao hợp, có trước khi kết hôn và vĩnh viễn về phía người nam hoặc về phía người nữ, tuyệt đối, dù tương đối, tự bản tính của nó khiến cho hôn phối vô hiệu.
§2. Nếu ngăn trở bất lực có tính cách hoài nghi, dù hoài nghi về luật, hay về sự kiện, thì không nên ngăn cản hôn phối hay tuyên bố vô hiệu bao lâu còn hoài nghi.
§3. Sự son sẻ không ngăn cấm cũng không tiêu hủy hôn phối, đừng để qui định của điều 1098.
Ngăn trở tiêu hôn thứ hai là sự bất lực. Tuy nhiên cần phải xác định  ý nghĩa cửa từ “bất lực” dùng trong giáo luật. Sự bất lực xảy ra khi giữa vợ chồng không thể thực hiện hành vi giao hợp được; nói khác đi, bất lực hiểu là bất khả giao hợp. Học lý cũng như án lệ đã đòi hỏi những điều kiện sau đây để có thể thực hiện sự giao hợp:
        a) Về phía người nam, cần phải có dương vật; kế đến, dương vật có thể cương lên (erectio) và đưa vào âm đạo của người phụ nữ, và tiết tinh dịch ở đó.
        b) Về phía người nữ, cần phải có âm đạo (vagina) và có thế tiếp nhận dương vật của người nam.
        Như thế, sự bất lực xảy ra khi người nam không có dương vật, hoặc không cương lên và không thể nhập vào âm đạo được; còn về phía người nữ, thì hoặc không có âm đạo, hoặc co rút lại không thể tiếp nhận dương vật. Sự bất lực có thể bắt nguồn từ nguyên nhân thể lý (ví dụ  như thiếu cơ quan từ khi mới sinh ra hay do tai nạn, hoặc đã cắt xén bộ phận), nhưng cũng có thể do nguyên nhân tâm lý.
        Sự bất lực có thể là tuyệt đối, nghĩa là khi không thể giao hợp với bất cứ người nào khác phái, hoặc là tương đối, nếu không thể giao hợp đối với một người hay một số người nào thôi. Ví dụ như ông A không thể giao hợp được với bà B vì âm đạo của bà quá nhỏ: đó là trường hợp tương đối, còn nếu ông thiếu dương vật, thì trở thành bất lực tuyệt đối.
        Theo giáo luật, sự bất lực dù là tuyệt đối hay tương đối, cũng đều làm cho hôn thú vô hiệu từ bản tính, nếu sự bất lực (a) xảy ra trước khi kết hôn (chứ không do một tai nạn  sau ngày thành hôn), và (b) có tính cách vĩnh viễn (nghĩa là không cách nào chữa trị được). Vì ngăn trở này nằm trong bản chất của hôn nhân nên không thể được miễn chuẩn. Nên lưu ý là ngăn trở này có trước khi kết hôn, nhưng chỉ khám phá sau khi đã lấy nhau (và ăn nằm với nhau).
        Triệt 2 nói rằng nếu sự bất lực không chắc chắn, nhưng chỉ có tính cách hoài nghi mà thôi, thì không làm cho hôn nhân vô hiệu, và do đó không nên ngăn cản kết hôn. Trong học lý hiện đại, trường hợp cụ thể nhất là cuộc tranh luận xem tinh dịch do dương vật tiết ra có cần phải chứa tinh trùng hay không. Các án lệ thay đổi luôn, vì có ý kiến khác nhau; cho đến mãi tới năm 1977, bộ  Giáo lý Đức tin mới quyết định rằng không cần phải có tinh trùng. Do đó những người nam đã bị triệt sản, vẫn có thể kết hôn hữu hiệu.
        Tóm lại, sự bất lực làm cho hôn nhân vô hiệu khi vợ chồng không thể giao hợp với nhau. Giáo luật gọi là bất khả giao hợp (impotentia coeundi). Còn sự son sẻ (không thể sinh con – impotentia generandi) thì không làm cho hôn nhân vô hiệu, trừ khi nào có sự lường gạt, như sẽ đề cập tới ở điều 1098 trong phần bàn nói về sự thoả thuận hôn nhân.
        Lưu ý: Như vậy, khái niệm bất lực trong giáo luật khác với khái niệm thường thức. Mặt khác, nhiều bộ dân luật (thí dụ ở Việt Nam) không coi sự bất lực như là một ngăn trở hôn nhân.
3. Dây hôn phối (đ. 1085)
§1. Người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, cho dù chưa hoàn hợp, không thể kết hôn hữu hiệu.
§2. Cho dù hôn phối trước vô giá trị hay bị đoạn tiêu vì bất cứ lý do nào, nhưng không thể vì thế mà được phép kết hôn lại khi chưa biết chắc chắn và hợp lệ sự vô hiệu hoặc sự đoạn tiêu của hôn phối trước.
Ngăn trở này là hậu quả của tính cách duy nhất và bất khả ly của hôn nhân. Một khi đã lập hôn thú rồi, thì phải chung tình với người phối ngẫu cho đến chết. Ngoài sự chấm dứt giá thú vì lý do tự nhiên này, giáo luật còn dự trù hai trường hợp khác nữa.
        a) Khi hôn nhân bị toà án tuyên bố vô hiệu. Dĩ nhiên, nếu giá thú bị tuyên bố vô hiệu, thì theo pháp lý, hai người không phải là vợ chồng thực, do đó họ có quyền kết hôn với người khác.
        b) Trường hợp thứ hai là dây hôn thú tuy thành hiệu, nhưng được miễn chuẩn do thẩm quyền tối cao của Giáo Hội: đó là trường hợp miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp (đ.1142); hoặc vì đặc ân đức tin (đ. 1143-1149), như chúng tôi sẽ nói sau. Sau khi dây hôn phối được tháo gỡ, thì có thể thiết lập giá thú khác.
        Đó là nói trên nguyên tắc. Trên thực tế, chúng ta gặp những trường hợp bi đát hơn nhiều. Ví dụ như trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, không biết chắc người phối ngẫu còn sống hay đã chết; hoặc trong những trường hợp biết chắc là hôn nhân vô hiệu vì  bị cưỡng ép, nhưng không thể trưng dẫn bằng chứng để xin toà án Giáo Hội tuyên bố vô hiệu. Gặp những hoàn cảnh ấy, thì phải xử thế nào ? Chúng tôi chỉ nêu lên vấn đề, chứ không đề ra giải đáp ở đây. Trong Tông huấn về Đời sống gia đình số 84, Đức Gioan Phaolô II đã lưu ý các vị chủ chăn haỹ cân nhắc từng hoàn cảnh một. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi  bàn về việc tháo gỡ dây hôn phối.
4. Khác biệt tôn giáo (đ. 1086)
§1. Hôn phối cũng vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giaó hội Công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội Công giáo [và chưa công khai bỏ Giáo Hội], với một người không rửa tội.
§2. Không được chuẩn ngăn trở này nếu chưa chu toàn những điều kiện nói đến trong các điều 1125 và 1126.
§3. Nếu vào lúc kết hôn, một bên vốn được coi là đã rửa tội hoặc có hoài nghi về việc rửa tội, thì dựa vào điều 1060, hôn phối phải được suy đoán là hữu hiệu cho đến khi nào chứng minh được cách chắc chắn là một bên đã rửa tội và một bên không được rửa tội.
Lưu ý. Bản văn của khoản một đã được Đức Beneđictô XVI sửa đổi (Motu proprio "Omnium in mentem' ngày 26/10/2009, bãi bỏ phần đặt trong ngoặc [và chưa công khai ... Giáo Hội]
Những ngăn trở về tuổi, bất lực, dây hôn phối, phần nào dựa trên luân lý về đời sống hôn nhân và gia đình, và có thể gặp thấy ở nhiều bộ dân luật hay tục lệ. Ba ngăn trở về dị giáo, chức thánh, lời khấn dòng chỉ gặp thấy trong Bộ Giáo luật, nhằm bảo vệ một số giá trị riêng của Kitô giáo.
        Điều 1086 nói rằng người công giáo (nghĩa là đã được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo, hay được rửa tội trong Giáo Hội khác nhưng sau đó trở về với Công giáo), không thể kết hôn hữu hiệu với người chưa được rửa tội.
Chúng ta cần phân biệt hai trường hợp khác nhau:
        a) Giữa người công giáo với người chưa được rửa tội ; hôn nhân giữa hai người sẽ vô hiệu vì có ngăn trở tiêu hôn.
        b) Giữa người Công giáo với người được rửa tội (nghĩa là Kitô giáo), nhưng ở ngoài Giáo Hội Công giáo, hôn nhân giữa hai người ấy bất hợp pháp, nhưng hữu hiệu, bởi vì chỉ là ngăn trở cấm chỉ nói ở điều 1124.
        Mục đích của sự ngăn cấm hôn nhân với người khác tôn giáo nhằm bảo vệ đức tin của người Công giáo. Nhiều người lầm tưởng rằng trong hôn nhân chỉ có tình yêu là quan trọng, chứ tôn giáo đâu có ảnh hưởng gì. Nhưng trên thực tế, người Công giáo  có thể gặp trở ngại trong việc giữ đạo nếu người bạn hoặc gia đình của họ làm khó dễ, hoặc không cho phép giáo dục con cái theo Công giáo. Ngoài ra tôn giáo ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc vợ chồng: sự khác biệt về tôn giáo có thể đưa đến sự khác biệt về quan niệm hôn nhân và gia đình, ví dụ như một tôn giáo cho phép đa thê hoặc cho phép ly dị dễ dàng ắt sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho sự vững bền của hôn thú về phía người Công giáo. Sự thông hiệp giữa vợ chồng chưa thể nói là trọn vẹn khi họ không thể san sẻ cho nhau niềm tin của họ, là bí quyết hạnh phúc của cả đời họ.
        Ngăn trở này có thể được miễn chuẩn, miễn là giữ các  thủ tục về hôn nhân dị giáo, như chúng ta sẽ xét sau trong các điều 1125-1129.
5. Chức thánh (đ. 1087)
        Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn hữu hiệu.
        Nên nhớ là chúng ta đang phân tích Bộ Giáo luật Latinh, bởi vì Bộ Giáo luật Đông phương quy định về hôn thú của các giáo sĩ hơi khác.
        Chúng ta biết rằng có ba chức thánh ; phó tế, linh mục, giám mục. Một khi đã lãnh chức thánh, thì không thể kết hôn được nữa.
        Nói cụ thể hơn, nếu một người đã kết bạn và sau đó lãnh chức phó tế vĩnh viễn, thì không thể tái giá nếu chẳng may vợ qua đời. Còn phó tế độc thân cũng như linh mục và giám mục thì không thể kết bạn được.
        Tuy nhiên, đây là một ngăn trở thuộc giáo luật (kể từ công đồng Latêranô II năm 1139) chứ không thuộc thiên luật, nên có thể được miễn chuẩn, tuy hơi khó. Dựa theo thông tư của Bộ Kỷ luật bí tích (ngày 6/6/1997), điều kiện để được miễn chuẩn là: a) nếu là linh mục: trên 40 tuổi; hoặc người đã kết hôn dân sự và lâm vào cảnh nguy tử; b) nếu là phó tế vĩnh viễn: có con thơ cần được mẹ nuôi dưỡng; cần giúp cha mẹ riêng hoặc cha mẹ vợ đã già.
        Trong trường hợp thông thường, cần phải xin Tòa thánh miễn chuẩn, qua bộ Kỷ luật bí tích. Trong trường hợp nguy tử Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn các phó tế, nhưng không thể chuẩn cho các linh mục.
        Hôn nhân của các giáo sĩ không những vô hiệu, mà còn mang theo nhiều vạ khác nơi các điều 694 §1 và 1394 §1.
        Dĩ nhiên, nếu ai được truyền chức vô hiệu thì cũng không mắc ngăn trở.
6. Khấn dòng (đ.1088)
        Những người đã gia nhập vào một dòng tu bằng lời khấn công khai giữ khiết tịnh trọn đời cũng không thể kết hôn hữu hiệu.
        Giữa bộ luật cũ và bộ luật hiện hành có sự thay đổi về ngăn trở hôn nhân do lời khấn dòng. Trong bộ luật cũ, chỉ có những người đã khấn trọng thì mới mắc ngăn trở tiêu hôn; còn những người khấn đơn, tuy vĩnh viễn, thì chỉ mắc ngăn trở cấm chỉ. Bộ Giáo luật hiện hành qui định rằng tất cả những người đã tuyên khấn khiết tịnh trọn đời trong các dòng tu, bất luận là khấn đơn hay khấn trọng, đều mắc ngăn trở tiêu hôn. Nói khác đi, theo bộ luật cũ, tất cả các nữ tu ở Việt Nam có thể kết hôn hữu hiệu, vì theo chỗ chúng tôi biết, không có dòng nào có lời khấn trọng cả (có lẽ trừ dòng kín Camêlô). Nhưng theo bộ luật hiện hành các nữ tu ấy, sau ngày khấn trọn đời, không thể kết hôn hữu hiệu nữa.
Những phần tử của các tu hội đời, hay các tu đoàn tông đồ không bị chi phối bởi điều luật này.
        Đây là ngăn trở thuộc giáo luật chứ không thuộc thiên luật, nên có thể chuẩn chước. Trong trường hợp thông thường, Bản quyền địa phương chỉ có thể chuẩn chước cho các tu sĩ thuộc dòng giáo phận; các tu sĩ thuộc dòng giáo hoàng phải làm đơn lên Toà thánh. Trong trường hợp nguy tử, Bản quyền địa phương có thể chuẩn chức cả cho các tu sĩ thuộc dòng giáo hoàng. Tu sĩ nào kết hôn bất hợp pháp sẽ bị chế tài theo các điều 694 §1 và 1394 §2.
7. Cưỡng đoạt (đ. 1089)
        Hôn phối sẽ vô giá trị giữa người nam với người nữ bị bắt  cóc hay ít ra bị giam giữ để ép buộc kết hôn, trừ khi nào sau đó, người nữ được thả ra ở một nơi an ninh và tự do, đã tự ý lựa chọn kết hôn.
        Đằng sau điều luật này là cả một trang lịch sử của những người có tiền có của, hoặc có quyền thế, đã bắt ép những cô gái mà họ ưa thích về làm vợ. Nhà lập pháp đặt ra ngăn trở tiêu hôn nhằm bãi trừ hủ tục ấy. Ngăn trở này chấm dứt khi người thiếu nữ được trả tự do, về nơi an toàn, và tự do chấp nhận kết hôn. Nên biết là ngăn trở cưỡng đoạt không được đặt ra trong những hoàn cảnh sau đây:
        a) Nếu chàng trai là nạn nhân bị bắt cóc, thì không áp dụng ngăn trở này, bởi vì nhà lập pháp chỉ dự trù việc bảo vệ người nữ. Nếu muốn, về sau anh có thể xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu vì bị cưỡng ép, thiếu tự do, là một hà tì của sự ưng thuận (vice de consentement) nói ở điều 1103.
        b) Nếu cô gái thông đồng với người yêu để tổ chức một cuộc bắt cóc giả, ngõ hầu thoát ly gia đình, thì vấn đề cũng không được đặt ra, bởi vì chính cô tổ chức cuộc bắt cóc mình.
        c) Nếu cô gái bị bắt cóc vì lý do chính trị hay nhằm tống tiền ông bố; thế rồi trong thời gian bị tù, cô đâm ra yêu người đã bắt cóc cô, thì vấy đề cũng không được đặt ra, xét vì nguyên nhân của sự bắt cóc không phải là để ép cô kết hôn.
8. Mưu sát phối ngẫu (đ. 1090)
§1. Kẻ nào, với chủ ý kết hôn với một người nào đó, đã gây ra tử vong cho người phối ngẫu của người đó hay cho người phối ngẫu của mình, thì hôn phối với người đó sẽ vô hiệu.
§2. Cả những người đã công tác một cách thể lý hay luân lý để giết người phối ngẫu, cũng không thể kết hôn với nhau cách hữu hiệu.
Hầu như các bộ luật và hình luật đều dự trù trường hợp âm mưu giết vợ hay chồng của mình hay của tình nhân, để có thể lập gia đình với người này. Ngoài những trách nhiệm luân lý do tội ác gây ra, Bộ Giáo luật còn muốn ngăn cản tận gốc những trường hợp ấy, bằng cách tuyên bố vô hiệu những  cuộc hôn nhân tiếp theo một cuộc mưu sát phối ngẫu. Nhà lập pháp dự trù hai hoàn cảnh, dù có đồng loã hay không đồng loã. Tình huống thứ nhất nói ở triệt 1, không có sự đồng loã,: một người toan tính giết bạn mình hay bạn của tình nhân với ý định để cưới người ấy, cho dù tình nhân không biết gì đến mưu toan ấy: hôn nhân với người tình vẫn vô hiệu! Tình huống thứ hai, ở triệt 2, hai người đồng lõa với nhau để giết một người phối ngẫu, cho dù họ không có ý định lấy nhau; tuy nhiên về sau giả như họ có muốn lấy nhau thì hôn nhân cũng vô hiệu.
        Đây là một ngăn trở do luật Giáo Hội, nhưng trong trường hợp thông thường cần phải xin Tòa thánh chuẩn miễn.
        Thật khó mà nói đã bao nhiêu lần xảy ra trường hợp mưu sát phối ngẫu với ý định kết hôn. Trách nhiệm luân lý trước mặt Chúa là một đàng; nhưng chứng minh được ở toà án là chuyện khác, và chắc là không dễ.
 
        Trước khi đề cập đến bốn ngăn trở cuối cùng, phát sinh từ những liên hệ thân thích họ hàng, tưởng nên biết là cách tính cấp bậc họ hàng được đề cập đến ở điều 108. Giữa bộ luật cũ với bộ luật hiện hành có sự thay đổi về lối tính cấp bậc, tuy cả hai đều dựa vào cổ luật Tây phương (cổ luật Đức và cổ luật La Mã). Khỏi nói ai cũng đoán được, cách tính ấy không hoàn toàn giống cách tính họ với đời theo tục lệ ở Đông phương. Trong bài trình bày ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng diễn tả các liên hệ qua các danh từ quen dùng ở miền Nam Việt Nam, ví dụ như: bác, chú, cô, về họ nội (tức là anh, chị em của cha); cậu, dì về họ ngoại (tức là anh em chị em của mẹ).
        Một sự phân biệt đáng để ý trong giáo luật là trực hệ và bàng hệ. Thực hệ hay hàng dọc, là liên hệ do sự sinh sản, từ ông bà, cha mẹ đến con cái cháu chắt. Bàng hệ hay hàng ngang là liên hệ do cùng cha mẹ tổ tiên, ví dụ như anh chị em với nhau, hoặc giữa chú bác cô cậu với nhau.
        Chúng ta xét trước tiên đến liên hệ về huyết tộc, hoặc thân thuộc.
9. Thân thuộc (đ. 1091)
§1. Trong trực hệ, hôn phối giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên đều là vô hiệu.
§2. Trong bàng hệ, hôn phối vô hiệu cho đến hết cấp thứ bốn.
§3. Ngăn trở về huyết tộc không phân cấp.
§4. Không bao giờ được phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên có cùng liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.
Hôn nhân bị cấm ở trong những liên hệ huyết tộc sau đây:
        a) Hàng dọc, cấm kết hôn giữa hết mọi cấp: ví dụ như cha với con gái, mẹ với con trai, ông với cháu gái, bà với cháu trai. Không bao giờ có thể miễn chuẩn ngăn trở hàng dọc, cho dù là con chính thức hay con riêng (tư sinh) ngoại hôn. Các nhà luân lý cho rằng liên hệ hàng dọc thuộc về luật tự nhiên, nên không thể chuẩn chước được.
        b) Trong hàng ngang, tuyệt đối cấm hôn nhân giữa anh chị em với nhau, dù là đồng phụ mẫu, hay là cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha (2 cấp). Ngăn trở này không thể chuẩn chước, không những vì lý do luân lý nhưng còn về lý do y tế nữa. Ngoài ra cũng cấm kết hôn, tuy có thể miễn chuẩn, giữa cô dì với cháu trai; chú bác cậu với cháu gái (3 cấp), anh chị em con chú con bác, con cậu con cô con dì (4 cấp); ông chú ông bác ông cậu với cháu gái; bà cô bà dì với cháu trai (4 cấp).
        *** Luật Việt Nam cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: anh chị em cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì.
10. Hôn thuộc (đ.1092).
        Hôn thuộc theo trực hệ dù ở cấp bậc nào cũng tiêu hủy hôn phối.
        Hôn thuộc là dây liên hệ họ hàng do hôn nhân tạo ra. Bộ Giáo luật hiện hành đã đơn giản ngăn trở do hôn thuộc. Hôn nhân chỉ bị cấm giữa hôn thuộc trực hệ, nghĩa là giữa người đàn ông với bà nội bà ngoại, mẹ, con cháu gái nội ngoại của vợ; hoặc giữa người đàn bà với ông nội ông ngoại, cha con cháu trai nội ngoại của chồng. Trong bàng hệ (anh chị em rể hay dâu, chú bác cô dì rể hay dâu), hôn thuộc không làm thành ngăn trở hôn nhân. Nên biết, ngăn trở hôn thuộc chỉ xảy ra giữa đương sự với trực hệ nhà chồng hay nhà vợ, chứ không ảnh hưởng đến những phần tử khác của gia đình. Thí dụ, khi anh Cam lấy chị Quít, thì chỉ có anh ấy mắc ngăn trở với gia đình của chị Quít thôi, chứ còn anh chị em của anh ấy không có liên hệ gì với chị ấy hết. Do đó, em trai của anh có thể  lấy chị, em hoặc con gái của chị Quít được.
        Ngăn trở này có thể được miễn chuẩn.
11. Liêm sỉ (đ.1093)
        Ngăn trở về liêm sỉ phát sinh từ hôn phối vô hiệu sau khi đã sống chung, hoặc tư tình công khai và hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hủy hôn phối trong trực hệ ở cấp thứ nhất, giữa người nam với những người có liên hệ huyết tộc với người nữ, hay ngược lại.
        Chúng tôi dịch tiếng “liêm sỉ” từ tiếng La-tinh “publica honestas”. Học lý còn gọi là “bán hôn thuộc”. Ngăn trở này phát sinh do hôn nhân vô hiệu sau khi hai người đã sống chung với nhau; hoặc do việc hai người nam nữ sống chung với nhau một cách công khai, mà không lập hôn thú. Do đó, ngăn trở này khác với hôn thuộc ở chỗ hai người nam nữ không hề lập giá thú hay giá thú của của họ vô hiệu; trong khi ngăn trở hôn thuộc bắt nguồn từ giá thú thành hiệu. Theo giáo luật, hôn nhân sẽ vô hiệu giữa người đàn ông với mẹ hay con gái của người đàn bà; hoặc giữa người đàn bà với cha và con trai của người đàn ông.
12. Dưỡng hệ (đ.1094)
Hôn phối vô hiệu giữa những người thân thuộc do dưỡng hệ đã được pháp luật nhìn nhận, trong trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ.
Ngăn trở về dưỡng hệ phát sinh do việc lập con nuôi được pháp luật nhìn nhận. Ngày nào dưỡng hệ bị đoạn tiêu thì dĩ nhiên ngăn trở cũng hết, và ở đâu pháp luật không nhìn nhận việc lập con nuôi thì ngăn trở này không được đặt ra.
Ngăn trở về dưỡng hệ chi phối trực hệ cũng như bàng hệ.
a) Về trực hệ, hôn nhân sẽ vô hiệu giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, cũng như với ông bà cha mẹ con cháu của người con nuôi.
b) Về bàng hệ, hôn nhân sẽ vô hiệu giữa những người con nuôi của cùng dưỡng phụ hay dưỡng mẫu (nghĩa là giữa anh chị em nuôi); hôn nhân vô hiệu giữa những người con nuôi với người con ruột của người đứng nuôi.
Lưu ý. Về dưỡng hệ và hôn thuộc, Luật Việt Nam cũng quy định như sau: Cấm kết hôn "giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng" (đ.10, số 4)
 
Chương III
SỰ THỎA THUẬN HÔN NHÂN

Để hôn nhân được thành hiệu, cần phải có ba điều kiện: a) hai người nam nữ không mắc ngăn trở; b) họ phải bày tỏ ý muốn kết hôn; c) việc bày tỏ ý định kết hôn phải tuân theo thể thức pháp định. Sau khi đã nghiên cứu các ngăn trở hôn nhân nói chung và nói riêng, tức là điều kiện thứ nhất, chúng ta bước sang điều kiện thứ hai: sự  thỏa thuận kết hôn.
Trong khi giáo luật dự trù sự chuẩn chước các ngăn trở hoặc thể thức cử hành, nhưng khi đề cập đến sự thỏa thuận, thì điều 1057, §1, nói rằng không một quyền lực nhân loại nào có thể thay thế hay miễn chuẩn, xét vì nó là yếu tố cấu thành hôn nhân.
Trong chương 4, từ điều 1095 đến điều 1107, giáo luật bàn đến những yếu tố căn bản của sự ưng thuận hôn nhân, cũng như những hà tì của nó, nghĩa là những khuyết điểm khiến cho sự ưng thuận bất thành.
Trong sự ưng thuận hôn nhân, chúng ta có thể phân biệt hai cấp độ như sau: cấp thứ nhất, xét như là một hành vi nhân linh nói chung, nghĩa là một hành vi của chủ thể có ý thức và tự do; cấp thứ hai, xét như là một hành vi nhân linh nói đặc thù là hôn nhân. Những điều này xem ra chi ly phiền toái, nhưng thực ra đó là những "cửa an toàn" đề phòng khi trục trặc có thể xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu.
Xét theo cấp độ thứ nhất (như là một hành vi ý thức và tự do), phàm ai thiếu ý thức và tự do thì cũng không thể thực hiện sự ưng thuận kết hôn được: chẳng hạn như người đần độn, mất trí (thiếu ý thức), hoặc người bị cưỡng bách bằng vũ lực (thiếu tự do).
Xét theo cấp độ thứ hai (như là một hành vi với đối tượng đặc thù là sự kết hôn), nhà lập pháp đòi hỏi một số điều kiện khác nữa: không những chỉ cần có ý thức và tự do, nhưng cần phải có khả năng đảm nhận những trách nhiệm của đời sống hôn nhân, nghĩa là trao thân cho nhau đến mãn đời, nhằm thiện ích của đôi bạn cũng như nhằm đến việc sinh sản và giáo dục con cái. Do đó, ai không có khả năng đảm nhận trách nhiệm ấy thì cũng không thể ưng thuận kết hôn hữu hiệu, như ta đọc thấy ở điều 1095:
Những người sau đây không có khả năng kết hôn:
10. Những người thiếu sử dụng trí khôn một cách vừa phải
20. Những người thiếu sót trầm trọng trong sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân
30. Những người, vì lý do tâm lý, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân.
Nên lưu ý là ở điểm thứ nhất, giáo luật không nói là người thiếu trí khôn (như người đần độn, ngu si), nhưng là thiếu khả năng sử dụng trí khôn cách đầy đủ. Điểm thứ hai và thứ ba thì nói đến những khuyết điểm khiến cho đương sự không đạt được sự trưởng thành tâm lý để đảm nhận những trách nhiệm của đời hôn nhân, chẳng hạn, người có tính tình hay thay đổi thì khó lòng mà nói đến khả năng sống chung thủy với người bạn trăm năm; hoặc người mang tật đồng tính luyến ái thì làm sao cho trao thân hoàn toàn cho người chồng hay vợ mình được. Dù sao, ở đây giáo luật chỉ phát biểu nguyên tắc, cần phải theo dõi án lệ giải thích và áp dụng vào những trường hợp tâm bệnh.
Sau khái niệm về sự thỏa thuận như vậy, chúng ta sẽ phân tích từng thành tố cấu tạo sự thỏa thuận: thứ nhất, về sự hiểu biết; thứ hai, về ý muốn; và thứ ba, về sự bày tỏ ý định.
Giáo luật bàn khá chi tiết về sự thỏa thuận hôn nhân, khác với luật của Việt Nam chỉ có một khoản (điều 9, số 2): "Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở".
 
I. SỰ HIỂU BIẾT VỀ HÔN NHÂN
Sau khi giả thiết rằng đương sự đã biết sử dụng trí khôn, nhà lập pháp còn đòi hỏi họ phải biết ít  nhất là ba điều sau đây:
1. Theo điều 1096 §1, cần phải biết hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn (consortium permannens) giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó. Nói khác đi, đương sự phải biết rằng lấy vợ lấy chồng không phải chỉ là bắt bồ để thỉnh thoảng dẫn nhau đi dạo chơi, nhưng là để sống chung với nhau và gây dựng con cái qua việc giao hợp. Triệt 2 suy đoán rằng, sau tuổi dậy thì (nghĩa là 14 về phía con trai, và 12 về phía con gái), thì ai cũng biết điều đó rồi. Tuy nhiên cũng có thể chứng minh ngược lại, tựa như một cô bé mồ côi cha mẹ, lớn lên trong một cô nhi viện do các tu sĩ trông nom, và không bao giờ nghe nói đến đời sống vợ chồng.
2. Thứ hai, cần phải biết những đặc tính của hôn nhân Công giáo: duy nhất, bất khả ly, bí tích.
3. Thứ ba, cần phải biết căn cước của người bạn của mình: không những phải biết rõ hình dạng con người bằng xương thịt, nhưng còn biết những cá tính đặc thù của người ấy nữa.
Nếu thiếu một trong ba điều vừa nói, thì đương sự coi như thiếu hiểu biết để có thể thỏa thuận kết hôn. Học lý gọi khuyết điểm về sự hiểu biết là sự lầm lẫn (error). Sự lầm lẫn có thể do vô tri (ignorantia) hay do sự lường gạt (dolus). Tuy nhiên không phải sự lầm lẫn nào cũng khiến cho sự ưng thuận vô hiệu; nhà lập pháp chỉ xét đến vài trường hợp trầm trọng mà thôi.
a) Sự lầm lẫn
1/ Sự lầm lẫn về đặc tính duy nhất hay bất khả phân ly, hoặc về tính cách bí tích của hôn nhân sẽ không làm sự ưng thuận hôn nhân bị hà tì, miễn là sự lầm lẫn ấy không chi phối vào ý muốn (đ.1099). Thí dụ: một người lấy vợ, mà lầm tưởng rằng đạo Công giáo cho phép ly dị, thì hôn nhân của anh vẫn thành hiệu. Tuy nhiên, nếu sự lầm tưởng ấy có ảnh hưởng đến ý muốn, nghĩa là nếu anh ta quyết định rằng lấy vợ thứ đôi ba năm xem sao; nếu chịu được thì tiếp, còn nếu không hợp thì ly dị và lấy bà khác. Trong trường hợp này, sự lầm lẫn không còn nằm thuần túy ở cấp độ lý trí nữa, nhưng đã bước sang ý muốn, và do đó khiến cho hôn nhân vô hiệu, như chúng ta sẽ thấy sau.
2/ Sự lầm lẫn về thể nhân làm cho hôn phối vô hiệu (đ.1097 §1). Thí dụ: anh Xoài muốn lấy chị Cam; đến ngày rước dâu, người ta đánh tráo đưa cô Quít em gái của chị cho anh.
3/ Sự lầm lẫn về một tư cách của thể nhân, cho dù là nguyên nhân kết ước, không làm cho hôn phối vô hiệu, trừ khi tính chất này được nhằm đến cách trực tiếp và chính yếu (đ.1097 §2). Dĩ nhiên, khi đi lấy vợ lấy chồng, người ta không nhằm đến hình thù bên ngoài mà thôi, nhưng còn nhằm đến những tính khác nữa: từ dung nhan cho đến cách đi đứng, lẫn tư cách tâm lý và luân lý. Không thiếu những trường hợp lấy nhau rồi mới thấy vỡ mộng; vì vậy, nếu cho phép đem hết những chuyện vỡ mộng ra tòa thì e rằng việc xét xử không bao giờ xuể. Bởi thế, nhà lập pháp tuyên bố rằng sự lầm lẫn về tư cách chỉ ảnh hưởng đến sự hữu hiệu khi được nhằm đến cách trực tiếp và chính yếu, đến nỗi nói được là ảnh hưởng đến chính căn cước của người đó. Chẳng hạn: chị Cam muốn lấy anh Bưởi vì tưởng rằng anh ấy là bác sĩ; chị muốn lấy một bác sĩ hơn là lấy anh Bưởi; do đó nếu anh Bưởi là bác sĩ giả, thì sự ưng thuận của chị bị hà tì.
b) Sự lường gạt
Trong sự lầm lẫn thông thường, phán đoán của lý trí bị sai lệch vì thiếu hiểu biết, thiếu tin tức. Còn trong sự lường gạt, thì lý trí bị sai lệch do sự gian trá của người khác. Vì vậy, nhà lập pháp tỏ ra thông cảm với đương sự hơn, khi quyết định trong điều 1098 rằng: ai kết hôn do một sự lường gạt được bày ra vì mưu chước để cho mình ưng thuận, nếu sự lường gạt ấy liên hệ đến một tư cách của người bạn, mà tự nó, tư cách này có thể làm phiền nhiễu nặng nề cuộc sống chung của vợ chồng, thì sự kết hôn vô hiệu.
Trong sự lầm lẫn thông thường, sự thỏa thuận chỉ vô hiệu nếu liên can đến một tư cách chi phối căn cước của một người. Nhưng khi sự lầm lẫn gây ra do mưu mô gian trá, dù là do chính người phối ngẫu hoặc là do người đệ tam gây ra, thì sự thỏa thuận sẽ vô hiệu khi liên quan đến một tư cách tự bản chất làm phiền hà trầm trọng cho đời sống chung. Ta có thể lấy thí dụ như một người giấu diếm thành tích bất hảo của mình, đang bị pháp luật truy nã, để lường gạt bà vợ của mình, khiến cho bà phải lâm cảnh đơn chiếc và tai tiếng khi ông ta bị tống giam chung thân, vài tháng sau ngày thành hôn; hoặc một người giấu diếm một bệnh truyền nhiễm khiến cho đời sống vợ chồng không thể thực hiện được (một tỉ dụ khác:sự son sẻ, nói ở điều 1084 §3). Tất cả những trường hợp như vậy đều khiến cho sự thỏa thuận vô hiệu.
 
II. VỀ PHÍA Ý CHÍ
Không nói ai cũng đoán được, điều quan trọng nhất trong việc thỏa thuận kết hôn là sự tự do: tục ngữ Việt Nam đã chẳng nói: “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên” đó sao: Nếu thiếu tự do thì không thể nói là có sự thỏa thuận đồng ý. Nhà lập pháp đã dự trù hai trường hợp khiến cho sự thỏa thuận vô hiệu vì thiếu tự do, đó là vũ lực và sợ hãi.
1. Vũ lực
Điều 125 §1 đã dự liệu rằng mọi hành vi pháp lý thực hiện dưới vũ lực không thể chống cưỡng được thì sẽ không có hiệu lực pháp lý. Do đó nếu một người bị người khác dùng sức mạnh để cưỡng ép thỏa thuận hôn nhân thì sự thỏa thuận vô hiệu. Điều này có lẽ ít khi xảy ra: thật khó lòng tưởng tượng một ông hộ pháp dùng hết sức lực mình đè ép người khác gật đầu ưng thuận hôn nhân.Thường thường sự cưỡng ép xảy ra do vũ lực tâm lý hơn là vũ lực thể lý: đó là trường hợp của sự sợ hãi mà chúng ta xét đến sau đây.
2. Sợ hãi (đ.1103)
Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một duyên cớ ngoại tại, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát khỏi nó, người ta bị bó buộc đành phải lựa chọn kết hôn.
Có lẽ không ai không tỏ ra chút ít sợ sệt vào lúc cử hành kết hôn: bao nhiêu âu lo đặt ra cho hiện tại và tương lai. Như thế thì tất cả các hôn nhân đều có thể trở thành vô hiệu hay sao ? Không phải như vậy; để sự sợ hãi có thể gây vô hiệu, nhà lập pháp đòi hỏi ba đặc tính sau: a) có tính cách trầm trọng; b) do nguyên nhân ngoại tại; c) không thể tránh được. Chúng ta sẽ xét đến từng điểm.
a) Sự sợ hãi phải có tính cách trầm trọng, chứ không phải vu vơ. Tính cách trầm trọng được xét theo mối đe dọa có thể gây ra do chính đương sự. Sự trầm trọng đôi khi có tính cách tuyệt đối, nghĩa là ai cũng sợ (như dọa giết), nhưng đôi khi chỉ có tính cách tương đối (như một cô gái nhút nhát bị dọa đuổi ra khỏi nhà chắc sẽ run lên; nhưng đối với một anh chàng bụi đời, thì sự đe dọa ấy chỉ là diễu cợt). Tuy nhiên dù tuyệt ối hay tương đối, sự sợ hãi trầm trọng đều có thể làm cho hôn nhân vô hiệu.
b) Sự sợ hãi do nguyên nhân ngoại tại, nghĩa là do một người khác gây ra chứ không phải do chính đương sự. Nếu sợ hãi bắt nguồn từ chính đương sự, vì tự kỷ ám thị hay vì tâm bệnh, thì nó không ảnh hưởng đến sự vô hiệu, như trường hợp một thiếu nữ sợ nếu không lấy chồng thì sẽ trở thành gái già cô đơn lẻ loi !
c) Điều kiện thứ ba để sự sợ hãi làm cho sự thỏa thuận vô hiệu là tính cách tất định, nghĩa là không có cách nào khác để thoát khỏi sự đe dọa ngoại trừ chấp nhận kết hôn. Nói khác đi, sự sợ hãi phải là nguyên nhân của giá thú. Tỉ dụ thường được dẫn cử nhất là trường hợp một anh chàng quan hệ với một cô gái khiến cô có bầu: người cha  của cô dọa sẽ giết anh ta nếu anh không cưới cô ta; do đó việc cưới cô nàng là “phương án” duy nhất để thoát chết.
Tưởng nên thêm là bộ luật cũ còn đòi hỏi điều kiện thứ tư nữa: đó là sự sợ hãi có tính cách bất công. Sự sợ hãi có tính cách bất công khi sự đe dọa phát xuất từ một người không có quyền hành đe dọa, hoặc quá mức tương xứng. Thí dụ như người cha đòi giết chàng trai đã khiến cho con gái ông có bầu: sự đe dọa đó bất công, bởi vì ông ta không có quyền sinh sát đối với chàng, ông chỉ có thể kiện chàng ra tòa để xin công lý xét xử mà thôi. Tuy nhiên, bộ luật hiện hành không đòi hỏi điều kiện thứ tư nữa, có lẽ vì xét rằng mọi sợ hãi (đe dọa) trầm trọng đều có tính cách bất công, bởi nó hạn chế sự tự do định đoạt của con người.
 
III. SỰ PHÁT BIỂU
Khi kết hôn, cần có sự ưng thuận của cả hai người nam nữ: nếu chỉ một người ưng thuận mà người kia không ưng thì hôn nhân không thành. Do đó cần có sự trao đổi ưng thuận của hai bên.
Sự trao đổi như vậy giả thiết ít là hai điều sau: a) phát biểu cách thành thực sự ưng thuận trong lòng ra ngoài bằng lời nói hay bằng dấu hiệu tương đương (đ.1104 §1-2); b) đôi bên phải có mặt cùng lúc để trao đổi và chấp nhận sự ưng thuận.
Từ đó có thể suy ra hai loại hà tì của sự phát biểu ưng thuận: thứ nhất là sự thiếu thành thực , nghĩa là chỉ giả vờ ưng thuận hoặc ưng thuận nửa vời, nghĩa là với điều kiện; thứ hai là thiếu sự hiện diện.
1. Giả đò (đ.1101 §2)
Sự giả đò làm cho hôn thú vô hiệu, khi một trong hai người hoặc cả đôi bên loại trừ chính hôn thú (simulatio totalis) hoặc loại trừ một thành tố căn bản của nó (simulatio partialis).
a) Sự loại trừ chính sự kết hôn xảy ra khi người nào chỉ giả vờ kết hôn bên ngoài mà thôi chứ thực tâm không muốn. Trường hợp này xảy ra không những khi diễn tuồng đóng phim, nhưng còn có thể trong nhiều hoàn cảnh khác nữa: hoặc để có thể xuất ngoại. Dĩ nhiên, khi trong thâm tâm không có chủ ý kết hôn thì không thể nói là sự thỏa thuận, và do đó giá thú trở nên vô hiệu.
b) Sự thỏa thuận cũng vô hiệu khi người kết hôn loại trừ một thành tố căn bản của hôn nhân: sự chung thủy, sự bất khả ly, sự giao hợp, sự sinh con. Chẳng hạn, một người đi kết bạn, nhưng đồng thời cũng muốn giữ vợ bé; hoặc không muốn có con.
2. Thỏa thuận với điều kiện (đ.1102)
Gọi là sự thỏa thuận với điều kiện khi nó bị ràng buộc với sự thành tựu của một yếu tố khác; nói cách nôm na là sự thỏa thuận với chữ “nếu”: tôi sẽ kết hôn với cô nếu cô có bằng cấp, nếu cô chưa hề có chồng con, v.v… Giáo luật chấp nhận sự thỏa thuận với điều kiện với hai giới hạn sau đây:
a) Thứ nhất, điều kiện ấy phải thuộc quá khứ hay hiện tại, nghĩa là đã có thể được thành tựu vào lúc kết hôn; còn nếu điều kiện chỉ có thể xảy ra trong tương lai thì đương nhiên làm cho giá thú vô hiệu.
b) Thứ hai, cần phải xin phép Bản quyền địa phương để đặt điều kiện. Biện pháp này vừa nhằm kiểm chứng việc đặt điều kiện ngõ hầu tránh những kiện tụng về sau, vừa nhằm cân nhắc xem điều kiện có hữu lý hữu tình hay không.
Dĩ nhiên giá trị của giá thú sẽ tùy theo điều kiện đặt ra có thành tựu hay không vào lúc kết hôn. Thí dụ, tôi đặt điều kiện rằng tôi sẽ cưới cô nếu cô chưa hề có chồng; dĩ nhiên nếu cô đã có một đời chồng rồi thì sự ưng thuận hôn thú sẽ vô giá trị.
3. Sự hiện diện (đ.1104)
Sự trao đổi kết hôn giả thiết là hai người nam nữ có mặt lúc kết hôn. Tuy nhiên, vào ngày thành hôn, lỡ một người bị kẹt, vì phải nằm nhà thương, vì phải đi ra mặt trận thì sao ? Giáo luật dự trù việc kết hôn qua một đại nhiệm (procurator). Điều 1105 đặt ra hai điều kiện về việc kết hôn qua đại nhiệm:
a) Cần có sự ủy quyền đặc biệt để kết hôn. Sự ủy quyền tổng quát không đủ. Văn thư ủy quyền kết hôn phải ghi rõ tên họ người định kết hôn. Văn thư này phải được ký bởi người ủy quyền, cùng với cha sở hoặc Bản quyền của nơi lập giấy ủy quyền, hoặc do một linh mục được hai vị ấy cho phép; nếu không có các vị ấy, thì cần hai người làm chứng hay cộng lại ký vào giấy ủy quyền.
b) Thứ hai, người đại nhiệm phải đích thân trao đổi sự ưng thuận, chứ không thể nhờ người khác.
Nếu người ủy quyền rút lời lại, hoặc trở nên mất trí, thì việc kết hôn qua đại nhiệm sẽ vô hiệu, cho dù người đại nhiệm không hay biết việc rút sự ủy nhiệm.
Những điều kiện vừa nói liên quan đến sự hữu hiệu. Ngoài ra, điều 1071 §1, 70, còn đòi hỏi  phép của Bản quyền mới có thể cử hành hôn nhân bằng đại nhiệm một cách hợp pháp. Nên ghi nhận là luật không đòi hỏi người đại nhiệm phải là người Công giáo, hoặc cùng phái tính với người mà họ thay mặt !
Sau cùng, điều 1106 cho phép dùng thông ngôn trong việc trao đổi ưng thuận kết hôn. Thiết tưởng người thông ngon dịch lại lời ưng thuận cho vị chủ lễ, chứ không lẽ phiên dịch cho hai vợ chồng: nếu hai người không hiểu ngôn ngữ của nhau thì làm sao chung sống được ?
Trước khi kết thúc chương về sự thỏa thuận hôn nhân, tưởng nên ghi nhận rằng trên nguyên tắc nếu sự thỏa thuận bị hà tì thì hôn nhân sẽ vô hiệu; nhưng trên thực tế, việc khiếu nại ra tòa án không đơn giản. Thực vậy, khác với những ngăn trở tiêu hôn có tính cách khách quan, (chứng minh được bằng giấy tờ), những hành vi hiểu biết và ý chí ở trong phần nội tâm con người khó lòng kiểm chứng được. Ai cũng có thể nại đến sự lầm lẫn, thiếu hiểu biết; nhưng làm sao thuyết phục tòa án rằng sự lầm lẫn ấy xảy ra lúc kết hôn, chứ không phải là bịa ra sau khi đã nếm cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt ?
 
Chương IV
THỂ THỨC HÔN NHÂN

Trên lý thuyết, khi hai người nam nữ yêu nhau, và đồng ý kết hôn với nhau thì nói được là hôn nhân đã thành tựu rồi. Tuy nhiên, xét vì hôn nhân ảnh hưởng không ít đến xã hội (bắt đầu từ hai hộ thông gia) nên đâu đâu luật lệ cũng đòi hỏi việc kết hôn diễn ra một cách công khai, trước sự chứng kiến có những nghi lễ nhằm cầu chúc cho đôi tân hôn được nhiều phúc lộc. Thế nên không lạ chi mà các nền pháp chế tôn giáo hay dân sự đều đòi hỏi thể thức cử hành hôn lễ như yếu tố căn bản của sự kết hôn, thêm vào sự thỏa thuận của đôi tân hôn hay của hai gia tộc.
Riêng trong Bộ Giáo luật, chúng ta cần phải phân biệt hai khía cạnh của thể thức: a) một đàng là nghi thức phụng vụ, và b) đàng khác là thể thức pháp định (forma canonica). Thường thường cả hai khía cạnh trùng hợp với nhau, theo nghĩa là đôi tân hôn trao đổi sự thỏa thuận trước sự chứng kiến của cha sở và các chứng nhân trong nghi thức phụng vụ diễn ra tại nhà thờ. Tuy nhiên, chúng có thể tách rời, theo nghĩa là thể thức pháp định diễn ra ngoài khung cảnh phụng vụ. Để hôn nhân được hữu hiệu, Giáo luật chỉ đòi hỏi thể thức pháp định. Chúng ta sẽ bàn đến nghi thức phụng vụ trước, và sau đó là thể thức pháp định.
Mục 1
PHỤNG VỤ HÔN PHỐI
Theo các sử gia, vào những thế kỷ đầu tiên, người Ki-tô giáo không có nghi thức kết hôn đặc biệt. Hôn lễ của các tín hữu không khác gì hôn lễ của các người khác, xét vì tất cả đều theo các tập tục của địa phương mình. Giáo Hội chỉ can thiệp khi thấy có những phong tục không hợp với tinh thần Ki-tô giáo (như việc cúng tế các thần gia tộc trước khi rước dâu) hoặc có liên hệ đến kỷ luật (như hôn nhân của các giáo sĩ). Mãi đến thế kỷ IV, mới thấy xuất hiện một nghi thức kết hôn riêng của Ki-tô giáo, hay nói đúng hơn, Giáo Hội chính thức chấp nhận một số tập tục làm như của riêng mình. Dần dần với thời gian, các nghi thức được kiện toàn, và cô đọng thành hai truyền thống khác nhau: các Giáo Hội bên Đông phương coi việc linh mục đội triều thiên lên đầu  đôi tân hôn như là nghi thức chính yếu. Còn nghi thức chính của các Giáo Hội bên Tây phương là việc đội lúp lên đầu cô dâu. Tưởng cũng nên biết là các trinh nữ tận hiến cũng có nghi thức đội lúp, tượng trưng cho việc họ đính hôn cách huyền nhiệm với Đức Kitô. Về sau, một số nghi thức được thêm vào, như trao nhẫn, làm phép phòng ngủ, v.v…
Sau công đồng Vatican II, nghi thức hôn phối được duyệt lại và ban hành vào ngày lễ thánh Giu-se, 19 tháng 3 năm 1969. Sau hơn 20 năm, cũng vào ngày lễ thánh Giu-se năm 1990, Bộ Phụng tự ban hành nghi thức được tái bản, thích ứng với giáo huấn hiện hành của Giáo Hội, đặc biệt là Tông huấn Đời sống gia đình và Bộ Giáo luật. Bản văn La-tinh gồm có bốn chương:
- Chương I trình bày nghi lễ cử hành trong thánh lễ.
- Chương II trình bày nghi lễ cử hành ngoài thánh lễ do một linh mục hay phó tế chủ sự.
- Chương III là nghi thức cử hành do một giáo dân chủ sự.
- Chương IV là nghi thức kết hôn giữa người Công giáo với người dự tòng hay ngoài Ki-tô giáo.
Ngoài ra, trong phần phụ lục còn thêm nghi thức đính hôn; và nghi thức chúc lành cho đôi vợ chồng nhân dịp kỷ niệm 25 và 50 năm thành hôn.
Dĩ nhiên, các Hội đồng Giám mục không những lo việc dịch nguyên bản La-tinh sang ngôn ngữ địa phương, mà còn tìm cách thích ứng với những phong tục của dân tộc, như nói ở điều 1120 của Bộ Giáo luật.
I. NGHI LỄ
Việc cử hành hôn lễ trong thánh lễ được khuyến khích đặc biệt, không phải để tăng thêm phần long trọng cho bằng ý nghĩa thần học của chúng: đôi bạn cần nhận lãnh mẫu gương và sức mạnh của tình yêu từ Hy lễ Thánh Thể, nơi Đức Ki-tô bày tỏ lòng yêu thương người bạn đến nỗi trao hiến mạng sống của mình cho người yêu. Đôi bạn không những được khuyến khích rước lễ, nhưng còn tham gia tích cực vào lễ nghi qua việc đề nghị những bài Sách Thánh sẽ đọc, dâng ý chỉ trong phần Lời nguyện giáo dân.
Dù cử hành trong thánh lễ hay ngoài thánh lễ, nghi lễ hôn phối diễn ra sau phần Phụng vụ Lời Chúa, và gồm những nghi thức sau đây:
1. Vị chủ sự hỏi đôi bạn xem họ có tự do và thực lòng kết hôn, chứ không bị ép buộc hay không ? Họ sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời hay không ? Họ có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Ki-tôvà Hội Thánh không ?
2. Kế đó vị chủ sự mời đôi bạn cầm tay nhau nói lên sự ưng thuận kết hôn trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh. Hoặc chính hai người lần lượt bày tỏ sự ưng thuận của mình; hoặc vị chủ sự đọc câu hỏi và đôi bạn lần lượt thưa lại. Công thức như sau:
Tôi nhận em (hay anh) làm vợ (hay chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) suốt đời.
3. Sau khi đôi bạn đã trao đổi sự ưng thuận, vị chủ sự tuyên bố:
“Xin Thiên Chúa đoái thương xác nhận sự ưng thuận mà anh chị đã tỏ bày trước Hội Thánh, và xin Người đổ tràn ơn phước cho anh chị. Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”. A-men.
4. Kế đó là nghi thức làm phép và trao nhẫn. Người chồng và người vợ lần lượt xỏ nẫn vào ngón tay của bạn mình và nói:
“Em (anh) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh (em), nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
(Xin mở dấu ngoặc: chiếc nhẫn như dấu chỉ hôn nhân cũng được dùng trong nghi lễ khấn dòng cho các nữ tu, và cho các giám mục: các nữ tu đính hôn với Đức Ki-tô; còn các giám mục thì kết ước với giáo phận như người bạn trăm năm của mình).
5. Phụng vụ hôn phối kết thúc với Lời nguyện giáo dân và lời chúc phúc cho đôi tân hôn. Nếu hôn phối được cử hành trong thánh lễ thì lời chúc phúc được đọc sau kinh Lạy Cha thay vì kinh “Lạy Chúa xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ…”.
II. ĐỊA ĐIỂM VÀ THỜI GIAN CỬ HÀNH HÔN LỄ
Sau khi mô tả sơ lược nghi lễ hôn phối, chúng tôi xin thêm vài điều quy định của giáo luật về nơi chốn và thời gian cử hành.
1. Nơi chốn
Theo điều 1115, hôn lễ được cử hành tại giáo xứ, nơi một trong hai người bạn có cư sở hay bán cư sở, hay ít là nơi cư ngụ trong vòng một tháng. Nếu là người vô gia cư, nghĩa là không có cư sở nhất định, thì hôn lễ sẽ được cử hành tại giáo xứ nơi họ đang dừng chân. Tuy nhiên, tưởng nên nhắc lại là nếu muốn cử hành hôn nhân cho các người vô gia cư, cần có phép của Bản quyền như nói ở điều 1071 §1, 10, ngõ hầu điều tra chắc chắn hơn điều kiện tông tích của họ.
Nếu muốn cử hành hôn lễ ngoài giáo xứ nói trên, cần xin phép của Bản quyền hay cha sở của mình.
Dĩ nhiên, khi nói rằng hôn lễ được cử hành tại giáo xứ, thì thường hiểu là tại nhà thờ của giáo xứ, nơi cộng đồng hội họp nhau để cầu nguyện và lãnh các bí tích. Việc cử hành hôn lễ tại nhà thờ giáo xứ cũng là dịp để xiết chặt tinh thần cộng đồng: mọi biến cố vui buồn của các phần tử (sinh tử, giá thú v.v…) đều được chia sẻ với nhau. Nếu muốn cử hành ngoài nhà thờ giáo xứ, như tại nhà thờ của giáo xứ khác, hay tại một nguyện đường khác, thì cần xin phép của Bản quyền hay cha sở của mình. Điều này được đặt ra cách riêng khi người Công giáo kết hôn với người ngoài công giáo; chúng ta sẽ trở lại vấn đề khi bàn về hôn nhân hỗn hợp.
2. Thời gian
Thời gian nói đây không phải là giờ giấc trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối), nhưng là thời gian xét trong lịch phụng vụ. Trước đây, phụng vụ khuyến khích không nên cử hành hôn lễ trong mùa Vọng và mùa Chay, tức là hai thời kỳ có tính cách sám hối; nếu hôn lễ được cử hành trong hai mùa đó thì không được đọc lời chúc phúc cho đôi tân hôn. Ngày nay phụng vụ không còn điều cấm ấy nữa. Nghi thức hôn phối ban hành năm 1990, ở số 32 của phần dẫn nhập, chỉ cấm cử hành hôn lễ vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh.
Nhằm nêu bật tính cách cộng đồng của hôn lễ, nghi thức vừa nói ở số 28 cũng cho phép cử hành nhiều đám cưới trong cùng một thánh lễ ngày Chúa nhật. Trong trường hợp ấy, thánh lễ có thể cử hành với các lời nguyện của lễ hôn phối hay của ngày Chúa nhật, tuy các bài đọc nên lấy từ lễ hôn phối.
Tuy nhiên, ở số 44, khi bàn về việc thích ứng vào các tục lệ địa phương, nghi thức cũng dự trù rằng ở đâu hôn lễ thường được cử hành tại tư gia, thì Hội đồng Giám mục có thể ấn định nghi thức hôn phối kiểu này. Cũng trong số 14, nếu hôn lễ theo tập tục kéo dài nhiều ngày, thì nên liệu cách thích ứng phụng vụ vào điều kiện ấy.
Mục 2
THỂ THỨC PHÁP ĐỊNH
Tuy Giáo Hội khuyến khích cử hành hôn lễ trong Thánh lễ, hay ngoài thánh lễ với Phụng vụ Lời Chúa kèm theo lời chúc phúc cho đôi hôn nhân, và sự hiệp lễ, nhưng dưới khía cạnh pháp lý, việc cử hành phụng vụ không ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hôn thú cho bằng tuân giữ thể thức pháp định. Thể thức pháp định là gì ? Đó là một từ ngữ chuyên môn của giáo luật về sự chứng giám hôn thú. Nhằm tránh những tệ đoan do việc kếthôn lén lút, công đồng Tren-tô, do sắc lệnh ngày 11 tháng 11 năm 1563, đã qui định rằng: để hôn thú được hữu hiệu, cần có sự chứng giám của Bản quyền của địa phương hay cha sở, cùng với hai nhân chứng. Điều buộc ấy được lặp lại trong Bộ Giáo luật cũ cũng như trong Bộ Giáo luật hiện hành, đ.1108. Đó là nói đến trường hợp thông thường; thực vậy, giáo luật cũng dự trù những trường hợp đặc biệt, ví dụ như không có linh mục, hoặc kết hôn với người khác tôn giáo. Chúng ta hãy lần lượt xét tới những trường hợp ấy. Tưởng nên nhắc lại là tác viên của bí tích hôn phối là chính đôi bạn, còn linh mục chỉ đóng vai trò chứng giám (assistens).
 
I. THỂ THỨC PHÁP ĐỊNH  TRONG TRƯỜNG HỢP THÔNG THƯỜNG
1. Như vừa nói, để hôn thú được hữu hiệu, cần có sự chứng giám của Bản quyền địa phương hoặc cha sở cùng với hai nhân chứng. Đối với hai người nhân chứng, thì không có gì rắc rối: giáo luật không đòi hỏi gì về tuổi tác, phái tính, tôn giáo; miễn là họ có khả năng hiểu biết là đủ.
Riêng đối với Bản quyền địa phương hay cha sở thì có khá nhiều điều kiện nói ở các điều 1109 – 1111:
a) Bản quyền địa phương hay cha sở đã tựu chức; không bị vạ tuyệt thông, cấm chế hay huyền chức.
b) Các vị ấy chỉ có thể chứng giám ở trong vòng lãnh thổ (giáo phận hay giáo xứ của mình). Chẳng hạn như Đức giám mục Hà Nội chỉ có thể chứng giám hôn phối trong vòng giáo phận Hà Nội. Nếu ra ngoài lãnh thổ, như đi về Hải Phòng, thì hết quyền; nếu muốn chủ sự đám cưới ở Hài Phòng thì phải xin phép giám mục Hải Phòng hay cha sở nơi cử hành hôn lễ.
c) Việc chứng giám buộc các vị phải yêu cầu đôi bạn bày tỏ sự thỏa thuận, chứ không thể chỉ chứng kiến thụ động, ví dụ như trong nghi lễ tổ chức ở tòa thị sảnh (đ.1108 §2).
2. Nói thế thì chỉ có các Bản quyền địa phương, nghĩa là các giám mục, linh mục tổng đại diện, và các cha sở mới có quyền chứng giám hôn phối hay sao ? Còn các linh mục khác ? – Thưa rằng: các Bản quyền địa phương hay các cha sở có thể ủy quyền cho các linh mục hay phó tế được chứng giám hôn phối. Sự ủy quyền ấy có thể là từng lần một (cho một đám cưới nhất định) hoặc có thể là tổng quát (cho hết mọi trường hợp). Nếu là sự ủy quyền đặc định thì phải xác định cụ thể hôn phối nào; nếu là sự ủy quyền tổng quát thì phải cấp bằng giấy tờ (đ.1111).
3. Vì lý do thiếu linh mục và phó tế, có thể ủy quyền cho giáo dân (thí dụ thầy giảng) chứng hôn hay không ? Thưa: chỉ có giám mục mới có thể ủy quyền, với sự chấp thuận của Hội đồng Giám mục sau khi xin phép Tòa thánh (đ.1112).
Sau hôn lễ, cha sở có trách nhiệm ghi chú vào sổ hôn phối ngày tháng cử hành, tên họ của đôi vợ chồng, của người chứng giám và nhân chứng (đ.1121 §1). Việc hôn phối cũng được ghi chú bên lề sổ rửa tội nữa. Như đã biết, bất cứ sự thay đổi này về trạng thái giáo luật của một tín hữu cũng được ghi chú bên lề sổ rửa tội: thêm sức, khấn dòng, chịu chức thánh, hôn phối.
II. THỂ THỨC NGOẠI THƯỜNG
Ở điều 1116, giáo luật dự trù thể thức ngoại thường khi hai người muốn lấy nhau mà không thể gặp những người có thẩm quyền chứng giám hôn phối (Bản quyền địa phương, cha sở, hay một linh mục, hoặc phó tế, hoặc giáo dân được ủy nhiệm). Cụ thể hơn giáo luật dự liệu hai trường hợp:
1. Trường hợp nguy tử
2. Có sự khó khăn lớn để gặp những người có thẩm quyền, và tình trạng ấy kéo dài hơn một tháng. Khó khăn có thể xảy ra về phía người chứng hôn, cũng như về phía đôi vợ chồng, ví dụ như trường hợp chiến tranh, thiên tai, hoặc bách hại tôn giáo.
Gặp những hoàn cảnh ấy, để giá thú hữu hiệu, giáo luật đòi hỏi rằng chỉ cần hai người làm chứng là đủ. Giả như có linh mục hay phó tế nữa, thì giáo luật khuyên (chứ không buộc) nên mời vị ấy đến chủ tọa. Lý do dễ hiểu, vì giả thiết linh mục và phó tế là những người hiểu biết giáo luật, và có thể thẩm định xem có những ngăn trở khiến cho hôn nhân vô hiệu hay không; đó là chưa nói đến việc các vị có thể cử hành thánh lễ, hoặc ít là đọc lời chúc hôn.
Sau đó, đôi vợ chồng và các nhân chứng buộc phải báo với cha sở hay Bản quyền để ghi chú vào sổ hôn phối (đ.1121 §2).
 
III. THỂ THỨC PHÁP ĐỊNH  CHO CÁC ĐÔI HÔN NHÂN HỖN HỢP
Giáo luật phân biệt hai trường hợp hôn nhân khác tín ngưỡng: một đàng là hôn nhân giữa người Công giáo với người Ki-tô hữu (nghĩa là đã được rửa tội) nhưng ở ngoài Giáo Hội Công giáo, ví dụ như Chính Thống, Tin Lành; đàng khác là hôn nhân giữa người Công giáo với người ngoài Ki-tô giáo. Trong trường hợp trước, hôn nhân là một bí tích, và chỉ có ngăn trở cấm chỉ, còn trường hợp sau thì không phải là bí tích, và có ngăn trở tiêu hôn nói ở điều 1086 §1. Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh mục vụ và cử hành, thì giáo luật ra một số qui định chung cho cả hai loại, từ các điều 1125 đến điều 1129.
1. Mục vụ trước khi cử hành hôn lễ (đ.1125-1126).
Dĩ nhiên, cha sở hoặc người có trách nhiệm phải xin chuẩn chước ngăn trở. Kế đó đôi bạn cần được giải thích về bản chất, mục đích và đặc điểm của hôn nhân theo đạo lý của Giáo Hội Công giáo.
Riêng người Công giáo cần phải cam kết rằng mình sẽ cố gắng tránh những nguy hiểm lung lạc đức tin, và hứa sẽ làm hết sức để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công giáo. Phía người không Công giáo cần được thông tri về sự cam kết ấy.
Nên lưu ý đến sự thay đổi về kỷ luật trong lãnh vực này. Trước công đồng Vatican II, chính người không Công giáo phải cam kết không gây ngăn trở cho đức tin của bạn mình, và sẽ để cho con cái được theo đạo Công giáo. Còn theo kỷ luật hiện hành, thì chính người Công giáo phải cam kết tránh những nguy hiểm đức tin cho mình; và người bạn không Công giáo sẽ được thông tri về nghĩa vụ ấy. Hội đồng Giám mục sẽ quy định cách thực hiện những lời cam đoan vừa nói.
2. Việc cử hành hôn lễ
Trên nguyên tắc, trong hôn nhân hỗn hợp, tuy chỉ có một bên thuộc Công giáo, nhưng giáo luật đòi hỏi phải cử hành theo thể thức pháp định. Tuy nhiên, nếu xảy ra khó khăn trong việc tuân giữ thể thức, thì Bản quyền địa phương có thể chuẩn chước,  tuy buộc phải có một hình thức công khai nào đó, để tránh những hôn nhân lén lút.
Điều 1127 §3 cấm không được cử hành hai nghi thức tôn giáo khác nhau; hoặc viên chức của hai tôn giáo lần lượt hỏi đôi bạn bày tỏ sự ưng thuận kết hôn.
Về địa điểm cử hành hôn lễ, thì có thể diễn ra ở nhà thờ Công giáo hay tại nơi nào khác xứng đáng (đ.1183 §3).
3. Sau hôn lễ
Dĩ nhiên, sau hôn lễ cần ghi chú vào sổ hôn phối việc cử hành cũng như những chuẩn chước đã cấp. Nhưng nhất là các vị chủ chăn nên giúp đỡ tinh thần cho những người kết bạn với người khác đạo để họ thực hiện những gì đã cam kết về việc giữ vững đức tin và giáo dục con cái.
 
IV. CỬ HÀNH KÍN ĐÁO
Để kết thúc mục về thể thức hôn nhân, chúng tôi xin thêm đôi lời về hôn nhân kín đáo, nói ở các điều 1130 đến 1133. Khác với hôn nhân "lén lút" (clandestina) là điều bất hợp pháp, giáo luật cho phép cử hành hôn lễ cách "kín đáo" (secreta), nghĩa là không làm công khai. Trường hợp có thể xảy ra không những trong trường hợp nhà nước cấm cử hành các lễ nghi tôn giáo, nhưng có thể vì những lý do khác. Một thí dụ: hai người đã kết bạn, ăn ở với nhau cả chục năm nay và đã có con cái; bỗng  nhiên là có người khám phá là giá thú của họ bất thành. Dĩ nhiên là họ phải làm lễ cưới lại, nhưng để tránh dèm pha lôi thôi, thì hôn lễ được cử hành âm thầm, với sự hiện diện của vị chứng hôn và hai người làm chứng mà thôi.
Để có thể cử hành kín đáo, cần xin phép Bản quyền sở tại. Mọi người có mặt trong buổi lễ có nghĩa vụ phải giữ kín. Việc cử hành được ghi chú trong sổ đặc biệt giữ ở văn khố mật của Tòa giám mục.
Tuy nhiên Bản quyền sở tại sẽ hết nghĩa vụ giữ bí mật nếu có nguy cơ đe dọa sinh gương xấu hoặc thiệt hại cho sự thánh thiện của hôn nhân.
 
Chương V
HẬU QUẢ CỦA HÔN NHÂN

Do sự kết lập giá thú, giữa vợ chồng có những bổn phận và quyền lợi không những là giữa hai người kết ước, nhưng còn đối với con cái nữa, xét vì việc sinh sản và giáo dục con cái cũng nằm trong mục tiêu của hôn nhân.
I. TƯƠNG QUAN GIỮA VỢ CHỒNG
1. Bàn về hiệu quả của giá thú đối với đôi vợ chồng, điều 1134 trình bày hai khía cạnh: trước hết, xét về luật tự nhiên; kế đó, trong lãnh vực siêu nhiên.
a) Xét như định chế tự nhiên, sự kết hôn tạo ra một mối dây ràng buộc hai vợ chồng một cách độc nhất và vĩnh viễn. Nói khác đi, khi kết hôn, hai vợ chồng đã cam kết sẽ yêu nhau cho đến mãn đời, và mối tình ấy sẽ không thể san sẻ cho một người tình nào khác nữa.
b) Xét dưới khía cạnh siêu nhiên, hôn nhân Ki-tô giáo còn là một bí tích, nhờ đó đôi bạn nhận lãnh ơn thánh để chu toàn các nghĩa vụ của bậc vợ chồng, và làm chứng nhân cho tình yêu của Đức Ki-tô đối với Giáo Hội và nhân loại. Giáo luật lấy lại một từ ngữ trong số 48, Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của công đồng Vatican II, nói đến sự thánh hiến (veluti consecrantur) hôn nhân, hàm ý rằng cũng như bậc giáo sĩ và tu sĩ, các đôi vợ chồng cũng được thánh hiến (cung hiến, tận hiến) qua đời sống của bậc mình. Dù sao chăng nữa, cần gạt bỏ quan niệm sai lầm cho rằng sự thánh thiện chỉ dành cho những bậc tu hành; còn những người không được kêu gọi thì dành ở thế gian lập gia đình. Không phải thế, nhưng cần có ơn gọi để có thể sống đời hôn nhân cách thánh thiện theo như chương trình của Chúa. Điều này đã được nói tới ở điều 226, trong thiên bàn về nghĩa vụ và quyền lợi của các giáo dân:
§1. Những ai sống trong bậc vợ chồng theo ơn gọi riêng, thì có bổn phận đặc biệt phải cố gắng xây dựng Dân Chúa qua hôn nhân và gia đình.
§2. Các cha mẹ, vì truyền thụ sự sống cho con cái, nên có nghĩa vụ rất nghiêm trọng và quyền lợi giáo dục chúng. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên của các cha mẹ Ki-tô giáo là lo bảo đảm sự giáo dục Ki-tô giáo cho các con cái hợp với giáo huấn của Giáo Hội.
2. Điều 1135 phát biểu một nguyên tắc trong tương quan vợ chồng như sau:
Cả hai vợ chồng đều có nhiệm vụ và quyền lợi bằng nhau trong tất cả những gì liên hệ đến đời sống chung của vợ chồng.
Giáo luật chỉ phát biểu nguyên tắc, và để cho luật dân sự việc qui định những chi tiết, ví dụ như vấn đề quản trị tài sản. Chúng tôi nhận thấy chỉ có hai trường hợp giáo luật đi vào chi tiết cụ thể, đó là vấn đề cư sở và nghi điển. Về cư sở, điều 104 nói rằng:
Vợ chồng có chung cư sở hay bán cư sở. Vì lý do ly thân hợp pháp hay vì lý do chính đáng nào khác, mỗi người có thể có một cư sở và bán cư sở riêng.
Còn về nghi điển, thì điều 112 nói rằng do giá thú, một người có thể giữ nguyên nghi điển của mình hay chuyển qua nghi điển của người phối ngẫu. Còn đối với con cái, thì điều 111 nói rằng chúng sẽ theo nghi điển của mẹ; nếu cha mẹ khác nghi điển, thì đứa trẻ sẽ theo nghi điển mà cha mẹ đồng ý muốn cho nó làm phần tử; nếu thiếu sự nhất trí, thì đứa trẻ sẽ theo nghi điển của người cha.
Nói chung về tổ chức đời sống gia đình thì ai nấy đều biết rằng đại đa số các xã hội cổ truyền đều dành cho người chồng quyết định trong những vấn đề quan trọng. Không dễ gì một sớm một chiều có thể thay đổi cả một tâm thức đại chúng. Theo thiển ý, có lẽ nhà lập pháp không đòi hỏi bất cứ vấn đề gì to nhỏ cũng cần bàn cãi giữa vợ chồng, nhưng ít là có sự trao đổi ý kiến giữa đôi bên trong những vấn đề liên quan đến cả hai người hoặc liên hệ đến cả gia đình.
II. HẬU QUẢ ĐỐI VỚI CON CÁI
1. Khía cạnh nguyên tắc đạo lý
Đối với con cái, điều 1136 nói đến bổn phận và quyền lợi của cha mẹ như sau:
Cha mẹ có trách nhiệm rất nặng nề về quyền lợi nguyên ủy phải hết sức chăm lo việc giáo dục con cái về thể lý, xã hội và văn hóa, về luân lý và tôn giáo.
Bộ Giáo luật không phải là quyển sách huấn giáo hay luân lý; do đó chúng ta không thể kỳ vọng sẽ tìm thấy tất cả những gì vợ chồng và cha mẹ cần biết về quyền lợi và bổn phận của họ. Giáo luật chỉ phát biểu vài nguyên tắc căn bản mà thôi. Cách riêng về nghĩa vụ dưỡng dục con cái, Bộ Giáo luật đã phát biểu nguyên tắc rất nhiều lần, đặc biệt trong quyển thứ ba, thiên thứ ba, về giáo dục Công giáo. Những điểm chính yếu có thể tóm tắt như sau:
Nói chung sự giáo dục nhằm đến sự phát triển toàn diện nhân cách (đ.795). Sự giáo dục bao hàm nhiều khía cạnh và cấp độ. Cấp độ thứ nhất là giáo dục nhân bản, nhằm sự phát triển điều hòa của mọi tài năng thể lý, luân lý, trí tuệ, xã hội, tôn giáo. Kế đó là cấp độ Ki-tô. Nền giáo dục Ki-tô nhằm kiện toàn nền giáo dục nhân bản, nhằm giúp con người đạt được đến sự sung mãn thiên chức của mình là trở nên con cái Thiên Chúa. Trách nhiệm và quyền lợi giáo dục tiên vàn thuộc về cha mẹ. Cha mẹ có thể nhờ đến xã hội và Giáo Hội trợ lực, nhưng không thể nào phải tay khoán trắng cho xã hội được. Riêng về giáo dục tôn giáo cho thanh thiếu niên, Bộ Giáo luật không những bàn đến các trường học Công giáo, nhưng còn đến việc huấn giáo  nữa, và nhấn mạnh đến bổn phận của cha mẹ (đ.774, kế đến là của cha sở (đ.776-777).
2. Khía cạnh pháp lý
Sau khi đã phát biểu nguyên tắc, giáo luật nói một vấn đề có tính cách kỹ thuật pháp lý, đó là việc xác nhận phụ hệ và mẫu hệ. Thực ra những nguyên tắc này được áp dụng trong hầu hết các thể chế pháp lý hiện đại.
Bình thường khi đứa trẻ ra đời thì cha mẹ sẽ nhìn nhận nó làm con, và lo các thủ tục khai sinh cho nó. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, đứa trẻ hoặc không được ai thừa nhận, hoặc có sự tranh tụng trong việc thừa nhận. Trên nguyên tắc, việc nhìn nhận mẫu hệ tương đối dễ dàng hơn: ai đã cưu mang và sinh đẻ ra hài nhi, thì sẽ là mẹ của nó. (Trường hợp thụ thai nhân tạo tương đối còn hiếm và quá mới mẻ, tuy rằng sớm muộn gì pháp luật cũng phải đặt ra nguyên tắc để giải quyết). Việc nhìn nhận phụ hệ phức tạp hơn. Thường thì cha của đứa trẻ chính là người chồng của bà mẹ. Nhưng chúng ta biết, có những cô gái “không chồng mà chửa”: dĩ nhiên đứa trẻ ra đời chỉ có cha tự nhiên chứ không có cha theo luật pháp. Trường hợp nữa có thể xảy ra là người đàn bà tuy đã có chồng, nhưng lại quan hệ với người đàn ông khác và có con: khi đứa trẻ ra chào đời, tất nhiên sẽ có tranh chấp về phụ hệ. Người chồng chính thức có thể khước từ phụ hệ, vì đứa trẻ không phải là con của mình; còn người cha tự nhiên thì cũng có thể tránh né vì sợ tai tiếng, nhưng đôi khi cũng muốn nhìn nhận đứa con tự nhiên để nối dõi tông đường. Ngoài ra chúng ta cũng có thể nghĩ đến một trường hợp khác nữa, đó là người đàn bà có hai đời chồng, hoặc vì người chồng trước đã chết, hoặc vì đã lyd ị và đi lấy chồng khác: đứa trẻ ra đời sẽ là con của chồng nào ?
Để trả lời cho tất cả những vấn nạn vừa nói, điều 1138 suy đoán như sau: cha của đứa trẻ là người chồng của bà mẹ trong khoảng từ 180 ngày sau khi thành hôn, và 300 ngày sau khi đoạn hôn. Sự suy đoán ấy dựa trên nhận xét thông thường về sự thai nghén, nghĩa là tối thiểu là 6 tháng và tối đa là 10 tháng. Nếu đứa trẻ sinh ra ngoài khoảng thời gian ấy thì không nào coi như thụ thai trong thời gian giá thú hợp lệ nữa. Dĩ nhiên, có thể chứng minh ngược lại, nghĩa là tuy đứa trẻ sinh ra trong thời gian ấy nhưng không phải là con chính thức, xét vì bà mẹ ngoại tình. Chứng minh ấy thường dựa trên việc thử máu.
Nếu đứa trẻ ra đời bởi hôn thú hữu hiệu hay giả định (nghĩa là vô hiệu vì ngay tình) thì gọi là hợp thức. Đứa con bất hợp thức sẽ được hợp thức hóa khi cha mẹ kết lập giá thú sau đó, hoặc do phúc nghị của Tòa thánh (đ.1139). Những đứa con hợp thức hóa được hưởng hết các quyền lợi như đứa con hợp thức, trừ khi giáo luật minh định cách khác (đ.1140). Thực ra, trong suốt Bộ Giáo luật, không thấy có chỗ nào mình định sự khác biệt hết. Trong Bộ luật cũ, những đứa con bất hợp thức không được nhận vào chủng viện; và những đứa con hợp thức hóa không được tiến cử lên chức hồng y, giám mục, bề trên v.v… Bộ luật hiện hành bãi bỏ sự ngăn cấm ấy, có lẽ vì không muốn cho ai phải gánh chịu hậu quả của một hành vi không do lỗi của mình gây ra. Dĩ nhiên, khi tuyển nhận các ứng sinh vào chủng viện và tu viện, các bề trên phải cân nhắc xem những hành vi bê bối của cha mẹ có ảnh hưởng đến mức độ nào trên cá tính và nền giáo dục của con cái hay không.
Liên quan đến việc thừa nhận con cái, thiết tưởng nên nhắc cho các cha sở và những người có trách nhiệm trong việc ghi chú sổ rửa tội. Theo điều 877, trong sổ rửa tội, phải ghi tên họ của cha mẹ đứa trẻ. Nếu là đứa con của người mẹ không có chồng thì sẽ ghi tên người mẹ tự ý xin ghi tên mình qua một đơn viết hay trước mặt hai người chứng. Tên của người cha cũng được ghi vào sổ nếu phụ hệ được chứng minh do một văn kiện công chứng nào đó, hoặc chính đương sự tuyên bố trước mặt cha sở và hai người chứng. Trong những trường hợp khác, sẽ chỉ ghi tên của đứa trẻ được rửa tội mà không cần nhắc đến tên của người cha hay người mẹ.
 
 
Chương VI
SỰ PHÂN LY VỢ CHỒNG

Cho đến nay chúng ta đã nghiên cứu những điều luật bàn về sự kết lập giá thú và những hậu quả của nó. Trong bài trước, chúng ta đã nói đến sự chung thủy như đặc tính nòng cốt của giá thú: hai vợ chồng cam kết sẽ yêu thương và đùm bọc nhau suốt đời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả trăm phần trăm các đôi hôn nhân đều đạt tới lý tưởng: có rất nhiều trường hợp, hôn nhân không còn là tổ ấm hạnh phúc, nhưng là địa ngục trần gian. Phải xử sự thế nào trong những hoàn cảnh ấy ? Cứ ráng cắn răng chịu đựng, hay nên đi tìm lối thoát nào khác ? Dưới khía cạnh tu đức và mục vụ, dĩ nhiên chúng ta cố gắng tìm hết cách để hòa giải những đôi vợ chồng gặp trắc trở, nhằm bảo vệ chính hạnh phúc của họ cũng như nhằm đến thiện ích của con cái. Tuy nhiên, nhà lập pháp cũng dự trù vài biện pháp giúp đỡ phần cho đôi bạn ấy thoát khỏi cảnh bế tắc.
Nói chung, khi bí tích hôn phối đã thành hiệu, giáo luật không chấp nhận giải pháp ly dị, nhưng chỉ cho phép ly thân, nghĩa là hai vợ chồng không buộc phải sống chung với nhau, tuy vẫn còn ràng buộc bởi dây hôn phối. Một trường hợp ngoại lệ là những đôi vợ chồng, tuy đã lãnh bí tích thành hiệu, nhưng chưa giao hợp với nhau: họ có thể xin Tòa thánh miễn chuẩn, nghĩa là tháo gỡ dây hôn thú cho họ.
Nếu hôn phối không phải là bí tích, như trường hợp hôn phối của những người ngoài Ki-tô giáo, thì Giáo Hội dự trù việc tháo gỡ dây hôn phối khi một trong hai người xin trở lại đạo: giáo luật gọi chung là đặc ân đức tin.
Trên thực tế, khi gặp hoàn cảnh bế tắc, những đôi vợ chồng Công giáo không những họ xin ly thân nhưng họ còn nhờ đến tòa án Giáo Hội xin tuyên bố giá thú vô hiệu: một giá thú bị tuyên bố vô hiệu coi như là không hiện hữu, và do đó hai người không phải là vợ chồng, cho nên họ có thể chia tay, mỗi người đi một ngả.
Nói tóm lại, khi không thể nào hòa giải một đôi vợ chồng, thì có thể sử dụng đến những biện pháp sau đây đã được giáo luật dự liệu.
- Xin tuyên bố giá thú vô hiệu.
- Xin miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp.
- Xin ly thân.
- Sau cùng, chúng ta sẽ xét riêng đến những trường hợp tháo gỡ do đặc ân đức tin.
 
I. TUYÊN BỐ GIÁ THÚ VÔ HIỆU
Có lẽ đây là biện pháp thường dùng đến hơn cả. Như chúng ta đã biết, để giá thú được thành hiệu, thì hai vợ chồng không mắc ngăn trở tiêu hôn, bày tỏ sự thỏa thuận kết hôn, tuân giữ thể thức luật định. Do đó, để xin tuyên bố giá thú vô hiệu, cần phải viện ra một trong ba lý do sau đây:
1. Một trong hai người mắc ngăn trở tiêu hôn.
2. Sự thỏa thuận bị hà tì, chẳng hạn như họ không có khả năng phán đoán, bị lừa gạt, sợ hãi, giả đò, v.v…
3. Hà tì vì thể thức luật định, như linh mục chứng hôn không có năng quyền.
Bộ Giáo luật đã dự trù thủ tục tuyên bố giá thú vô hiệu từ các điều 1671 đến 1691. Thủ tục bắt đầu từ tòa án giáo phận; nhưng bản án chỉ trở nên chung quyết khi được tòa án cấp hai chuẩn nhận.
 
II. MIỄN CHUẨN HÔN NHÂN THÀNH NHẬN VÀ BẤT HOÀN HỢP
        Điều 1061 §1 đã định nghĩa hôn nhân “hoàn hợp” (consummatum), đó là khi đôi bạn đã giao hợp với nhau một cách hợp với nhân tính. Do đó, hôn nhân bất hoàn hợp xảy ra không những vi không hề có sự giao hợp, nhưng còn vì nó không hợp với nhân tính (chẳng hạn như do vũ lực) hoặc dùng các biện pháp làm bế tắc sự sinh sản.
        Điều 1142 nói như sau:
Hôn phối bất hoàn hợp giữa những người đã lãnh bí tích Rửa tội với một người không được rửa tội, có thể được tháo gỡ bởi Đức Giáo hoàng khi có lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai bên hay của một bên, dù bên kia phản đối.
Để xin tuyên bố hôn thú vô hiệu, thì chỉ cần nộp đơn lên tòa án giáo phận; nhưng để xin miễn chuẩn hôn phối bất hoàn hợp thì phải làm đơn lên Tòa thánh (Bộ Kỷ luật Bí tích). Tuy nhiên, chính Đức giám mục giáo phận sẽ nhận đơn và tiến hành điều tra. Thủ tục được mô tả tỉ mỉ trong thông tư của Bộ Kỷ luật Bí tích ra ngày 20 tháng 12 năm 1986, với những điểm chính như sau:
1. Duy chỉ các đương sự (hoặc cả hai vợ chồng, hay chỉ một người tuy người kia phản đối) mới có quyền xin chước chuẩn. Cả hai người đã được rửa tội.
2. Đơn trình lên Tòa thánh, qua trung gian giám mục giáo phận. Nếu Đức giám mục nhận thấy đơn xin hợp tình hợp lý, thì sẽ cho tiến hành cuộc điều tra.
3. Nội dung điều tra gồm hai điểm sau đây: a) sự kiện bất hoàn hợp, dựa trên các chứng cớ luân lý (lời tự thú, lời khai của thân quyến) hoặc chứng cớ thể lý (khám nghiệm cơ thể); b) lý do chính đáng để miễn chuẩn (chẳng hạn như bệnh truyền nhiễm, một người đã bỏ nhà đi biệt tích, v.v…).
4. Sau khi hoàn tất việc điều tra. Đức giám mục sẽ chuyển tất cả hồ sơ lên Tòa thánh. Nếu đơn được chấp nhận, nghĩa là nếu hôn nhân được miễn chuẩn, thì đôi bạn được thong dong và có thể tái hôn. Tuy nhiên, đôi khi, mặc dầu hôn thú được miễn chuẩn, nhưng Tòa thánh cấm không được tái hôn. Sự miễn chuẩn phải được ghi chú vào sổ Rửa tội và Hôn phối.
 
III. LY THÂN
Trong hai biện pháp nói trên đây, tức là tuyên bố hôn nhân vô hiệu và miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp, dây giá thú được tháo và hai người vợ chồng có thể tái hôn. Còn sự ly thân chỉ cho phép hai vợ chồng sống riêng rẽ, nhưng không được tái hôn, xét vì họ còn bị ràng buộc bởi dây hôn thú.
Giáo luật xét tới hai lý do để xin ly thân: a) vì lý do ngoại tình; b) vì lý do khác.
1/ Lý do ngoại tình
Trong một vài Giáo Hội Chính Thống Đông phương, ngoại tình được coi là lý do để tháo gỡ dây hôn nhân, dựa trên việc chú giải Phúc âm theo thánh Mát-thê-ô 5,32 và 19,9: “Ai rẫy vợ mình, ngoại trừ trường hợp ngoại tình, và cưới người đàn bà khác, thì mắc tội  ngoại tình”. Giáo Hội Công giáo không chấp nhận giải thích như vậy, xét vì từ  porneia” không ám chỉ sự ngoại tình, nhưng là ngoại hôn. Do đó, ngoại tình chỉ là duyên cớ ly thân, chứ không phải là để tháo gỡ dây hôn thú.
Dù sao, điều 1152 thiết tha khuyên nhủ người bạn vô tội, hãy vì đức bác ái và vì lợi ích gia đình mà tha thứ cho người lầm lỗi; tuy nhiên giáo luật nhìn nhận cho người ấy được quyền khước từ đời sống chung, hay nói khác đi, quyền được ly thân.
Quyền này chấm dứt trong những hoàn cảnh sau đây:
a) Họ đã chấp thuận việc ngoại tình của người kia.
b) Họ đã là duyên cớ của việc ngoại tình.
c) Chính họ cũng phạm tội ngoại tình.
d) Họ đã khước từ quyền ly thân bằng việc tha thứ mặc nhiên hay suy đoán. Sự tha thứ được coi là mặc nhiên khi dù đã biết rõ bên kia ngoại tình, nhưng vẫn tự nguyện sống thân mật với người ấy. Sự tha thứ được coi là suy đoán nếu trong vòng sáu tháng kể từ khi hay biết việc ngoại tình, họ vẫn giữ đời sống vợ chồng và không khiếu nại với quyền bính Giáo Hội hay dân sự.
Trong vòng sáu tháng từ khi tự ý chấm dứt sự sống chung, người phối ngẫu vô tội sẽ trình lên nhà chức trách Giáo Hội để thẩm định lý do, xem có nên kéo dài sự ly thân hay nên khuyến khích sự đoàn tụ.
2. Những lý do khác
Trong trường hợp ngoại tình, giáo luật cho phép người vô tội tự ý ly thân. Còn nếu xảy ra những lý do khác, thì phải trình lên Bản quyền sở tại để xin phép ly thân, như điều 1153 ấn định:
§1. Nếu một trong hai người phối ngẫu gây nguy hiểm nặng nề, hoặc về phần hồn, hoặc về phần xác cho người kia hoặc cho con cái, hay nếu làm cho đời sống chung nên quá cơ cực, thì người kia có lý do hợp lệ để xin Bản quyền sở tại cho phép ly thân. Nếu thấy sự khoan giãn sẽ có nguy hiểm, thì người kia có thể tự tiện ly thân.
§2. Trong mọi trường hợp, khi nguyên cớ ly thân đã chấm dứt, thì phải tái lập đời sống vợ chồng, trừ khi giáo quyền ấn định cách khác.
Những nguyên cớ có thể rất nhiều và khác biệt, hoặc ảnh hưởng đến chính bản thân hay đến con cái: nguy hiểm phần hồn (như người bạn xúi giục phạm tội trọng về đức tin và luân lý); nguy hiểm phần xác (liên hệ đến tính mạng hay thân thể); đời sống chung trở nên bế tắc. Thông thường, phải xin Bản quyền sở tại cho phép ly thân, nhưng nếu thấy sự chờ đợi gây ra nguy hại, thì người vô tội có thể tự tiện ly thân.
Dù vì lý do nào đi chăng nữa, giáo luật chỉ xét đến khía cạnh luân lý của việc ly thân. Những khía cạnh thực tế, về tài sản và sự cấp dưỡng tài chánh, thì thường là phải nhờ đến tòa án dân sự xét xử.
 
IV. ĐẶC ÂN ĐỨC TIN
Những giải pháp trên đây được áp dụng cho những đôi vợ chồng Công giáo. Tiếp theo là những trường hợp giáo luật tháo gỡ dây hôn phối cho những đôi vợ chồng ngoài Ki-tô giáo, khi một người muốn trở lại đạo. Trên nguyên tắc, Giáo Hội không can thiệp vào những đôi hôn nhân của người ngoài Công giáo: hôn nhân của những người ngoài Ki-tô giáo được quy định bởi những nguyên tắc luân lý tự nhiên và dân luật địa phương. Tuy nhiên, khi có liên quan đến đức tin và phần rỗi, Giáo Hội sử dụng quyền bính được Chúa Ki-tô giao phó để tháo gỡ đôi hôn phối đã thành hiệu theo luật tự nhiên. Vì lý do đó, học lý gọi chung là “đặc ân đức tin” (privilegium fidei) hay là “nhằm đến đức tin” (in favorem fidei), được đề cập tới trong các điều từ 1143-1150. Chúng ta có thể phân biệt bốn loại khác nhau, tuy khó tìm ra tên gọi cho từng loại. Chúng ta hãy bắt đầu với trường hợp thứ nhất, quen gọi là “đặc ân thánh Phao-lô”.
1. Đặc ân thánh Phao-lô
a) Khái niệm
Sở dĩ gọi là đặc ân thánh Phao-lô, vì dựa trên uy tín của thánh Phao-lô cho phép người tín hữu rời bỏ người bạn ngoại đạo nếu người này ngăn trở việc giữ đạo. Nguyên văn trích từ thư thứ nhất gửi cộng đoàn Cô-rin-tô 7,10-16 như sau:
Những ai đã kết hôn, thì tôi truyền – thực không phải tôi mà là Chúa – là vợ không được lìa chồng, và giả như đã lìa chồng thì phải ở độc thân, hay phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ. Còn những kẻ khác thì tôi bảo họ – tôi, chứ không phải Chúa – là nếu anh em nào có vợ ngoại, và người đó thuận ở với mình, thì chớ rẫy vợ. Và người nào có chồng ngoại và người đó thuận ở với mình, thì đừng bỏ chồng. Vì chồng ngoại thì được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại thì được thánh hóa nhờ người chồng, chẳng vậy thì con cái anh em vẫn là hạng ô uế; nhưng nay chúng cũng là thánh. Nhưng nếu phía ngoại, người ta ly dị, thì cứ ly dị; trong những trường hợp như thế, anh hay chị em hết bị bó buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em để được sống bình an ! Vả lại, này, ngươi là vợ, biết đâu là ngươi sẽ cứu được chồng, hay ngươi là chồng biết đâu là ngươi sẽ cứu được vợ ?”.
Như vậy, theo thánh Phao-lô, các người Ki-tô hữu không được phép ly dị, vì đó là điều Chúa truyền. Nhưng nếu là đôi hôn nhân giữa người Ki-tô với người ngoại, thì thánh Phao-lô khuyến khích hãy cố gắng duy trì đời sống vợ chồng, vì biết đâu nhờ đó người ngoại sẽ trở lại đạo; tuy nhiên, nếu người ngoại đòi ly dị, thì thánh Phao-lô dùng quyền của mình cho phép người Ki-tô được ly dị.
Thánh Phao-lô viết những dòng này từ thế kỷ thứ nhất, nhưng Giáo Hội bắt đầu rút ra hệ luận từ thế kỷ XII, dưới thời Đức Giáo hoàng Innôxentê III (thư gửi Đức cha Hugo, giám mục Ferrara ngày 1-5-1199), tuy với cách áp dụng hơi khác. Thánh Phao-lô nói đến trường hợp người Ki-tô đã lập gia đình với người ngoại và bị người này gây khó khăn. Còn giáo luật thì nói đến hoàn cảnh đôi vợ chồng ngoại đạo, nhưng sau đó một người muốn trở lại đạo, mà người kia không muốn: nhân danh thánh Phao-lô, Giáo Hội cho phép người trở lại đạo được tháo gỡ dây hôn nhân, và lập giá thú khác.
b) Thủ tục
Để có thể sử dụng đặc ân thánh Phao-lô, điều 1143 đòi hỏi hai điều kiện sau đây: thứ nhất, một bên đã trở lại đạo, nghĩa là đã lãnh phép Rửa tội; thứ hai, bên kia không muốn trở lại, hoặc ít ra không muốn sống chung thuận hòa mà không xúc phạm tới Đấng Tạo hóa.
1/ Nhằm hiểu rõ ý định của người ngoại đạo, điều 1144 dự trù việc chất vấn, để xem người ngoại có muốn lãnh phép Rửa tội hay không; hay có muốn ít ra chung sống thuận hòa với người đã rửa tội và không xúc phạm tới Đấng Tạo hóa hay không. Sự “xúc phạm tới Đấng Tạo hóa” (contumelia Creatoris) là một từ ngữ bao hàm tất cả những gì ngăn trở việc giữ đạo, chẳng hạn như: không cho phép người bạn đi nhà thờ, không cho giáo dục con cái theo giáo lý Công giáo, vi phạm sự chung thủy, v.v…
Thông thường, việc chất vấn được thực hiện sau khi một bên đã được rửa tội, do Bản quyền sở tại của người đã trở lại đạo. Tuy nhiên, vì lý do quan trọng, Bản quyền sở tại có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội. Thậm chí còn có thể miễn chuẩn sự chất vấn nếu có bằng cớ rằng sự chất vấn không thể thực hiện được hay sẽ vô ích.
2/ Giá thú cứ coi như bị tháo, và người trở lại đạo có thể lập giá thú mới khi phía bên kia đã trả lời là không chấp nhận sự sống chung, hoặc không trả lời sau khi đã trải qua một thời hạn mà Bản quyền đã ấn định. Việc miễn chuẩn sự chất vấn cũng có hiệu quả tương tự.
Nếu bên kia được chất vấn, mà trả lời là chấp thuận tiếp tục sống chung thuận hòa, không xúc phạm tới Đấng Tạo Hóa, nhưng sau đó lại đổi ý khi không có lý do chính đáng, thì người trở lại đạo cũng có quyền kết lập giá thú khác, sau khi trình bày cớ sự lên Bản quyền để người tùy nghi lặp lại việc chất vấn hay không.
Theo lẽ thường thì người trở lại nên lập giá thú với người Công giáo ngõ hầu việc giữ đạo và giáo dục con cái được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, khi có lý do trầm trọng (như trong vùng có ít người Công giáo), thì Bản quyền địa phương có thể cho phép kết hôn với người ngoài Công giáo, miễn là giữ những thủ tục mà giáo luật đòi hỏi về hôn nhân hỗn hợp (đ.1147).
2. Đặc ân thánh Phê-rô
Như đã nói trên đây, việc tháo gỡ giá thú giữa người ngoại đạo với người Ki-tô được gọi là đặc ân thánh Phao-lô, vì dựa trên thế giá của thánh Phao-lô ở thư thứ nhất gửi cộng đoàn Cô-rin-tô. Từ thế kỷ XVI đến nay, Giáo Hội đã mở rộng những trường hợp tháo gỡ giá thú của những người ngoại giáo, đặc biệt với các Tông hiến “Altitudo” của Đức Phao-lô III (1-6-1537), “Romani Pontificis” của Đức Pi-ô V (2-8-1571), “Populis” của Đức Ghê-gô-ri-ô XIII (25-1-1585). Học lý gọi chung là đặc ân thánh Phê-rô, vì dựa trên thế giá của quyền Đại diện thánh Phê-rô do các Giáo hoàng nắm giữ. Bộ Giáo luật xét đến hai trường hợp ở các điều 1148 và 1149. Bộ Giáo lý Đức tin còn thêm một trường hợp khác nữa nói trong một huấn thị ban hành ngày 6-12-1973.
a) Điều 1148
Trường hợp này có lẽ sẽ không xảy ra ở Việt Nam, nơi mà chế độ đa thê đã bị bãi bỏ. Một ông chồng với nhiều bà vợ lớn vợ bé, sau khi trở lại, thì dĩ nhiên chỉ có thể giữ một vợ thôi: nhưng biết lấy ai và bỏ ai đây ? Trên nguyên tắc, ông phải sống với bà vợ thứ nhất, vì đó là giá thú hợp lệ, và bỏ các bà khác đi. Tuy nhiên, nếu việc sống với bà cả gây nhiều phiền toái, thì giáo luật cho phép ông chọn bà nào mà ông thích nhất, và loại các bà khác. Triệt 2 thêm rằng, sau khi đã quyết định giữ bà nào và loại bà nào, thì phải lo liệu việc chu cấp cho những người bị rẫy, theo phép công bằng tự nhiên và bác ái Ki-tô giáo.
Những gì vừa nói về việc ông chồng có nhiều vợ cũng được áp dụng vào trường hợp bà vợ có nhiều chồng.
b) Điều 1149
Điều này có lẽ sẽ có cơ hội áp dụng ở Việt Nam. Một đôi vợ chồng không có đạo bị ngăn trở không thể sống chung, vì lý do tù đày, bách hại. Kế đó có một bên trở lại đạo. Người này có thể kết lập hôn thú mới, cho dù trong thời gian ấy, người kia cũng trở lại đạo.
Dựa vào đâu mà giáo luật cho phép tháo gỡ như vậy ? Ta có thể giải thích hai cách. Thứ nhất, trong trường hợp chỉ có một người trở lại, thì có thể coi đây là một sự nới rộng đặc ân thánh Phao-lô, theo nghĩa là sau khi rửa tội, người tân tòng không thể sống chung được với người bên kia nữa, và việc chất vấn được miễn chuẩn. Thứ hai, trong trường hợp cả hai đều trở lại, thì có thể coi là sự nới rộng hôn nhân bất hoàn hợp, theo nghĩa là hai bên không có giao hợp kể từ ngày giá thú của họ trở thành bí tích, xét vì họ không thể sống chung với nhau.
c) Ngoài những điều quy định trong Bộ Giáo luật, cần nên biết một trường hợp nữa được áp dụng ở Bộ Giáo lý Đức tin từ nhiều năm nay. Đó là trường hợp hôn nhân hỗn hợp: một người Công giáo đã xin phép chuẩn ngăn trở dị giáo để kết hôn với người không được rửa tội. Giá thú của họ hữu hiệu trước mặt giáo luật. Tuy nhiên, xét vì nó không phải là bí tích, nên có thể tháo gỡ được. Ở đây ta gặp lại trường hợp nói đến trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô nói trên đây. Nếu người Công giáo không thể sống chung với người bạn khác tín ngưỡng, và có thể gặp nguy hiểm cho đức tin và phong hóa, thì được phép tháo gỡ giá thú. Tuy nhiên, thẩm quyền chước chuẩn thuộc về Bộ Giáo lý Đức tin. Như đã nói trên đây, thủ tục được ấn định trong huấn thị của bộ này ban hành ngày 6-12-1973, nhưng không đăng trong Công báo Tòa thánh.
 
Chương VII
SỰ HỮU HIỆU HÓA HÔN PHỐI

Trong chương vừa rồi, chúng ta đã xét đến những trường hợp hai người đã lấy nhau, nhưng sau đó, vì hoàn cảnh trăn trở, không thể sống chung với nhau nữa, và tìm cách tháo gỡ giá thú, hay ít là ly thân. Trong chương chót của bí tích Hôn phối, chúng ta xét đến hoàn cảnh đối ngược lại: đó là khi giá thú của hai người bị coi là vô hiệu, nhưng họ còn cứ muốn tiếp tục đời sống vợ chồng: làm cách nào giúp họ được? Bộ Giáo luật dự trù thủ tục hữu hiệu hóa hôn phối, tuy không phải lúc nào cũng có thể áp dụng cho hết mọi trường hợp được.
Nói chung, sự hữu hiệu hóa là một thủ tục pháp lý nhằm làm cho một đôi hôn phối vô hiệu trở thành hữu hiệu. Điều kiện cần thiết để áp dụng thủ tục này là hai người đã thành hôn (tuy hôn thú vô hiệu), chứ không phải chỉ sống chung với nhau như cặp tình nhân không hôn lễ. Bộ Giáo luật dự trù hai hình thức hữu hiệu hóa: a) thủ tục đơn thường; b) thủ tục “điều trị tại căn” (sanatio in radice). Sự khác biệt ở giữa hai thủ tục có thể tóm lại ở ba điểm sau:
        1. Thẩm quyền:
Trong trường hợp thông thường, có thể chính đôi bạn tự tiến hành sự hữu hiệu hóa; còn trong trường hợp điều trị tại căn, bắt buộc phải nại đến nhà chức trách của Giáo Hội.
        2. Thủ tục:
Trong trường hợp thông thường, cần phải lập lại sự thỏa thuận kết hôn; còn trong trường hợp điều trị tại căn, thì không cần.
        3. Hậu quả:
Trong trường hợp thông thường, hôn phối trở thành hữu hiệu kể từ lúc hữu hiệu hóa; còn trong trường hợp điều trị tại căn, thì hôn nhân trở thành hữu hiệu kể từ lúc ban cấp việc điều trị, nhưng nó có hiệu lực hồi tố. Sở dĩ gọi là điều trị tại căn, vì nó điều trị các hà tì tận gốc rễ, nghĩa là tới cội nguồn của giá thú. Chúng ta sẽ xét đến thủ tục thông thường trước.
 
I. HỮU HIỆU HÓA ĐƠN THƯỜNG
Tưởng nên nhắc lại là hôn thú có thể bị vô hiệu vì ba lý do sau đây: a) vì mắc ngăn trở tiêu hôn; b) vì hà tì của sự ưng thuận; c) vì hà tì của thể thức pháp định.
Trên nguyên tắc, để hôn nhân có thể hữu hiệu hóa, cần phải:
        a) chấm dứt lý do đã làm cho nó vô hiệu;
        b) tiếp đó cần phải lặp lại sự ưng thuận kết hôn. Việc lặp lại sự ưng thuận có thể diễn ra bằng công thức (thí dụ: anh có còn yêu em nữa không ? Và đáp lại bằng cách gật đầu), nhưng cũng có thể qua một hành động (như sự giao hợp với tình nghĩa ái ân vợ chồng).
        1/ Hôn nhân vô hiệu vì ngăn trở tiêu hôn (đđ.1156-1158)
        a) Điều kiện cần thiết là ngăn trở phải chấm dứt, hoặc tự nó hoặc được chước chuẩn. Đa số các ngăn trở chấm dứt do sự chước chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền, như ngăn trở do chức thánh, hoặc do lời khấn dòng. Một số ngăn trở khác tự nó chấm dứt, như tuổi: ngăn trở này sẽ hết với thời gian, khi đạt đến tuổi luật định; hoặc ngăn trở dây hôn nhân tự nó chấm dứt khi người phối ngẫu qua đời. Ngoài ra, chúngt a đã biết là có một số ngăn trở không thể nào chước chuẩn được (như bất lực, thân thuộc trực hệ): gặp trường hợp ấy thì đành chịu bó tay.
        b) Kế đó, cần phải lặp lại sự ưng thuận kết hôn. Nếu chỉ một người ý thức sự vô hiệu vì ngăn trở, thì chỉ cần người ấy lặp lại sự ưng thuận; nhà lập pháp giả thiết rằng bên kia chưa rút lại sự ưng thuận. Nếu cả hai đều biết đến sự hiện hữu của ngăn trở, thì cả hai phải lập lại sự thỏa thuận. Hơn thế nữa, nếu ngăn trở ấy là công khai, nghĩa là có thể chứng minh ở tòa ngoài (đ.1074), thì việc lặp lại sự ưng thuận cần phải thực hiện theo thể thức pháp định. Dĩ nhiên, không cần phải tổ chức lại đám cưới: chỉ cần sự hện diện của người có thẩm quyền chứng hôn cùng với hai nhân chứng, và có thể diễn ra ở phòng áo, hay là ở trong nhà cha sở, hay chính tại tư gia của đôi vợ chồng. Sự hữu hiệu hóa với thể thức pháp định cần được ghi chú vào sổ hôn phối, nhằm tránh những dị nghị về sau.
        2/ Hôn nhân vô hiệu vì hà tì ưng thuận (đ.1159)
        Trường hợp này có thể xảy ra hoặc vì một người thiếu khả năng ưng thuận, hoặc vì đã không ưng thuận (ví dụ giả đò), hoặc sự ưng thuận đã bị tổn thương (như đặt điều kiện, bị lường gạt, bị đe dọa).
        Để hôn nhân được hữu hiệu hóa, thì người đã không ưng thuận hay ưng thuận, bị hà tì cần phải ưng thuận; với giả thiết là phía bên kia chưa rút lại sự ưng thuận. Nếu hà gì của sự ưng thuận có thể chứng minh ở tòa ngoài, thì việc lặp lại sự ưng thuận phải tiến hành theo thủ tục pháp định; còn nếu không thể chứng minh thì có thể làm cách kín đáo.
        3/ Hôn nhân vô hiệu hà tì thể thức pháp định (đ.1160)
Trường hợp này xảy ra không phải vì hai người chưa bao giờ kết hôn, nhưng là vì căn cớ khác, chẳng hạn như người chứng hôn không có thẩm quyền, hoặc sự ủy quyền vô hiệu. Cả hai bên phải lập lại sự thỏa thuận kết hôn theo thể thức pháp định. Như đã nói trên, không cần phải tổ chức đám cưới linh đình làm chi; chỉ cần sự hiện diện của người có thẩm quyền chứng hôn cùng với hai nhân chứng là đủ.
 
II. ĐIỀU TRỊ TẠI CĂN
1. Khái niệm
Điều 1161 nói đến những đặc điểm của thủ tục điều trị tại căn như sau:
a) Được nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp.
b) Không cần lặp lại sự ưng thuận kết hôn.
c) Bao hàm việc chuẩn miễn các ngăn trở, nếu có.
d) Cũng bao hàm việc chuẩn miễn thể thức pháp định hồi tố, nghĩa là bao trùm tất cả các hậu quả kể từ ngày cử hành hôn lễ. Do đó, các con cái được coi là hợp thức, chứ không phải chỉ là hợp thức hóa.
2. Điều kiện ban cấp
Việc điều trị tại căn chỉ có thể ban cấp khi lý do của sự vô hiệu thuộc về luật Giáo Hội, chứ không thuộc về luật tự nhiên. Do đó, không thể điều trị taị căn trong những trường hợp sau đây:
a) Giá thú vô hiệu vì hà tì ưng thuận.
b) Giá thú vô hiệu vì ngăn trở theo luật tự nhiên, bao lâu ngăn trở này chưa chấm dứt.
Lý do của sự giới hạn như vậy dễ hiểu, bởi vì Giáo Hội chỉ có thể miễn chuẩn điều gì thuộc thẩm quyền của mình mà thôi. Bởi vậy, không thể chuẩn chước sự ưng thuận xét vì đó là yếu tố cấu thành của hôn phối; nhưng chỉ có thể miễn chuẩn sự lập lại sự ưng thuận để hữu hiệu hóa một hôn phối bị vô hiệu vì lý do khác. Cũng vậy, Giáo Hội không thể miễn chuẩn những ngăn trở của luật Thiên Chúa.
3. Thẩm quyền
Bộ luật cũ dành cho Tòa thánh thẩm quyền điều trị tại căn. Bộ luật hiện hành dành cho Tòa thánh thẩm quyền trong những trường hợp sau đây:
a) Khi giá thú vô hiệu vì một ngăn trở tiêu hôn mà việc miễn chuẩn được dành cho Tòa thánh (đó là: chức thánh; lời khấn trọn đời trong dòng tu thuộc luật Tòa thánh; mưu sát phối ngẫu).
b) Khi giá thú vô hiệu vì một ngăn trở thuộc luật thiên định mà nay đã chấm dứt, như sự bất lực, dây hôn phối.
Ngoài những trường hợp ấy, Đức giám mục giáo phận có thể ban việc điều trị tại căn cho từng đôi hôn thú riêng rẽ. Đức giám mục không thể ban việc điều trị tại căn cách tổng quát, chẳng hạn như cho tất cả những cặp vợ chồng đã kết hôn tại một giáo xứ nào đó; hoặc cho tất cả những đôi vợ chồng không tuân giữ thể thức luật định.
Dĩ nhiên, xét vì việc điều trị tại căn bao hàm việc chước chuẩn một số điều khoản giáo luật, nên chỉ cần phải có lý do hợp lý và chính đáng thì mới ban cấp. Tưởng cũng nên biết là theo điều 1164, có thể ban cấp việc điều trị tận căn tuy dù một bên hay cả hai bên không biết đến. Nói khác đi, không cần phải là chính đôi vợ chồng đứng ra xin; nhưng có thể một người thứ ba hay biết lý do của sự vô hiệu, và tự ý xin nhà chức trách ban việc điều trị, miễn là giả thiết rằng hai vợ chồng còn muốn sống chung với nhau.
4. Hậu quả
Hôn nhân trở nên hữu hiệu kể từ ngày ban cấp điều trị tại căn. Tuy nhiên, như đã nói trên đây, những hậu quả của hôn nhân có hiệu lực hồi tố, nghĩa là kể từ ngày cử hành hôn lễ.
Dĩ nhiên, việc điều trị tại căn cũng như những sự hữu hiệu hóa đơn thường với thể thức luật định, phải được ghi chú vào  sổ hôn phối để làm bằng chứng.
Ngoài hai thủ tục hữu hiệu hóa vừa trình bày, còn có biện pháp nào nữa không? Chẳng hạn như một người bị chồng bỏ; bà đi lấy chồng khác và đã có con cái. Giá thú thứ hai hoàn toàn vô hiệu, và cũng không thể hữu hiệu hóa bao lâu người chồng trước còn sống. Thế thì phải làm sao đây ? Xin tuyên bố giá thú thứ nhất vô hiệu ư ? Nhưng nếu không có đủ bằng chứng thì sao ?
Thú thực rằng không dễ gì tìm ra một giải pháp cho những trường hợp như vậy. Trong quá khứ (và có lẽ trong hiện tại nữa), một số nhà luân lý khuyên hai người hãy ăn ở với nhau như bạn hữu (hay như anh chị em) nghĩa là sống gần nhau bằng tâm tình, chứ không giao hợp thể lý.
Quả thực là nan giải ! Chúng ta không thể hy vọng luôn tìm thấy trong giáo luật giải đáp cho hết mọi vấn đề. Cần xin ơn Chúa soi sáng, nhất là sức mạnh khi cần sống đời Ki-tô đến mức độ anh hùng.

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức