Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội

40 Phố Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội

“Ngọn Hải Đăng” – Một phim hoạt hình ngắn tuyệt hay về tình cha

Suy tư

 

Tôi viết những dòng này vào ngày giỗ đầu tiên của cha tôi và cũng là một năm ông về trời. Đây không phải là sự đoán mò hay khoác lác: Cha tôi ra đi vào sáng thứ Bảy, mang Áo Đức Mẹ Núi Camêlô, và ông được lãnh các Bí Tích cuối cùng từ người cháu trai của ông (là một linh mục). Vì thế, thước phim The Lighthouse (Ngọn Hải Đăng) một cách đặc biệt đã đong đầy tim tôi: Là con trai của cha, tôi nhận ra những việc tốt đẹp ông dành cho 12 người con và hơn 60 người cháu của mình. Và với tư cách là cha của những đứa con chỉ vừa bước sang tuổi dậy thì, tôi nhận ra nhiệm vụ đang chờ mình phía trước – tiếp tục nỗ lực để là một người cha tốt.

Thước phim thật tuyệt xét từ mọi điểm nhìn. Cả người cha và người mẹ đều đóng vai trò quyết định trong việc hình thành tính cách của con cái, nhưng văn hóa của chúng ta gần như chỉ tôn vinh và tán dương tình mẹ, như thể vị thế người cha là không quan trọng, thậm chí còn có thể thay thế, hoặc như thể những người cha không cần sự công nhận với vai trò giáo dục con cái của mình.

Đóng góp của người cha trong việc nuôi dạy con cái là không thể đo lường. Trong nhiệm vụ nuôi nấng con cái đầy nan giải, người đàn ông đối diện với một thách đố đặc thù: vừa cương nghị vừa dịu hiền. Cương nghị mà không cứng nhắc, dịu hiền mà không yếu mềm. Từ sự cương nghị của chúng ta, con cái sẽ có được sự tự tin và sức mạnh nhân cách cần thiết để đối mặt với thế giới. Trong thước phim này, khởi đi một cách biểu tượng nơi ngọn hải đăng và bến tàu, người cha đồng hành với người con trên hành trình tích lũy lòng tự tin của cậu, vốn được biểu tượng hóa cách thi vị bằng những con tàu lớn dần do cậu điều khiển. Người cha vui chơi cùng người con, nhưng đồng thời ông cũng cho cậu một sự tự tin tăng tiến dần theo tuổi tác và năng lực của cậu. Khoảnh khắc đắt giá là khi người cha nhìn người con đã trưởng thành mà vẫn thấy cậu như một cậu bé.

Nơi cái nhìn ấy, nội tâm người cha chất chứa một sự giằng co: như một người bạn thân đã từng nói, “vai trò của người cha là dấu dẫn đường cho những đợi mong, những ước mơ và tình yêu vốn luôn ở trong sự giằng co hướng về tương lai.” Con cái là bận tâm chính yếu của chúng ta, là trách nhiệm cốt yếu của đời ta và là sự đầu tư quan trọng nhất của chúng ta trong tương lai. Chúng ta chuẩn bị để con cái mình được độc lập, mạnh mẽ, và tự tin… Nhưng thậm chí khi chúng ta tin tưởng chúng, điều đó không có nghĩa là lòng chúng ta cảm thấy tự tin như vậy. Như người cha trong phim, nhiều lần chúng ta cần phải tin tưởng rằng “những cô bé cậu bé” của chúng ta sẽ ổn, nhưng cảm giác này không đến nếu không phải nếm qua đau khổ và cô đơn.

Một điểm đánh động quan trọng khác của thước phim là âm nhạc. Một mặt, bản nhạc tạo nên tâm trạng thân mật và tuyệt diệu. Theo tôi, âm nhạc trong phim biểu trưng cho bước chuyển của sự khôn ngoan nơi người cha. Ông đặt con mình ngồi trước cây dương cầm, và người con muốn chơi ngẫu hứng thậm chí cậu không biết phải chơi thế nào. Người cha cản con lại, cầm tay cậu và đặt đôi tay cậu vào dãy phím đúng cách, cho đến khi cậu bé có thể theo được giai điệu. Đoạn sau, với cuộc trở về của người con trai giờ đã lớn, người cha già đã mất khả năng bộc bạch chính mình với âm nhạc. Trong khi con trai ông trình diễn, người cha nhấc tay mình khỏi phím đàn và đặt chúng một bên. Sau này, người con cũng chơi cùng bản nhạc đó cho con trai của mình, nhưng bản nhạc ấy đã được làm phong phú và chất chứa bằng những kinh nghiệm của riêng cậu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một giáo huấn thật hay về tình cha khi ngài nói:

“Mỗi gia đình cần có người cha. Hôm nay chúng ta tập trung vào giá trị của vai trò người cha, và tôi muốn bắt đầu với một vài câu trích trong sách Châm Ngôn, những lời mà một người cha dành cho con mình, ông nói: “Hỡi con, nếu lòng con khôn ngoan, thì lòng ta cũng sẽ được vui mừng; phải, chính ruột gan ta sẽ hớn hở khi miệng con nói điều ngay thẳng (Cn 23,15-16). […] Người cha này không nói rằng, “Ta tự hào về con vì con công chính như ta, vì con lặp lại những lời ta nói và những việc ta làm.” Không, ông không nói như thế. Ông nói những lời quan trọng nhiều hơn thế mà có lẽ chúng ta có thể giải thích theo cách này: “Ta sẽ hạnh phúc mỗi khi ta thấy con hành xử ngay thẳng. Đây là điều mà ta muốn dành cho con, để rồi nó trở thành của con: thái độ của lắng nghe và hành động, của nói năng và phán xét với sự khôn ngoan và ngay thẳng. Và, để con có thể được như thế, ta sẽ dạy con những điều con không biết, ta đã sửa chữa những lỗi phạm mà con không thấy. Ta đã làm cho con cảm nhận một tình cảm sâu xa và đồng thời sự khôn ngoan mà có thể con chưa hoàn toàn nhận ra khi còn trẻ và sốc nổi. Ta đã cho con thấy rõ về sự nghiêm khắc và kiên định mà có lẽ con đã không hiểu thấu, khi con chỉ muốn đồng lõa và bảo vệ. Chính ta trước hết đã phải đặt mình trước cuộc kiểm định sự khôn ngoan của con tim và duyệt xét những vượt mức của cảm xúc và nóng giận, để mang lấy gánh nặng của những hiểu lầm khó tránh và tìm những lời đúng đắn để giúp ta thấu hiểu (Đức Thánh Cha Phanxicô, bài giáo lý ngày 4 tháng 2 năm 2015).

Để duyệt xét chính mình, chúng ta có thể hỏi: Tương quan của tôi với con cái mình như thế nào? Tôi đã truyền đạt cách chắc chắn cả sự tự tin và tình cảm hay chưa? Tôi có đang ủng hộ chúng trong những thành công và an ủi chúng trong những thất bại không? Tôi có thể truyền thụ sự khôn ngoan của tôi cho con cái mình mà không áp đặt ý kiến cá nhân của mình? Tôi có thể giúp chúng tìm hướng đi cho riêng chúng không?

 

Chuyển ngữ: Jos. Nguyễn Minh Vương
Từ: catholic-link.org

Nguồn: dongten.net (20.6.2021)

Bài viết khác

Liên kết

Tin tức