Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Điều gì khiến cho hôn nhân của nhiều người không hạnh phúc?

Gia đình

ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO HÔN NHÂN CỦA NHIỀU NGƯỜI KHÔNG HẠNH PHÚC?

Aug. Trần Cao Khải

Mục lục

I.- NHỮNG LÝ DO KHIẾN NHIỀU NGƯỜI SỐNG KHÔNG HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

        1.1. Mơ hồ về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân

        1.2. Cái “Tôi” lấn lướt cái “Chúng ta”

        1.3. Thiếu kỹ năng thỏa hiệp và giải quyết mâu thuẫn

        1.4. Quá ảo tưởng về một mô hình hôn nhân toàn hảo

        1.5. Khó thích nghi với đời sống chung vợ chồng

        1.6. Thường xuyên gặp bế tắc trong giao tiếp

        1.7. Lạnh nhạt trong đời sống tình dục

II.- BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN KI-TÔ HỮU

        2.1. Ki-tô hữu hiểu rõ mục đích của hôn nhân là gì?

        2.2. Ki-tô hữu đón nhận hôn nhân như là quà tặng của Thiên Chúa

        2.3. Ki-tô hữu sống mầu nhiệm bí tích hôn nhân: Yêu như Chúa yêu


WHĐ (27.6.2021) – Vừa qua, trên trang Phụ Nữ Online (PNO) có đưa tin báo Phụ Nữ TPHCM mở diễn đàn có chủ đề Hạnh phúc gia đình xây bằng gì? nhằm giúp bạn đọc muôn phương cùng bàn luận, chia sẻ. Câu hỏi đặt ra là: “Với bạn, hạnh phúc gia đình được đong đếm, dựng xây, gìn giữ như thế nào?”. Có khá nhiều người tham gia diễn đàn với những bài viết khá hấp dẫn, đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế quý báu trong đời sống vợ chồng. Điều này chứng tỏ nhiều bạn trẻ ngày nay rất quan tâm tới vấn đề làm sao để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Khi đề cập đến vấn đề hạnh phúc trong hôn nhân, một câu hỏi khá phổ biến mà chúng ta thường nghe, đó là “Đối với đôi bạn, trong hôn nhân hạnh phúc có thật hay chỉ là ảo tưởng?”. Ai cũng biết rằng, ngày thành hôn cô dâu chú rể được đón nhận biết bao lời chúc phúc, chúc lành, chúc mừng trong đó nổi bật nhất là câu “Trăm năm hạnh phúc!”. Tuy nhiên, thực tế là, chẳng bao lâu sau ngày cưới, có nhiều bạn đã phải chia tay đường ai nấy đi. Hiện tượng ly hôn sớm đó hiện nay khá phổ biến và người ta đã dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để ám chỉ tuổi thọ của hôn nhân chỉ kéo dài vài ba năm là tối đa.

Quả thực, có nhiều người cho rằng hạnh phúc trong hôn nhân là điều không thực, nó như cái bóng của mình, càng tìm kiếm nó càng chạy xa mình. Nói cách khác, hạnh phúc trong hôn nhân chỉ là một ảo tưởng. Chính vì vậy mà có người đã nói rằng chỉ khi nào đi được một nửa đoạn đường rồi thì người ta mới nhận ra hôn nhân (marriage) chỉ là một ảo ảnh (mirage). Hay cũng có người đã ví von cách chua xót rằng tình yêu chẳng khác nào như một giọt sương mai, trông xa thì lấp lánh như hạt kim cương, nhưng lại gần thì chỉ là một giọt lệ! Hôn nhân không còn là quà tặng hay ân huệ nữa, mà đã trở thành một bi kịch, một thảm họa cho người trong cuộc…

Thực tế đã cho thấy có khá nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và đổ vỡ. Không ít các cặp vợ chồng chỉ có thể sống với nhau một thời gian ngắn ngủi rồi tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi. Theo các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình thì con số ly hôn hiện nay ngày càng gia tăng, ngay cả đối với những cặp vợ chồng trẻ, mới lấy nhau. Nguyên nhân cũng là vì đôi bạn không còn cảm thấy hạnh phúc ngọt ngào bên nhau như thuở ban đầu nữa. Họ bắt đầu chán nhau, lạnh nhạt với nhau và coi cuộc hôn nhân như một nghĩa vụ nặng nề phải gánh vác suốt đời…

Sau đây, chúng ta tạm đưa ra một số lý do chính khiến nhiều người sống không hạnh phúc trong đời sống lứa đôi của mình.

I.- NHỮNG LÝ DO KHIẾN NHIỀU NGƯỜI SỐNG KHÔNG HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

1.1. Mơ hồ về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân

Trước đây, trên trang báo điện tử Dân Trí có bài viết tựa “Vì sao nhiều người không hạnh phúc trong hôn nhân?”, theo đó tác giả cho rằng nguyên nhân chính khiến nhiều cặp vợ chồng sống thiếu hạnh phúc đó là vì họ rất mơ hồ về vai trò và bổn phận của mình.[1]

Cũng qua bài báo trên, tác giả kể lại câu chuyện một nhóm bạn trẻ trên mạng xã hội đã phản ứng khá tiêu cực đối với câu hỏi của một thành viên nhóm đưa ra là “Theo bạn, hôn nhân là gì?”. Đã có khoảng trên 80% lượng bình luận trong hàng ngàn ý kiến, cho rằng hôn nhân là điều gì đó hết sức đau khổ, đắng cay. Những bình luận kiểu như: Hôn nhân là mộ phần tình yêu, hôn nhân là ngục tù, là lâu đài mà người ở trong muốn ra nhưng người ở ngoài muốn vào vv… Bài báo trên cũng cho biết thêm là dựa theo kinh nghiệm của một chuyên gia tâm lý làm tư vấn lâu năm cho các cặp vợ chồng thì hiện nay số người đạt được hạnh phúc trong hôn nhân không nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cặp vợ chồng không hạnh phúc, trong đó, nguyên nhân căn bản, gốc rễ là bởi vì hầu hết các bạn nam nữ khi bước vào đời sống vợ chồng đều thiếu hụt kiến thức về hôn nhân.

Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm khoảng 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng... 30 tháng. Ba mươi tháng đã ly hôn, nghĩa là chưa đầy ba năm cưới nhau người ta đã quyết định chia tay. Họ chia tay hẳn là có nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là do họ chưa được trang bị đủ hành trang để vào đời, để “đi gánh vác”, để làm vợ làm chồng, để xây dựng mái ấm gia đình. Ngạn ngữ Nga có câu, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.

Khi kết hôn với nhau, đôi bạn không chỉ yêu nhau là đủ. Họ còn phải hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là gì. Mục đích được coi là ánh sáng chỉ dẫn và là kim chỉ nam giúp cho cuộc hôn nhân đi đúng hướng và tồn tại lâu dài. Văn hào Pháp Antoine de St Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là ngồi đó nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”.

1.2. Cái “Tôi” lấn lướt cái “Chúng ta”

Chúng ta đều biết rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ để tạo nên một đời sống chung vợ chồng. Khi tự nguyện đến với nhau, đôi bạn chấp nhận nên-một với người bạn đời của mình, lúc đó hôn nhân sẽ phải là 1+1=1. Một tình yêu, một gia đình, một mái ấm, một cuộc đời, một sứ mệnh, một tương lai.

Khi sống chung với nhau, đôi bạn sẽ nhận ra rằng, để sống hòa hợp và hạnh phúc lâu dài, mỗi người phải hy sinh một nửa cái “Tôi” để thích nghi với cái “Chúng ta”. Do đó mà ngày nay, người ta đề nghị một công thức mới cho các đôi vợ chồng, thay vì nói 1+1=1 thì nay là 0,5+0,5=1.

Người ta đã kinh nghiệm rằng, khi vợ chồng không chấp nhận hy sinh một nửa (0,5) cái “Tôi” – thường là ích kỷ - của mình thì cuộc sống chung sẽ rơi vào tình trạng khó khăn và bế tắc. Bởi vì trong đời sống vợ chồng, không phải ta được tự tung tự tác muốn làm gì thì làm, trái lại, phải hợp tác, hợp lực, hợp ý trong nhiều chuyện. Một danh nhân đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm ” (James Thurber). Ông bà ta nói không sai, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Không thể có chuyện ông nói gà, bà nói vịt, hay trống đánh xuôi kèn thổi ngược được. Đôi bạn đừng để cho cái “Tôi” lấn lướt cái “Chúng ta” khiến cho vợ chồng không thể hoàn thành được những việc làm chung, những trách nhiệm chung, những công trình chung mà chính đôi bạn phải hợp tác thực hiện.

1.3. Thiếu kỹ năng thỏa hiệp và giải quyết mâu thuẫn

Ai cũng biết rằng, trong đời sống vợ chồng việc sống hòa hợp với nhau không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì bá nhân bá tính, năm người mười ý. Không có đôi bạn nào mà lại không phải đối phó với những mâu thuẫn, trái ý xảy ra thường ngày trong đời sống vợ chồng. Nếu không biết cách thỏa hiệp với nhau một cách chân thành để giải quyết các mối bất đồng thì cuộc sống hôn nhân không thể hạnh phúc được.

Chẳng hạn, như ông bà ta thường nói “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Và như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson). Hay như có người đã nhận xét: “Phân nửa những ‘vấn đề’ trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. 

Ngày nay người ta nhấn mạnh đến nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống vợ chồng, xem đó như là một bí quyết để giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhượng bộ không phải thất thế, yếu kém, nhu nhược nhưng đó là thể hiện sự bao dung, quảng đại, biết điều trong ứng xử, làm sao để vợ chồng luôn giữ được thái độ tôn kính nhau, giúp gia đình luôn có hòa khí thực sự. Thực vậy, “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero).

1.4. Quá ảo tưởng về một mô hình hôn nhân toàn hảo

Ở đây chúng ta sẽ nói về một vài ảo tưởng mà các đôi bạn trẻ thường có khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Đó là:

Ảo tưởng về một tình yêu lãng mạn: Một tác giả trên tờ Thanh Niên điện tử đã viết như sau: “Nếu có ai đó nói với bạn rằng tình yêu sau hôn nhân vẫn lãng mạn như thuở mới yêu, họ đang nói dối. Nhưng nếu có ai nói rằng sau hôn nhân chẳng còn tình yêu, chỉ còn tình nghĩa, bạn cũng đừng tin. Tình yêu sau hôn nhân luôn luôn tồn tại, nếu bạn thực sự kết hôn với người mình yêu, nhưng tình yêu ấy sẽ luôn rất khác biệt với thứ tình đầy mơ mộng, lãng mạn khi cả hai còn chưa ràng buộc. Nếu nói tình yêu là một ly rượu vang thơm nồng, chuếnh choáng, thì tình yêu sau hôn nhân lại là ly nước lọc trong trẻo, giản dị. Ở bên cạnh nhau, người ta không thể uống rượu vang hàng ngày, nhưng nước lọc thì cần. Không màu mè, không mùi vị, sự trong trẻo giản đơn của nó cũng giống như tình yêu sau hôn nhân, một thứ tình cảm thực thà không thể giả tạo.” [2]

Trải qua năm tháng với nhiều khó khăn thử thách, tình yêu hai vợ chồng không còn lãng mạn như thủa ban đầu nữa. Họ nhận ra rằng thực tế hoàn toàn khác hẳn với những suy nghĩ của họ lúc ban đầu và nếu họ còn u mê chưa nhận ra sự thật thì chính ảo tưởng ấy sẽ giết chết tình yêu của hai người.

Ảo tưởng về một bạn đời hoàn hảo và về một cuộc “hôn nhân không đau đớn”: Một trong những ảo tưởng lớn nhất của chúng ta là luôn “mơ” có một người bạn đời hoàn hảo và một cuộc hôn nhân không đau đớn. Thực tế là khi kết hôn, chúng ta phải chấp nhận sống chung với một người rất khác biệt với chúng ta mọi đàng và người ấy cũng có biết bao nhiêu sai lầm, khiếm khuyết vì “Nhân vô thập toàn”. Do đó, ta phải sẵn sàng sống chung với một người không hoàn hảo trong một cuộc hôn nhân đầy thương tích và đau khổ. Những người khôn ngoan vẫn nói rằng, hôn nhân không phải là “luống hồng” mà là một “chiến trường”, ở đó hai bạn phải là những chiến binh anh dũng và can đảm. Nếu không nhận ra điều này thì mãi mãi chúng ta phải sống trong đau khổ và thất vọng.

1.5. Khó thích nghi với đời sống chung vợ chồng

Một trong những lý do gây đau khổ và bất hạnh cho nhiều người, đó là họ không sẵn sàng để sống thích nghi với người bạn đời của mình và với đời sống chung vợ chồng. Sống thích nghi không phải là người này ép người kia phải suy nghĩ như mình, hành động như mình, ứng xử như mình, sống như cách sống của mình…trái lại, đó nghệ thuật “tự điều chỉnh” bằng việc thấu hiểu, cảm thông bạn đời nhờ đó hai người có thể hòa hợp với nhau, bổ túc cho nhau mà mỗi người vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.

Bàn về sự thích nghi trong hôn nhân, trên trang báo vnexpress.net, một tác giả đã cho rằng: Hương vị tốt đẹp của hôn nhân đó là biết tự điều chỉnh bản thân. Bài báo kể rằng: Một người bạn của diễn viên Hải Thanh (Trung Quốc) từng than phiền về cuộc hôn nhân của mình và cho rằng họ đang trên bờ vực tan vỡ. Người bạn xin lời khuyên của diễn viên này về bí quyết duy trì hôn nhân hạnh phúc. Nữ diễn viên đã nói với bạn: “Tôi nghĩ hôn nhân cũng như việc nêm nếm gia vị vào một món ăn. Mỗi người sẽ có khẩu vị riêng, nhưng để cả hai cùng ăn được thì phải điều chỉnh gia vị để hợp cả đôi bên. Việc này cần luyện tập”. Nữ diễn viên cũng cho rằng, hôn nhân dù ban đầu tốt đẹp đến mấy rồi cũng sẽ trở về với cơm áo gạo tiền, ngọt bùi đắng cay đều nếm trải qua. Khi đam mê phai nhạt và cuộc sống rơi vào cảnh “tầm thường”, làm sao giữ cho hôn nhân luôn tươi mới là một phép thử tuyệt vời cho khả năng giữ lửa của đôi bên.

Nữ diễn viên cho rằng “Gia vị” không chỉ xem xét khẩu vị của mình mà còn phải xem xét khẩu vị của bạn đời nữa, điều này không thể tách rời với “gia vị” của sự thích nghi, khoan dung và tôn trọng. Việc hai người có thể gặp nhau, thành vợ thành chồng đã là một kỳ tích và họ chấp nhận đó như là duyên phận. Duy trì hôn nhân không phải dễ, mong rằng mỗi cặp đôi hãy hành động và trân trọng, chung sống hòa thuận, nắm tay nhau và đón nhận hạnh phúc trong sự thích nghi.[3]

1.6. Thường xuyên gặp bế tắc trong giao tiếp

Các nhà chuyên môn cho rằng việc giao tiếp giữa hai vợ chồng trong gia đình là điều rất quan trọng trong việc duy trì sự hòa hợp, hạnh phúc giữa đôi bạn. Nếu trong một ngày mà hai vợ chồng không dành cho nhau 30 phút để chuyện trò, tâm sự thì chứng tỏ cuộc sống của họ đang gặp bế tắc, khủng hoảng. Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc đôi bạn lạnh nhạt với nhau, không thèm nói chuyện với nhau, đó là họ không còn chút tình cảm gì với nhau nữa.

Quả vậy, khi không còn thương nhau nữa, việc phải trao đổi và gượng ép một mối quan hệ bắt buộc là rất khó khăn. Điều đó khiến cho cả hai mệt mỏi. Người ta bảo yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Khi vợ chồng đã hết yêu thương nhau là khi vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau nhiều. Sống trong một mái nhà mà không có sự trao đổi tiếng nói với nhau thì rất mệt mỏi! [4]

Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình. Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của đôi bạn đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay… [5]

1.7. Lạnh nhạt trong đời sống tình dục

Chúng ta biết rằng, quan hệ tình dục là sợi dây gắn kết hôn nhân, là sự chia sẻ tình yêu, tình cảm của đôi bạn. Một khi quan hệ ấy gặp trục trặc cách nào đó thì đôi bạn sẽ rơi vào thái độ lạnh nhạt, chán nản, thất vọng…Tình trạng đó nếu kéo dài sẽ khiến cuộc hôn nhân nhiều phiền toái và không hạnh phúc.

Một nghiên cứu đã cho thấy khoảng 30% số cặp vợ chồng thực sự không có quan hệ tình dục với nhau trong những khoảng thời gian nhất định, khoảng 15% chung sống mà hoàn toàn không có “chuyện ấy”. Nguyên nhân của những trục trặc trong quan hệ vợ chồng thì có rất nhiều: Cuộc sống nhiều áp lực; vợ hoặc chồng quá quan tâm đến vấn đề khác (công việc, sự nghiệp/ học hành, con cái...); mâu thuẫn vợ chồng; sức khoẻ; điều kiện sống làm mất đi hứng thú... Thậm chí sự nhàm chán, sự kém hấp dẫn cũng làm cho quan hệ chăn gối không còn như trước nữa. Nhiều khi, việc kiêng cữ khi vợ mang thai, sinh con cũng làm cho người chồng mất dần cảm hứng... Những trục trặc này ban đầu có thể chưa gây vấn đề gì nhưng nếu kéo dài có thể khiến người trong cuộc có cảm giác tổn thương, nghi ngờ nhau, buồn tủi, mất dần cảm giác… [6]

Một tác giả đã nêu rõ thế này: “Không hòa hợp trong chuyện chăn gối là nguyên nhân dẫn đến ly hôn phổ biến. Tuy nhiên, nguyên nhân này ít được nhắc đến bởi khá tế nhị. Các cặp vợ chồng cũng ít khi hoặc không muốn chia sẻ với nhau về vấn đề này. Do không hiểu được suy nghĩ, mong muốn của đối phương mà chuyện chăn gối không được thỏa mãn. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc đòi hỏi phải có sự hòa hợp về mặt tinh thần và thể xác. Khi một trong hai hoặc cả hai người không đáp ứng được nhu cầu tự nhiên thì hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.” [7]

Nếu như trong quan hệ vợ chồng, chuyện chăn gối mà không làm thỏa mãn cho bạn đời hoặc tình trạng lãnh cảm diễn ra trong thời gian dài sẽ gây cho cho họ những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ gia đình cũng như tình cảm vợ chồng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn 80% các cặp vợ chồng trên thế giới ly hôn do đời sống tình dục không hòa hợp. Họ không tìm được tiếng nói chung trong quan hệ chăn gối nên dẫn đến tình trạng đường ai nấy đi chứ không phải vì lý do kinh tế khó khăn hay các vấn đề khác chỉ chiếm số ít trong những trường hợp ly hôn này. [8]

II.- BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN KI-TÔ HỮU

Theo bản tin của Vatican News ngày 2-6-2021 vừa qua, trong ý cầu nguyện của tháng 6 cầu cho hôn nhân, Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho những người trẻ đang chuẩn bị cuộc hành trình hôn nhân dài suốt cuộc đời. Ngài cũng đồng thời khuyến khích người trẻ bước vào hành trình đầy đòi hỏi này bởi vì, theo ngài, kết hôn và chia sẻ đời sống của mình là một điều gì đó thật tốt đẹp, và đó là thực hiện ước mơ yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Bên cạnh đó, Đức Thánh cha cũng đề cập đến việc một số người cho rằng các bạn trẻ ngày nay không còn muốn kết hôn nữa, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này. Ngài đã nói đến tỷ lệ kết hôn giảm: Thống kê cho thấy, tại châu Mỹ, vào năm 2019, tỷ lệ kết hôn xuống thấp đến mức kỷ lục và tại châu Âu xuống gần 1/2 so với năm 1964, trong khi đó tỷ lệ ly dị tăng gần gấp đôi. Những thời gian cách ly của đại dịch tạo nên sự căng thẳng và các xung đột trong gia đình và khiến việc sống chung trở nên khó khăn hơn bình thường. Tuy nhiên, ĐTC đã đưa ra lời khuyến khích sau: “Hôn nhân là một hành trình đòi hỏi, đôi khi khó khăn, và đôi khi phức tạp, nhưng đáng để nỗ lực.” [9]

Như vậy, mặc dù biết rằng hôn nhân luôn là một thách đố lớn cho mọi người nói chung và cho các Ki-tô hữu nói riêng, chúng ta vẫn một lòng tin tưởng rằng nhờ ơn Chúa và đức tin soi sáng, hướng dẫn, cuộc sống hôn nhân của chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt thắng mọi khó khăn thử thách.

Dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh, chúng ta có thể đưa ra một số bí quyết nhờ đó Ki-tô hữu sống mầu nhiệm và bí tích hôn nhân một cách trọn hảo.

2.1. Ki-tô hữu hiểu rõ mục đích của hôn nhân là gì?

Giáo lý Hội thánh Công Giáo số 1660 dạy rằng: “Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, (đến) việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích”. Vậy, đối với đôi bạn Ki-tô hữu, hôn nhân có hai mục đích rõ ràng. Đó là trọn đời yêu thương nhau, và trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái.

- Về mục đích trọn đời yêu thương nhau: Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.

- Về mục đích sinh sản và giáo dục con cái: Đôi bạn chung sống để trọn đời yêu thương nhau, lại còn sinh sản, giáo dục con cái. Việc giáo dục là tất yếu tiếp theo việc sinh sản. Nền tảng việc sinh sản là yêu nhau đến độ nên một, và nên một cả trong việc sinh hoạt vợ chồng là để sinh sản. Việc sinh sản con cái như thế, là do lệnh truyền của Thiên Chúa, và do mục đích nội tại của phái tính.

Vậy có thể khẳng định, một cuộc hôn nhân thoát được khủng hoảng đổ vỡ và bất hạnh chính là nhờ đôi bạn đã kiên tâm theo đuổi mục đích như đã nêu trên.

2.2. Ki-tô hữu đón nhận hôn nhân như là quà tặng của Thiên Chúa

Ki-tô hữu xác tín rằng, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ để họ kết hợp thành đôi hôn phối sống với nhau và nương tựa nhau: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18); “Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Như vậy sự kết hôn của họ nằm trong chương trình kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa: “Những đôi bạn cử hành hôn nhân Công giáo là những người đã đi vào trong chính kế hoạch của lịch sử cứu độ, mà cao điểm tìm thấy trong Giao Ước Tình Yêu của Đức Ki-tô với Hội thánh. Họ được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Tình Yêu Thiên Chúa...” [10]

Trước hết, hôn nhân được xem là quà tặng ơn gọi, nghĩa là Thiên Chúa đã kêu gọi con người đi vào kế hoạch cứu rỗi như là một ơn thiên triệu và hôn ước giữa hai người nam nữ được thiết định như một bí tích vừa đem lại ân sủng vừa thúc đẩy dấn thân chu toàn sứ mệnh. Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh: “Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người.” [11]

Ngoài ra, hôn nhân cũng là quà tặng sứ mệnh, nghĩa là Thiên Chúa đã ban cho con người một trái tim để yêu và được yêu, một giới tính để hấp dẫn và thu hút nhau, một định mệnh để liên kết sống-với-nhau. Khi lãnh nhận những ân huệ ấy, con người đáp trả Đấng Tạo Thành bằng việc thi hành sứ mệnh của hôn ước. Họ chấp nhận nên một để trọn đời yêu thương và nâng đỡ bổ sung cho nhau, “Không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (x. Mt 19,6; St 2,24). Thực vậy, “Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời”. [12]

Với ơn huệ quà tặng sứ mệnh, đôi bạn Ki-tô hữu chấp nhận liên kết nhau để hướng đến một mục đích cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Họ ý thức rằng, “Con cái là ân huệ cao quý của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc” [13]

2.3. Ki-tô hữu sống mầu nhiệm bí tích hôn nhân: Yêu như Chúa yêu

Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu đã viết: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, giống như họa ảnh của Người. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu. Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người ”. [14]

Như vậy, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu không còn dừng lại trên bình diện nhân bản, tự nhiên mà được nâng lên bậc siêu nhiên. Tình yêu của đôi bạn dành cho nhau lúc đó sẽ dõi theo tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu của Chúa Ki-tô đối với nhân loại nói chung và với Hội thánh của Ngài nói riêng.

Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu như sau: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5, 21-25).

Hôn nhân Ki-tô giáo đã được Thiên Chúa thiết lập và thánh hóa. Chúa Giê-su đã có mặt tại tiệc cưới Cana để chia vui với đôi tân hôn và chúc phúc cho họ (x. Ga 2, 1-12). Ngài cũng như bao nhiêu người khác đều mong muốn đôi bạn sống hạnh phúc, yêu thương và trung tín. Sự hiện diện của Ngài ở đám cưới Cana với phép lạ biến nước lã thành rượu ngon chính là một dự báo về viễn ảnh Đức Ki-tô sẽ có mặt trong đời sống của tín hữu chúng ta, để ban cho chúng ta đủ ơn thánh và sức mạnh thiêng liêng hầu chu toàn bổn phận hôn nhân gia đình mình.

Đức Ki-tô đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Chúa đã dạy chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Agape và phải thực hành tình yêu ấy ra sao trong đời sống hôn nhân gia đình. Tình yêu ấy là hi sinh tính mạng, là yêu đến cùng (x. Ga 13,1). Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta trước. Vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Đức Ki-tô đã hi sinh đến chết (x. Ga 10, 17 ; Pl 2, 8). Đó là mẫu mực của tình yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi. Vậy khi cam kết giao ước hôn nhân, đôi bạn sẽ dõi theo tình yêu của Chúa Ki-tô mà sẵn sàng chấp nhận một tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn.

Một cách cụ thể, thánh Phao-lô cũng đã khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.

Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hi sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của Ki-tô hữu chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài ./.

 

 


[5] Những quy tắc ứng xử vợ chồng – Alpha Books biên soạn – NXB LĐ-XH Hà Nội 2018 trang 52-53

[10] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II - Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu - Phần 2 Giáo huấn về HNGĐ.

[11] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu, số 11

[12] UB Giáo Lý Đức Tin - Giáo Lý Hôn Nhân Gia Đình - NXB TG Hànội 2004

[13] UB Giáo Lý Đức Tin - Giáo Lý Hôn Nhân Gia Đình - NXB TG Hànội 2004

[14] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu số 11

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức