Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Suy niệm:
Sách Công vụ Tông đồ có một lối nói đặc biệt để chỉ Kitô giáo.
Tôn giáo mới này được gọi Đường của Chúa (Cv 18, 25-26),
hay thường xuyên hơn, được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).
Sách Công vụ cũng có lối nói đặc biệt để chỉ các Kitô hữu.
Họ được gọi là những người thuộc về Đường (Cv 9, 2),
và họ đã chịu bách hại vì theo con đường này, theo Đạo này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta nghe Đức Giêsu nói: “Chính Tôi là Đường” (c. 6).
Phải chăng vì thế Kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,
và các Kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường?
Đối với Kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường.
Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,
cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo.
Con Đường ấy hiện thân nơi một con người.
Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu,
là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.
Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường.
Chính Ngài là Đường, là Đạo.
Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.
“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,
bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ.
Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu.
Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa.
Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Khi các môn đệ xao xuyến vì đến giờ chia tay,
Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).
Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.
“Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.
Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.
Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.
Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.
Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này
thì vào thiên đàng để làm gì?
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.