Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Bài hát “Tôi tin” hoặc “Kinh Tin Kính” của Lm. Hoài Đức có được hát trong phụng vụ không?

Bài hát “Tôi tin” hoặc “Kinh Tin Kính” của Lm. Hoài Đức có được hát trong phụng vụ không?

HỌC HỎI VỀ THÁNH NHẠC 

Bài hát: Tôi tin hoặc Kinh Tin Kính của Lm. Hoài Đức 

có được hát trong phụng vụ không?

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội bàn tán nhiều về “Kinh Tin Kính” của Lm. Hoài Đức mà mọi người đều đã nghe và đã hát nhiều lần: Tôi tin kính một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha nhân từ dựng nên trời đất muôn loài…. Câu hỏi được đặt ra là bài hát này có được hát trong phụng vụ không?

Trước tiên, trong thánh nhạc, chúng ta cần phân biệt BỘ LỄ và THÁNH CA

 A. BỘ LỄ

Bộ lễ gồm những bản văn được ấn định dùng trong thánh lễ: Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính, Kinh Thánh Thánh Thánh, Kinh Tưởng Niệm (“Đây là mầu nhiệm đức tin”), Vinh Tụng Ca (“Chính nhờ Người… ”), Kinh Lạy Cha, Kinh lạy Chiên Thiên Chúa.

Lời của các bản văn này đã được in trong sách lễ Rô-ma, được HĐGM chuẩn nhận và được Toà Thánh châu phê. Vì thế, không được thay đổi bản văn vì bất cứ lý do gì! (xem Thông cáo số 3 của Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGMVN, do Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà ấn ký năm 1994).

Tuy sách lễ Rô-ma, ấn bản số 3, chưa được phát hành, nhưng nghi thức thánh lễ chính thức được HĐGMVN xuất bản trong cuốn “Nghi thức thánh lễ” (2005).

Khi phổ nhạc các bản văn của Bộ lễ, các nhạc sĩ phải tôn trọng tính chất cố định của các bản văn này.

Trong sách lễ Rô-ma, có ba bản văn Kinh Tin Kính (nếu ai nói “Có hai bản văn Kinh Tin Kính được dùng trong thánh lễ” là không chính xác!). Trong phạm vi bài viết này, chúng ta không bàn về lịch sử và nội dung của ba bản văn này.

1/ Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli (“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng…”). các giáo xứ, cộng đoàn Việt Nam thường dùng kinh này trong các thánh lễ Chúa nhật và các lễ trọng.

2/ Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ (“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng…”), ngắn hơn nhưng lại ít được sử dụng trong thánh lễ Chúa nhật và các lễ trọng. Ở nước ngoài, người ta thường dùng bản văn ngắn này.

3/ Kinh Tin Kính dưới dạng ba câu hỏi – đáp, được được sử dụng trong đêm vọng Phục Sinh và khi cử hành Bí tích Rửa Tội. Kinh này còn được dùng trong nghi thức Bí tích Thêm Sức.

BTHÁNH CA

Thánh ca gồm những bài hát do các nhạc sĩ tự do sáng tác cả lời lẫn nhạc. Dĩ nhiên, lời có thể là Lời Chúa, thánh vịnh… Loại này rất đa dạng nên chúng ta không cần bàn nhiều.

Trở lại chủ đề, bài “Tôi tin” (hoặc “Kinh Tin Kính”, tên gọi khác nhau tùy theo ấn bản) của cố Lm. Hoài Đức thuộc loại Bộ lễ, dựa theo bản văn Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ (số 2). Chúng ta so chiếu hai bản văn:

Khi so sánh hai bản văn, ta thấy bài hát “Tôi Tin” của Lm. Hoài Đức thiếu một số tín khoản (articles of faith), tức là những điều phải tin, quan trọng sau đây :

1/ Chúa Cha phép tắc vô cùng (the Father almighty)

2/ Chúa Giêsu Kitô: cụm từ này nói về nhân tính (Giêsu Nagiarét) và thiên tính (Kitô) của Chúa Con.

3/ Chúa chúng tôi

4/ Chúa Giêsu chết trong thời quan Phongxiô Philatô

5/ Chúa xuống ngục tổ tông

6/ Ngự bên hữu Đức Chúa Cha

7/ Phán xét kẻ sống và kẻ chết

8/ Các Thánh thông công

Như thế, bài hát: “Tôi Tin” của Lm. Hoài Đức không được dùng thay cho Kinh Tin Kính trong thánh lễ với hai lý do:

1/ Không theo bản văn phụng vụ chính thức của sách lễ Rô-ma.

2/ Bài của Lm. Hoài Đức không có gì sai trái về tín lý, nhưng không diễn tả hết điều Hội Thánh dạy trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ (đã giản lược tối đa rồi).

Bài này tuy không được hát thay cho Kinh Tin Kính, nhưngvẫn được sử dụng và được hát trong các buổi cầu nguyện, các giờ giáo lý, các sinh hoạt tôn giáo. Bài này coi như là một bài hát rất hay về đức tin về Chúa Ba Ngôi và về Giáo Hội của Chúa Kitô nên không có gì ngăn trở cả!

Một số bài thuộc về Bộ lễ (loại A: Kinh Thương Xót, Kinh Vinh Danh…), dù bây giờ không được hát trong thánh lễ (vì không theo bản văn phụng vụ chính thức), vẫn có thể được hát trong phụng vụ và trong thánh lễ như là một bài thánh ca (loại B): hát lúc nhập lễ, hiệp lễ, kết lễ…. Tôi xin đơn cử hai thí dụ cụ thể :

1/ Kinh Thương Xót (“Xin thương xót, Chúa ơi… Chúa ơi xin nhìn đến đoàn con…”) trong Bộ lễ “Vào Đời” của Lm. Thành Tâm: dù không được coi là Kinh Thương Xót chính thức, nhưng vẫn là một bài thánh ca rất hay về lời kêu cầu lòng thương xót của Chúa!

2/ Kinh Vinh Danh của Lm. Nguyễn Văn Trinh (Vinh danh Ngôi Cha là Thượng Đế… Vinh danh Ngôi Con là Đức Giêsu… Vinh danh Ngôi Ba là tình yêu…): tuy không được coi là Kinh Vinh Danh chính thức, nhưng vẫn là một bài thánh ca rất hay về Chúa Ba Ngôi. Một bài hát nhập lễ tuyệt vời vào lễ Chúa Ba Ngôi (Chúa nhật sau lễ Hiện Xuống).

TB. Mới đây, tôi có viết nhạc cho bài hát “Kinh Tin Kính các Thánh Tông Đồ” đã được phê chuẩn và được phép sử dụng trong phụng vụ:

Thân ái trong Chúa Kitô!

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa, Giáo sư Phụng vụ.

Nguồn tin: tgphanoi.org

 

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức