Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói : “Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
Suy niệm:
Khi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá,
các Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến các phụ nữ Galilê.
Họ chỉ đứng nhìn Thầy từ xa (Mt 27,55; Mc 15,40; Lc 23,49).
Còn Tin Mừng Gioan lại mô tả nhóm phụ nữ đứng gần thập giá.
Người phụ nữ đầu tiên được kể tên là thân mẫu Đức Giêsu.
Mẹ đã theo Con đến tận núi Sọ,
dám chứng kiến và cảm nghiệm mọi nỗi đau của Con.
Mẹ can đảm nhận mình là mẹ của người tử tội,
đang ở trong giây phút cuối đời, đang đối diện với cái chết.
Người gần chết thường hay trối trăng một điều quan trọng,
một điều cần phải làm sau khi họ nhắm mắt.
Đức Giêsu trên thập giá cũng muốn để lại một lời trối.
Từ trên cao, Ngài nhìn thấy thân mẫu của mình
và người môn đệ mình yêu dấu đứng kề bên,
Ngài muốn tạo một tương quan thân thiết giữa họ.
Ngài nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”
Rồi nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,26-27).
Hai người không ruột thịt máu mủ, bây giờ thành mẹ con.
Có người nghĩ chuyện Đức Giêsu làm ở đây cũng thường thôi.
Vì biết mình sắp chết, nên Ngài giao phó Mẹ cho môn đệ,
để anh này thay mình chăm sóc Mẹ cho tròn chữ hiếu.
Thật ra lời trăng trối của Đức Giêsu mang tầm vóc lớn hơn nhiều.
Chúng ta không rõ khi Ngài lên đường đi sứ vụ, ai đã lo cho Mẹ.
Ngài để lại Mẹ ở nhà, và Ngài đòi các môn đệ cũng làm như thế.
Không rõ lúc cuối đời, Ngài có thấy cần người chăm sóc Mẹ không?
Dù sao trước khi Ngài nói với anh môn đệ: “Đây là mẹ của anh”
thì Ngài đã giới thiệu anh với Mẹ: “Đây là con của bà.”
Ngài xin Mẹ nhận anh này làm con và chăm sóc anh.
Sau đó Ngài mới giới thiệu Mẹ với anh: “Đây là Mẹ của anh.”
Người môn đệ đã nhận bà làm mẹ, và đã đón bà về nhà mình.
Đức Giêsu đã làm xong chuyện cuối cùng mà Ngài phải làm,
đó là tạo lập một tương quan mẫu tử giữa Mẹ và anh môn đệ.
Với sự bình an thanh thản của người đã hoàn thành sứ mạng,
Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất !” (Ga 19,28.30).
Có người nghĩ rằng Thầy Giêsu trên thập giá
chỉ muốn nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài mến thương.
Đó là chuyện thuần túy riêng tư giữa hai người.
Anh môn đệ này không đại diện cho các kitô hữu,
nên cũng chẳng có tương quan nào giữa Mẹ Maria và chúng ta.
Truyền thống Công giáo nghĩ không nghĩ như thế,
nhưng coi cử chỉ trăng trối cuối cùng này của Đức Giêsu
đã kết nên mối dây giữa Mẹ Ngài với mọi kitô hữu.
Đức Giêsu đã chia sẻ tương quan làm con của Mẹ cho chúng ta.
để chúng ta cũng có thể coi Mẹ Maria là Mẹ của mình.
Đây là món quà quý giá Ngài ban cho ta lúc gần kề cái chết.
Chẳng thấy Mẹ hay anh môn đệ nói gì sau lời của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta biết cả hai đã sống tương quan mới sau đó.
Đức Maria đã trở nên mẹ của từng kitô hữu.
Mẹ đã là môn đệ trung tín theo Con mình đến tận thập giá.
Người môn đệ Chúa yêu đứng gần cũng theo Thầy đến cùng.
Cả hai làm nên một gia đình thiêng liêng.
Khi vào một nhà thờ Công giáo, chúng ta thấy lòng ấm lại,
vì có sự hiện diện cảm thông của một Người Mẹ,
Người đã ở với Đức Giêsu hơn ba mươi năm,
đã sinh dưỡng, dạy dỗ, chở che, và làm cho Ngài lớn lên.
Đức Maria là thành viên và là Mẹ của Hội Thánh,
là người đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ ở Galilê,
nhưng cũng là người có phúc hơn mọi phụ nữ,
là người cầu nguyện với các môn đệ chờ Thánh Thần đến,
nhưng cũng là người được Thánh Thần ngự từ lúc truyền tin.
Chúng ta mong Chúa Giêsu cứ nói với Mẹ: “Đây là các con của Bà.”
Và nói với chúng ta: “Đây là Mẹ của anh chị em.”
Và chúng ta cũng mong Mẹ nhắc nhở chúng ta nhiều lần:
“Hãy làm những gì Người bảo!”
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
Chúng con tạ ơn Chúa Giêsu
đã ban cho chúng con một người mẹ
như quà tặng vô giá lúc Người sắp lìa đời.
Mẹ được chọn làm thân mẫu của Chúa
và được ban đầy ân sủng siêu phàm,
khiến muôn thế hệ phải ngợi khen chúc tụng.
Nhưng Mẹ cũng là tỳ nữ mọn hèn
luôn mau mắn thi hành ý định của Thiên Chúa,
dù Mẹ chẳng hiểu hết được mầu nhiệm cao sâu.
Chúng con tưởng Mẹ sẽ đi trên con đường đầy hoa,
nhưng thật ra Mẹ đã đi con đường của Chúa,
con đường gập ghềnh và trắc trở,
với lưỡi gươm sắc đâm thấu tâm hồn.
Trong đời Mẹ có bao tiếng xin vâng trên môi,
từ tiếng xin vâng đầu tiên đến tiếng xin vâng trên núi Sọ.
Những tiếng xin vâng này hợp với tiếng xin vâng của Con Mẹ
để Người đem ơn cứu độ cho chúng con.
Lạy Mẹ Maria,
là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con.
Mẹ đã sống trọn phận người như chúng con,
và đã chiến thắng sau khi kết thúc cuộc đời trần thế.
Mẹ hiểu chúng con cần lời cầu bàu của Mẹ biết bao
đang khi phải chiến đấu giữa trần gian đầy sóng gió.
Ước gì chúng con cũng có phúc vì đã tin như Mẹ,
có phúc vì đã làm cho Con của Mẹ được sinh ra,
và được lớn lên trong thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.